| 18-11-2023 | 09:28:04

Không ngừng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động

Trong những năm qua, được sự chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp công đoàn trong tỉnh đã quan tâm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Hàng ngàn chương trình văn hóa văn nghệ (VHVN), các hoạt động thể dục thể thao (TDTT) đã được tổ chức nhằm tạo các sân chơi lành mạnh, bổ ích cho CNVCLĐ.

Nhiều hoạt động hướng về người lao động

Trong những năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh luôn chú trọng tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động (NLĐ) phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, doanh nghiệp (DN). Trong 10 tháng của năm 2023, đã có trên 1.500 hoạt động VHVN, TDTT do các cấp công đoàn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, DN tổ chức cho NLĐ tham gia dưới dạng hội thi, hội diễn, giải đấu.


CNLĐ tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT tại Trung tâm Văn hóa Lao động tỉnh

Nét đặc thù trong chăm lo đời sống văn hóa NLĐ ở Bình Dương là tổ chức lồng ghép phong phú các hoạt động VHVN, TDTT với nhiều hoạt động của các cấp công đoàn nhằm mục đích vừa chăm lo lợi ích vật chất, vừa chăm lo lợi ích tinh thần cho đoàn viên, NLĐ. Cụ thể, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động như: Ngày hội công nhân với pháp luật; các hội thi “Tiếng hát người lao động”, “Nghệ thuật quần chúng, công nhân, viên chức, lao động”, tìm hiểu về pháp luật lao động và công đoàn, an toàn vệ sinh lao động; “Sáng tạo video clip bài tập thể dục giữa giờ”. Hoặc các giải bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, cuộc thi ảnh “Nét đẹp công đoàn cơ sở”, “Biểu trưng, tranh cổ động và hình ảnh chào mừng đại hội công đoàn các cấp”…

Trong 2 tháng 10 và 11-2023, các cấp công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động VHVN, TDTT chào mừng thành công Đại hội Công đoàn tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023- 2028. Cụ thể, tại Trung tâm Văn hóa Lao động tỉnh (khu dân cư Việt - Sing, phường An Phú, TP.Thuận An), nhiều chương trình đã diễn ra như: Hội thi tiếng hát CNLĐ, hội thi cầu lông, bóng bàn dành cho NLĐ. Các huyện, thị, thành phố cũng đã tổ chức các giải bóng đá, hội thi tiếng hát CNLĐ nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của NLĐ.

Ông Lê Hữu Vạn, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Lao động tỉnh cho biết, trung bình hàng tháng trung tâm thu hút hơn 25.000 lượt người tham gia luyện tập TDTT, học tập, vui chơi giải trí. Trung tâm thường xuyên tổ chức các phiên chợ phúc lợi cho CNLĐ do LĐLĐ tỉnh, cùng các đơn vị phối hợp với DN đưa hàng giá gốc và hỗ trợ giá, giúp NLĐ tiết kiệm chi phí khi mua sắm vật dụng và nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày. Trung tâm trở thành địa điểm tổ chức nhiều hoạt động của LĐLĐ tỉnh, các sự kiện dành cho NLĐ như hội thi “Tiếng hát NLĐ”, hội thi cầu lông, bóng bàn dành cho NLĐ, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, tạo điểm sinh hoạt cho NLĐ, con em NLĐ và nhân dân địa phương.

Toàn hệ thống chính trị chung tay

Chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ cần có sự chung tay, đồng tâm của cả hệ thống chính trị. Xác định rõ điều này, nhiều địa phương trong tỉnh luôn tạo điều tốt nhất cho các cấp công đoàn tổ chức các chương trình, hoạt động VHVN, TDTT theo hướng đa dạng hóa. Ông Đỗ Xuân Toàn, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Phú Giáo cho biết, LĐLĐ huyện đang thực hiện tốt kế hoạch “Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Cụ thể, LĐLĐ huyện đã tích cực phối hợp với các ngành đa dạng hóa các hoạt động VHVN, TDTT. Song song đó, đơn vị tích cực phối hợp xây dựng điểm sinh hoạt, nơi vui chơi giải trí cho CNLĐ.

Mục tiêu đề ra của tỉnh là đến năm 2025 phấn đấu mỗi khu công nghiệp có ít nhất 1 khu sinh hoạt văn hóa cho CNLĐ, xây dựng mới từ 1-2 trung tâm văn hóa lao động... Để thực hiện được các mục tiêu này, Tỉnh ủy đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện. Đó là tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác chăm lo đời sống, nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ. Tỉnh ủy tiếp tục phát huy hiệu quả các phong trào, các hoạt động chăm lo cho CNLĐ theo hướng phục vụ trực tiếp và đúng đối tượng, thực hiện đồng bộ giữa trách nhiệm và thụ hưởng.

Tỉnh khuyến khích các DN đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các thiết chế, trang thiết bị phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần cho NLĐ tại DN; đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân. Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, nhất là tổ chức Đảng trong DN, khu công nghiệp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở DN; phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc xây dựng và phát triển lối sống văn hóa, kỷ cương, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, xã hội, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa cho CNLĐ trong khu công nghiệp.

Tỉnh cũng yêu cầu các cấp công đoàn đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm của chủ DN, doanh nhân, trách nhiệm xã hội của DN trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ. Xác định chủ DN, doanh nhân, CNLĐ vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả của việc tạo dựng và phát triển môi trường văn hóa lành mạnh trong KCN. Cùng với đó, công đoàn các cấp chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình công nhân văn hóa, gia đình công nhân văn hóa, DN văn hóa gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Mục tiêu đề ra của tỉnh là đến năm 2025 phấn đấu mỗi khu công nghiệp có ít nhất 1 khu sinh hoạt văn hóa cho CNLĐ, xây dựng mới từ 1-2 trung tâm văn hóa lao động để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt VHVN, TDTT của CNVCLĐ...

HỒ VĂN

Chia sẻ