Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Xu hướng kinh doanh online không chỉ mang lại cơ hội mới cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tiêu thụ hàng hóa mà còn góp phần làm thay đổi hành vi mua sắm từ trực tiếp sang trực tuyến của người tiêu dùng.
Nhiều tiện lợi
Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo), cho biết việc đưa sản phẩm của HTX lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) giúp khách hàng tiếp cận với sản phẩm nhanh hơn; chỉ hơn một năm HTX tham gia sàn giao dịch TMĐT lượng khách hàng tăng 15% so với trước đó. Đặc biệt, trên các sàn giao dịch TMĐT đều có bảng đánh giá của khách hàng về chất lượng sản phẩm, qua đó giúp HTX nắm bắt được yêu cầu của khách hàng để có chiến lược kinh doanh phù hợp.
Thu hoạch dưa lưới tại HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long. Ảnh: H.A
Ông Lê Bá Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn mài Mỹ nghệ Tư Bốn (TP.Thủ Dầu Một), chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi kinh doanh theo kiểu truyền thống, nhưng hiện nay loại hình kinh doanh này không còn hiệu quả. Người tiêu dùng hiện có nhiều lựa chọn hình thức mua sắm hàng hóa, do đó công ty phải có sự thay đổi trong sản xuất, kinh doanh. Chúng tôi không chờ khách hàng đến tìm hiểu sản phẩm, thay vào đó công ty tăng cường quảng bá, kinh doanh trên sàn TMĐT của địa phương, trên mạng xã hội, website của công ty... Nhờ đó, chúng tôi mở rộng thêm khách hàng, tiết kiệm thời gian tìm hiểu, tư vấn cho khách hàng, hiệu quả kinh doanh cao hơn…”.
Được biết, năm 2023 chỉ số TMĐT (EBI) của Bình Dương đạt 35,7 điểm, đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, chỉ số về giao dịch của doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) đạt 21,6 điểm, xếp thứ 3 cả nước; chỉ số giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) đạt 49,9 điểm, xếp thứ 3 cả nước. |
Thống kê cho thấy, đến nay toàn tỉnh có trên 530 doanh nghiệp đăng ký tham gia sàn TMĐT của tỉnh. Doanh số bán hàng từ TMĐT chiếm 12% tổng doanh số bán hàng trên địa bàn tỉnh. Với sự hỗ trợ của dữ liệu TMĐT, khi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đưa các sản phẩm, hàng hóa lên sàn TMĐT sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như mở rộng thị trường, tiết kiệm chi phí, giảm nhân lực, tăng lợi nhuận…
Có lộ trình thực hiện phù hợp
Ông Nguyễn Thăng Long, chuyên gia đào tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong doanh nghiệp, Trưởng ban Xúc tiến thương mại Hội nghiên cứu và ứng dụng công nghệ y - sinh Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh các kênh mua sắm trực tuyến ngày càng mở rộng, doanh nghiệp cần quan tâm lĩnh vực TMĐT để quảng bá sản phẩm, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp uy tín thông qua website, các nền tảng mạng xã hội… Theo ông, tại Bình Dương hiện có nhiều doanh nghiệp phát triển các kênh bán hàng, tiếp thị trực tuyến để tối ưu hóa chi phí vận hành, giảm bớt áp lực về mặt bằng kinh doanh, nhân sự, đa dạng hình thức thanh toán…
Ông Nguyễn Thăng Long cho biết hiện đa số doanh nghiệp trong nước đang đối mặt với áp lực về chi phí đầu tư, thiếu nhân sự có chuyên môn về TMĐT. Do vậy, việc ứng dụng TMĐT của doanh nghiệp cần được triển khai theo lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú trọng hoạt động đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh, đón đầu thị trường để đáp ứng kịp nhu cầu ngày càng cao của khách hàng…
THANH HỒNG