| 06-05-2014 | 00:00:00

Bệnh rôm sảy và cách phòng ngừa

Thời tiết nóng ẩm dễ gây ra bệnh ngoài da, trong đó có bệnh rôm sảy. Bác sĩ Lê Văn Quý, Bệnh viện Quốc tế Miền Đông đã tư vấn về cách phòng chống bệnh này.

Theo bác sĩ Quý, đây là bệnh thường gặp ở trẻ em, cũng có thể gặp ở người lớn. Bệnh không nguy hiểm nhưng gây cho trẻ những khó chịu, ngứa ngáy, quấy khóc, khó ngủ nếu xử trí không đúng. Ngoài ra, rôm sảy có thể thành nhọt, bội nhiễm gây nên những biến chứng nguy hiểm.

Trẻ em thường bị rôm sảy, trong đó trẻ dưới 3 tuổi bị nhiều hơn do tuyến mồ hôi của trẻ chưa hoàn thiện, dễ bị tắc nghẽn mồ hôi. Mồ hôi của trẻ sẽ bị giữ lại dưới da nên bị tình trạng viêm và nổi mụn đỏ gây rôm sảy. Trẻ rôm sảy có chủ yếu ở da đầu, cổ, vai, ngực và lưng nhưng cũng có thể có thêm ở kẽ nách, háng. Ở người lớn, rôm sảy phát triển ở các nếp gấp của da và những vị trí cọ xát với quần áo. Triệu chứng là xuất hiện các mụn nước dưới da, sau đó nổi mẩn đỏ có thể gây ngứa cho trẻ.

Rôm sảy là một chứng bệnh lành tính, thường sẽ tự khỏi sau một thời gian nếu giữ vệ sinh cơ thể tốt. Thường thì khi thời tiết chuyển sang ít nóng hơn, dễ chịu hơn, rôm sảy cũng tự hết. Cần tắm cho trẻ hàng ngày với xà phòng, nước sạch. Ngoài thời tiết nóng thì mặc đồ quá chật, kín cũng gây nóng bức, khó thoát mồ hôi gây rôm sảy. Việc sử dụng quá nhiều phấn rôm cũng không nên bởi phấn sẽ bít lỗ chân lông, ảnh hưởng đến quá trình bài tiết mồ hôi của trẻ. Bệnh chỉ cần điều trị khi bị bội nhiễm do trẻ ngứa ngáy khó chịu rồi gãi, gây tổn thương da dẫn đến nhiễm trùng.

Cách phòng chống rôm sảy của dân gian thường cho con tắm các loại lá, như khổ qua rừng, sài đất, chè tươi... Theo bác sĩ Quý, nên hết sức thận trọng khi sử dụng các loại lá này. Phải rửa sạch, kỹ, ngâm qua nước muối trước khi đun nước tắm vì các loại lá này có thể chứa nhiều vi khuẩn gây hại, nếu tồn đọng thuốc bảo vệ thực vật còn gây tổn thương da và gây nguy hiểm khi rôm sảy đã bị bội nhiễm. Tốt nhất là khi trẻ bị rôm sảy kéo dài hay có dấu hiệu bội nhiễm như vùng da có rôm sảy bị sưng lên, đỏ, đau, có mủ, trẻ bị sưng hạch ở vùng cổ, nách, bẹn và sốt, ớn lạnh… cần đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị đúng cách.

 

 Q.NHƯ (thực hiện)

Chia sẻ