| 04-07-2023 | 07:53:01

Kích cầu tín dụng

Trong vòng 6 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có liên tiếp 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Từ việc điều chỉnh lãi suất điều hành, kéo theo hiệu ứng tích cực cho cả hệ thống, các ngân hàng thương mại liên tục giảm lãi suất cho vay cùng lãi suất huy động nhằm kích cầu tín dụng, hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế phục hồi, phát triển.

Đi cùng việc giảm lãi suất cho vay, từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, giao nhiệm vụ cho nhiều ngân hàng thương mại triển khai ngay các chính sách khoanh nợ, giãn, hoãn, kéo dài thời gian trả nợ cho khách hàng gặp khó khăn, đặc biệt là khách hàng doanh nghiệp.

Không chỉ thực thi, triển khai chính sách chung, nhiều ngân hàng thương mại, bằng trách nhiệm, sự chia sẻ khó khăn với khách hàng đã chủ động triển khai các gói tín dụng ưu đãi, bơm vốn cho các đối tượng khách hàng để đồng hành phát triển.

Không chỉ hỗ trợ khách hàng, tự thân các ngân hàng thương mại cũng phải “tự cứu mình” bằng nhiều giải pháp để bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng. Đổi mới hoạt động, thực hiện chuyển đổi số, phát triển sản phẩm dịch vụ, tiết giảm mọi chi phí… là những vấn đề được hệ thống ngân hàng đang áp dụng triệt để.

Nhiều giải pháp đã và đang được ngành ngân hàng triển khai nhằm kích cầu tín dụng, bảo đảm tăng trưởng an toàn hệ thống cũng như thúc đẩy nền kinh tế, hỗ trợ khách hàng. Dù vậy, thông tin được các ngân hàng đưa ra cho thấy mức tăng trưởng tín dụng không như kỳ vọng, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, nguy cơ nợ xấu vẫn còn… Thực tế đó cần phải thừa nhận, bởi sau đại dịch Covid-19, không riêng lĩnh vực kinh tế mà cả xã hội vẫn phải chịu tác động tiêu cực kéo dài. Doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cho đến đời sống người dân vẫn chưa thoát cảnh khó khăn, phải thu hẹp sản xuất, thắt chặt chi tiêu.

Vẫn còn đó những “nút thắt” trong tiếp cận vốn vay ngân hàng chưa được tháo gỡ, dù ngân hàng - khách hàng, những bên liên quan đã nhiều lần đề cập thông qua các hội nghị gặp gỡ. Nhiều khách hàng doanh nghiệp cho rằng có những vấn đề về điều kiện vay quá khắt khe, không phù hợp liên quan về tài sản thế chấp, lịch sử tín dụng, phương án sản xuất, kinh doanh có lãi… trong thời điểm sau đại dịch là không thể đáp ứng, dù rất cần vốn. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng cũng cần tăng trưởng tín dụng, nhưng cho vay cũng cần tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật, bảo đảm an toàn.

Thị trường đã có tín hiệu dần “ấm lên”, sức sản xuất, kinh doanh trên đà hồi phục, thủ tục, điều khoản vốn vay tiếp tục đơn giản… cùng nhiều chính sách vĩ mô được triển khai, kỳ vọng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ tăng, kéo theo đà tăng trưởng của tín dụng bảo đảm chỉ tiêu đặt ra.

 TRIỆU PHONG

Chia sẻ