Ngày 4-6, báo Bình Dương có bài viết “Giải pháp kiềm chế án mạng do nguyên nhân xã hội: Cần trang bị kiến thức pháp luật cho người trẻ”, phản ánh các vụ án giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội ngày càng tăng và cần các giải pháp để kéo giảm tội phạm này. Sau đây xin giới thiệu góc nhìn của bạn đọc về thực trạng và giải pháp trước tình hình tội phạm này.
Bài báo ngày 4-6, nhận được nhiều phản hồi về thực trạng và các giải pháp kiềm chế án giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội. Ảnh: LT.PHƯƠNG
Là Hội thẩm nhân dân nhiều năm, tham gia xét xử các vụ án hình sự, ông Bùi Quang Ẩn đã chứng kiến rất nhiều cảnh tượng đau lòng liên quan đến những bị cáo, bị hại trong các phiên tòa. Ông ấn tượng nhất là vụ án chồng 18 tuổi bóp cổ giết chết người vợ 16 tuổi. Tuổi đời còn quá trẻ nhưng họ đã có với nhau một đứa con, do mâu thuẫn trong sinh hoạt, vợ chồng cãi nhau, người chồng đã bóp cổ vợ đến chết vì bị thách thức.
“Tôi nhận thấy người phạm tội ngày càng trẻ hóa, nhận thức pháp luật của các em rất non yếu. Chỉ một hành động bộc phát như gây gổ, cãi nhau, nhìn nhau một cách không thiện cảm cũng trở thành nguyên nhân cho những vụ án mạng. Thứ hai, hiện nay việc nhường nhịn, kiềm chế cảm xúc của những người trẻ không giống như ngày xưa. Ông bà ta ngày xưa có dạy là “Một câu nhịn, chín câu lành”. Một bộ phận thế hệ trẻ ngày nay chỉ vì điều gì đó không hài lòng đều dùng đến bạo lực để giải quyết, không suy nghĩ đến hậu quả trước sau. Mặt khác, trong quan hệ gia đình, một số cặp vợ chồng trẻ nhận thức về hôn nhân, về cuộc sống, về pháp luật còn hạn chế nên thường dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, hậu quả để lại nỗi đau cho con, cho ông bà, cha mẹ.
Theo tôi, các bậc phụ huynh phải có sự giáo dục cặn kẽ, chu đáo với con cháu mình, trong quan hệ xã hội phải biết cách cư xử. Phải giáo dục làm sao các cháu biết phải, biết quấy, biết trên, biết dưới, cư xử đúng mực với bè bạn, với làng xóm, với người thân, dùng tình thương để đối đãi với nhau”.
Trung tá Lâm Hồng Vũ, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, cho biết: Trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát hình sự sẽ tiếp tục tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp nhằm phòng ngừa, tấn công trấn áp mạnh mẽ đối với loại tội phạm này; đẩy mạnh công tác nắm tình hình hòa giải, giải quyết ngay không để phát sinh, tồn tại lâu dài những mầm mống mâu thuẫn trong nhân dân, người lao động có thể dẫn đến bộc phát những hành vi giết người, cố ý gây thương tích. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan, cơ quan thông tin đại chúng tổ chức các hình thức tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho quần chúng nhân dân nhằm định hướng đúng dư luận xã hội, giúp quần chúng nắm bắt, tự phòng ngừa và chủ động cung cấp thông tin khi lực lượng công an có thông báo đề nghị hỗ trợ.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Thanh Vân, giảng viên chính, Viện Khoa học xã hội và Nhân văn, trường Đại học Công nghệ TP.Hồ Chí Minh Hutech:
Đã có nhiều chuyên gia đánh giá tình hình tội phạm dưới nhiều góc độ khác nhau. Dưới góc độ tâm lý tội phạm, có thể nhận thấy nhiều khía cạnh tâm lý cần bàn đến:
Thứ nhất: Do nhận thức hạn hẹp. Nhận thức chính là hiểu biết của con người. Qua đánh giá tình hình tội phạm giết người, nhiều trường hợp hiểu biết nông cạn, nhất là về pháp luật. Đó còn là thiếu hiểu biết về vấn đề mình gặp phải để tìm cách ra cách giải quyết, bản thân họ cũng mơ hồ và khi gặp tình huống “thuận lợi” làm mâu thuẫn lên đỉnh điểm thì ra tay luôn. Ngoài ra, khía cạnh tâm lý này có thể bàn đến cả những thiếu hụt về nhận thức bản thân, ví dụ như bản thân mình hiểu mình đến đâu, mình đang cần gì, mình đang ở đâu, điểm yếu của mình là gì…
Thứ hai, do thói quen - tính cách. Nhiều đối tượng đã hình thành cho mình những nét tính cách sĩ diện hão, “ta đây”, ích kỷ, ngông cuồng, ngông nghênh, cho mình quyền hành xử, “ở tù có sao đâu, rồi sẽ ra tù”. Theo đó, thiếu vắng những nét tính cách cần được quan tâm bồi dưỡng như lòng nhân, sự tử tế - gốc nhân cách con người.
Thứ ba, do cảm xúc tiêu cực. Cuộc sống luôn song hành với những cảm xúc tích cực và tiêu cực nhưng nếu không chú ý kiểm soát, quản lý được những cảm xúc tiêu cực thì chúng sẽ “ngoi lên” điều khiển hành vi khi có thêm những điều kiện “thuận lợi” (bị kích động, có chất kích thích như rượu bia…).
Thứ tư: Do lệch lạc về nhu cầu của bản thân. Trong tâm lý học, nhu cầu là cái gốc thúc đẩy hành vi. Nếu hệ thống nhu cầu bị lệch, thiếu những nhu cầu lành mạnh, đạo đức, chỉ chạy theo những tiêu cực, hạn hẹp về nhu cầu tinh thần lành mạnh thì theo đó cũng sẽ định hình nhân cách lệch lạc, là cơ hội để xuất hiện ý định, ý đồ, động cơ phạm tội.
Theo tôi, với nguyên nhân xuất phát từ những khía cạnh tâm lý nói trên, việc tăng cường giáo dục từ phía gia đình, nhà trường, xã hội rất quan trọng. Tác động giáo dục để các em có hiểu biết, từ đó hình thành nhân cách tốt. Bài học từ gia đình luôn là cơ bản, thiết thực, gần gũi; kết hợp với sự quan tâm, dạy dỗ của các thầy cô giáo để các em có được hiểu biết, có được thói quen tốt. Các cơ quan ban ngành cùng chung tay để tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh, một xã hội với nhiều mảng tích cực sẽ giúp các em phản ánh tốt qua lăng kính đánh giá của mình, giúp các em yên tâm, tin tưởng.
TÂM TRANG