Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai mạnh mẽ, tạo động lực lớn cho các chủ thể kinh tế đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.
Chương trình OCOP được triển khai mạnh mẽ, tạo động lực lớn cho các chủ thể kinh tế trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh
Nhiều sản phẩm đạt 3 sao trở lên
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có tổng số 29/41 xã đạt NTM nâng cao. Cùng với đó, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường kiểm tra, hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025; tổ chức lớp đào tạo tập huấn về nâng cao năng lực thực hiện chương trình OCOP cho cán bộ quản lý và chủ thể sản xuất tại các huyện, thị, thành phố. Rà soát, vận dụng hiệu quả, linh hoạt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo cơ chế thông thoáng, thúc đẩy phát triển sản xuất và kêu gọi đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao…
Bên cạnh đó, chương trình OCOP được triển khai mạnh mẽ, tạo động lực lớn cho các chủ thể kinh tế đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Đến nay, Bình Dương có 47 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, có 31 chủ thể kinh tế có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Trong đó có 8 sản phẩm 4 sao và 39 sản phẩm 3 sao, nhiều sản phẩm sau khi công nhận đạt chuẩn OCOP thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng và doanh số bán ra ngày càng tăng, góp phần nâng cao lợi nhuận.
Ông Nguyễn Phong Huy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm, vùng nguyên liệu và lao động địa phương. Các sản phẩm không ngừng cải tiến chất lượng, mẫu mã nhằm nâng cao giá trị và lợi thế cạnh tranh. Thời gian tới Bình Dương tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả đề án OCOP định hướng đến năm 2030, chú trọng việc nâng hạng các sản phẩm, phát triển các sản phẩm làng nghề, truyền thống và sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đồng thời tăng cường hỗ trợ, nghiên cứu các quy định và hướng dẫn chủ thể có sản phẩm tham gia OCOP thực hiện hồ sơ minh chứng, thường xuyên rà soát phát hiện những sản phẩm tiềm năng, thế mạnh… để vận động chủ thể tham gia.
Nâng cao chất lượng
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết mới đây UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình OCOP tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu nhằm tiếp tục triển khai nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn. Đồng thời bảo tồn giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn và chuyển đổi số; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Cụ thể, đến năm 2025, phấn đấu có thêm 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó phấn đấu có thêm 50 sản phẩm đạt từ 4 sao trở lên. Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm đã được đánh giá và phân hạng, ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa; phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có ít nhất 20% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Trong đó, ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.
Ngoài ra, tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%, phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể là nữ, ít nhất 20% chủ thể là người dân tộc thiểu số điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại. Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu Chương trình OCOP tỉnh; số hóa 100% hồ sơ, tài liệu sản phẩm được đánh giá phân hạng.
THOẠI PHƯƠNG