Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Không cần lật giở sổ sách, chị Lê Thị Tố Nga, công tác tại Trung tâm Bệnh xã hội tỉnh, nói: “Hiện chúng tôi quản lý 64 BN phong. Đó là số cũ. Từ đầu năm đến nay chỉ có thêm một BN mới. BN này ngụ tại TP.TDM, là dân ngoại tỉnh mới đến Bình Dương sinh sống”. Hiểu rõ như thế bởi các anh chị ở đây lập riêng cho mỗi BN một quyển sổ ghi lại hết tất cả tên, tuổi, năm sinh, quê quán, nghề nghiệp và bệnh sử. Tất cả được làm với sự cẩn trọng và lòng yêu thương, chia sẻ với BN. Bệnh nhân lao nhận thuốc miễn phí tại Trung tâm Y tế TP.TDM Ảnh: Q.NHƯ
Bác sĩ Trương Thị Thanh Tâm, chuyên khoa da liễu, Trung tâm Bệnh xã hội tỉnh, cho biết: “Qua thăm khám, khi chúng tôi phát hiện các ca bệnh mới sẽ chuyển về cho tuyến huyện, thị, thành phố quản lý điều trị. Hàng tháng, BN phong, lao… sẽ đến Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố nhận thuốc miễn phí. Ngoài ra, các trung tâm cũng sẽ cấp thêm thuốc điều trị hỗ trợ cũng như thực hiện đúng các chế độ khác cho BN theo quy định của Bộ Y tế”. Các chế độ mà BN phong được hưởng là đối với BN nhóm ít vi khuẩn, điều trị đủ liều từ 6 - 9 tháng: 200.000 đồng/BN/đợt. Đối với BN nhóm nhiều vi khuẩn điều trị đủ liều từ 12 - 18 tháng: 400.000 đồng/BN/ đợt. Trường hợp BN phong phải điều trị để nạo vét lỗ đáo tại Trạm y tế xã hoặc cơ sở y tế khu vực được hỗ trợ 50.000 đồng/ ngày, thời gian không quá 20 ngày. Tương tự, các bệnh xã hội khác như lao, tâm thần, phòng chống mù lòa cũng được hỗ trợ theo chế độ trong quá trình điều trị.
Tại phòng quản lý bệnh lao cũng thuộc Trung tâm Bệnh xã hội, chị Lê Thị Tồn, Trưởng khoa lao cho biết từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có số người thử đàm phát hiện lao là 1.831 người, trong đó có 169 người phát hiện dương tính với bệnh lao. 141/169 BN lao được đăng ký điều trị. Số còn lại chuyển về quê do họ là lao động tự do đến từ tỉnh, thành khác. Việc thu dung, quản lý lao các thể trong quý I-2014 là 529 người. Công tác giám sát, điều trị được thực hiện 100% tại các tuyến y tế huyện, thị, thành phố đến phường, xã.
Không chỉ quản lý về bệnh sử, nhiều BN ở đây được thầy thuốc quan tâm đến đời sống, công việc và thu nhập của từng gia đình nên họ đã vận động để các tổ chức, cá nhân tặng quà, hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng cho những BN nặng. Đó là tấm lòng của người thầy thuốc thật đáng quý mà chúng tôi ghi nhận được. Các bác sĩ còn phối hợp với cán bộ y tế địa phương thăm hỏi, theo dõi BN có uống thuốc đúng, đủ theo yêu cầu, theo số thuốc được phát miễn phí hàng tháng hay không để việc điều trị bệnh có những tiến triển tốt.
Có một điều đáng nói là tất cả các bệnh xã hội từ lao, phong, tâm thần, phòng chống mù lòa đều được quản lý hồ sơ đầy đủ và điều trị miễn phí cùng những hỗ trợ khác khi BN gặp khó khăn. Tuy nhiên, tâm lý chung của người bệnh là ngại không đi khám đúng nơi cần đến hoặc đã khám, được quản lý hồ sơ và theo dõi điều trị nhưng lại bỏ ngang không điều trị tiếp. Đây là điều mà các bác sĩ khuyến cáo là không nên bởi với nhiều bệnh, phải quay trở lại điều trị từ đầu. Quan tâm đến sức khỏe của bản thân, phối hợp tốt với cán bộ y tế để điều trị đúng liều, đủ thời gian là điều mà những BN thuộc diện bệnh xã hội cần biết vậy.
QUỲNH NHƯ