Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Đã 12 năm nay, ông Trần Tĩnh (SN 1964, ấp Ông Thanh, xã Cây Trường, Bến Cát) ngày ngày quẩn quanh trong căn nhà rách nát để chăm sóc cho người con tâm thần. Nỗi khổ đè nặng hơn trên tấm lưng còng của ông, khi chính bản thân mình cũng bị bại liệt. Khổ chồng thêm khổ, ông chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ của các Mạnh Thường Quân để có sức khỏe sống với vợ con.
Sinh ra và lớn lên tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, cuộc sống nơi quê nhà cơ cực, anh Tĩnh đưa gia đình vào Bình Dương mưu sinh. Được sự tận tình giúp đỡ của nhiều người, vợ chồng anh làm bảo vệ vườn cao su cho một số hộ dân và sống nhờ trên đất của họ. Những tưởng cuộc sống sẽ êm đềm, “đời nghèo mà vui”, không ngờ năm 2000, con trai Trần Văn Vững (SN 1980) phát bệnh tâm thần phân liệt. Vững điên dại xé áo, quần rồi vác dao chạy khắp làng, không cái chén đĩa, xoong, nồi nào trong nhà còn lành lặn. Thương con, ông Tĩnh cùng vợ ngược xuôi chạy chữa thuốc thang, nhưng bệnh tình anh vẫn không thuyên giảm. Suốt 12 năm điều trị dù không còn hung hăng như trước, nhưng Vững không ý thức được gì. Bệnh viện cho về được 1 tháng lại phải nhập viện, bởi cứ ở nhà anh lại lang thang khắp nơi, áo quần bận vào đều bị anh xé nát, suốt ngày trần truồng ngồi hát nghêu ngao. Ông Tĩnh và các con trong ngôi nhà dột nát
Khổ càng thêm khổ, tháng 8-2012, đến lượt ông Tĩnh bị thoái vị đĩa đệm trung tầng, lồi đĩa đệm, thoái hóa đĩa đệm khiến hai chân teo nhỏ và dần tê liệt. Không còn công việc, chỗ ở, may mắn anh được một gia đình cho mượn mảnh đất nhỏ cất căn nhà tạm để tránh mưa nắng. Ngôi nhà nền đất, tường nylon, trần nhà lợp bằng bạt, tôn hư hỏng... mỗi cơn gió mạnh thổi qua, căn nhà đưa đẩy theo gió. Trong căn nhà “rách” đó luôn văng vẳng tiếng khóc thương tâm của người cha, người mẹ bất lực khi nhìn 3 đứa con thơ nheo nhóc.
Ông Tĩnh buồn nói: “Tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra rằng mình lại khốn khổ đến thế. Nhìn 3 đứa con thơ, đứa lớn nhất học lớp 4, đứa nhỏ mới 2 tuổi vui đùa mà lòng nghẹn đắng. Sức khỏe tôi càng ngày càng yếu, vợ mót mủ cao su ngày có ngày không, nợ nần khắp nơi vì chữa trị bệnh cho con trai… rủi may chúng tôi “sức cùng lực kiệt”, các con sẽ ra sao”. Tiếng nấc nghẹn ngào của ông Tĩnh, tiếng đứa con gái 2 tuổi Trần Xuân Uyên dỗ dành: “Ba đừng khóc, con thương ba lắm. Con hát ba nghe nha!”… Nhìn cảnh trên, không chỉ tôi mà tất cả những ai từng đến đây đều cảm thấy xót thương.
Bây giờ, ngoài đi làm mướn, suốt ngày bà Võ Thị Nhượng (SN 1970) vợ ông Tĩnh chỉ quanh quẩn ở nhà cơm nước vệ sinh cho chồng, con. Lo lắng, khổ cực mỗi ngày càng đè nặng hơn lên đôi vai bà Nhượng, khiến bà như xọm hẳn. Bà chỉ sợ, mai đây lỡ bà chết đi thì không biết ai sẽ thay bà chăm sóc cho ông, 3 đứa con nhỏ và người con tâm thần.
Trước hoàn cảnh nghiệt ngã đó, UBND xã Cây Trường đã vận động bà con ấp Ông Thanh, các ấp lân cận hỗ trợ cho gia đình ông Tĩnh 1 triệu đồng, hàng tháng tặng 10kg gạo. Ông Huỳnh Thiên Xuân, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cây Trường, cho biết: Gia đình ông Tĩnh không có hộ khẩu tại địa phương nên rất khó xét vào diện được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước. Thời gian tới, UBND sẽ xem xét có chế độ hỗ trợ gia đình ông.
Trước mắt, để “thắp” lên hy vọng sống cho ông, được tiếp tục chăm sóc các con nên người, ông rất mong nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.
THIÊN LÝ