| 19-12-2013 | 00:00:00

Khó cho bài toán tiền lương công nhân lao động

Những điều tưởng như nghịch lý lại tồn tại thực tế bấy lâu nay. Thu nhập của người công nhân không đủ lo cho cuộc sống tối thiểu, hỏi còn đâu để tích lũy. Hiện nay, trong số khoảng 2 triệu công nhân ở các khu công nghiệp, có tới 70 - 80% là lao động di cư, nhập cư. Về vấn đề nhà ở, 80% công nhân phải thuê nhà trọ, phần lớn đều chật chội và thiếu tiện nghi.

Mới đây, ngày 14-11-2013, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động. Theo đó, từ ngày 1-1-2014 tới đây, người lao động trong các tổ chức nói trên sẽ được hưởng mức lương tối thiểu: 2,7 triệu đồng/ tháng (vùng 1); 2,4 triệu đồng/tháng (vùng 2); 2,1 triệu đồng/ tháng (vùng 3) và vùng 4 là 1,9 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 250.000 - 350.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, mức lương mới này cũng chỉ đáp ứng khoảng 77 - 84% so với nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động. Vì vậy, muốn có thêm thu nhập không gì khác hơn công nhân phải “tăng cường” tăng ca.

Từ thực tế chế độ tiền lương, nhiều ý kiến cho rằng, tiền lương hiện chưa bảo đảm cuộc sống người lao động và tồn tại bất bình đẳng. Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, các mức lương tối thiểu hiện nay vẫn còn thấp, chưa bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Mục tiêu của cải cách tiền lương là phải tiến tới bảo đảm cho người lao động sống được bằng tiền lương. Thế nhưng, nhìn lại chính sách tiền lương cho thấy nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước cũng như nhu cầu của người lao động. Chính sách tiền lương hiện hành cho thấy có sự bất cập khi chúng ta thực hiện 2 loại lương tối thiểu khác nhau ở khu vực Nhà nước và khu vực doanh nghiệp, tạo ra sự phân chia nhu cầu sống tối thiểu của người lao động khác với cán bộ, công chức Nhà nước. Điều này là chưa phù hợp với các nguyên tắc xây dựng tiền lương tối thiểu. Vì vậy, trong các giải pháp cải cách tiền lương phải hướng đến một mức lương tối thiểu chung cho toàn xã hội do Chính phủ công bố hoặc chỉ có lương tối thiểu trong khu vực doanh nghiệp làm cơ sở để người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận tiền lương.

 NHẬT HUY

Chia sẻ