Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Những ngày mùa thu tháng tám lịch sử, cả nước hướng về Quốc khánh 2-9, chúng tôi về thăm Khu di tích lịch sử rừng Kiến An ở ấp Bàu Khai, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng. Đi như một chuyến về nguồn, đi đến để rồi tự hào thêm một vùng đất anh hùng nay đã đổi thay ngoạn mục từ hố bom chiến sự…
Khu di tích lịch sử rừng Kiến An
Về lại rừng Kiến An xưa
Được những cán bộ công tác tại xã An Lập và cán bộ thuyết minh di tích huyện Dầu Tiếng đưa đi giới thiệu về di tích lịch sử rừng Kiến An, chúng tôi say sưa lạc vào vùng thiên nhiên tưởng như còn hoang sơ này. Từng cây gỗ quý được “gắn bảng tên” chăm sóc cẩn thận như: Lim, Giáng hương, Kơnia, Gõ đỏ… Các khu vực được tái hiện đầy đủ hình ảnh của một căn cứ cách mạng, nơi làm việc của cán bộ, chiến sĩ ta ngày trước.
Theo tài liệu ghi lại, khu rừng căn cứ lịch sử Kiến An (hay còn gọi căn cứ Hóc Tràm, rừng cấm Kiến An) là khu rừng tái sinh có hình thang, diện tích 128 ha, cách TX.Bến Cát 20km về hướng tây. Trong khu rừng có nhiều loại gỗ quýđược tái sinh sau ngày miền Nam giải phóng. Hiện nay, trong rừng còn nhiều di tích quan trọng như: Địa đạo đào từnăm 1961, hầm trú quân của quân y, hầm chiến đấu, hầm chứa vũ khí, giao thông hào chiến đấu, hầm chữ Z và nhiều hố bom B52 kéo thành vệt dài.
Đây là khu rừng tự nhiên gắn liền với các sự kiện lịch sử của tỉnh Bình Dương. Nơi đây, từ năm 1960-1975 có đến 15 đơn vị đóng quân, vừa là căn cứ địa, vừa là bàn đạp để tấn công quân địch. Các đơn vị gồm: Huyện ủy và Huyện đội Bắc Bến Cát; Trường Đảng tỉnh; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Y4 của Sài Gòn Gia Định; Tỉnh đoàn Bình Dương; Ban Nông - Hội; Mặt trận; Tiểu đoàn Phú Lợi; Đặc khu Sài Gòn - Gia Định; Phân khu 5, Trung đoàn 1 và 2 của Sư đoàn 9; Đoàn Hậu cần 83 của Miền; Trung đoàn 304. Đặc biệt, trong trận đánh Đường Long vào năm 1963 tiêu diệt tiểu đoàn Cọp Đen, Trung đoàn 1 đã xuất phát từ đây.
Giới thiệu với chúng tôi, các cán bộ ở đây cho biết Đoàn Hậu cần 83 của Miền đóng tại rừng Kiến An là để thu thập lương thực, thuốc men từ miền Bắc và chiến trường Campuchia chuyển về, đồng thời cũng là căn cứ xuất quân tiến đánh, phục kích quân địch trên đường 14, đường 7. Năm 1963 trong trận chống càn ở Hóc Tràm, Trung đoàn 1 của Sư đoàn 9 kết hợp với Đại đội 304 diệt 1 đại đội Sư đoàn 5 của ngụy. Năm 1967, tỉnh Bình Dương giải thể, thành lập các phân khu, rừng Kiến An trở thành căn cứ của Phân khu 1 (Sài Gòn - Gia Định) và Phân khu 5. Năm 1965, Mỹ cho máy bay B52 rải thảm bom hủy diệt từ căn cứ Long Nguyên đến rừng Kiến An. Ngày nay, tham quan rừng Kiến An, du khách vẫn thấy còn dấu vết các hố bom nối liền thành những vệt kéo dài.
Phòng trưng bày tại di tích lịch sử rừng Kiến An
Năm 1968, căn cứ rừng Kiến An trở thành nơi tập kết thương binh từ các nơi chuyển về, sau đó chuyển về R điều trị. Sau đợt Mậu Thân 1968, địch phản kích bằng cách cho máy bay rải bom và chất độc hóa học hủy diệt, đồng thời cho xe máy ủi có xe yểm trợ ủi phá rừng Kiến An suốt một tháng. Từ năm 1971-1972, rừng Kiến An trở thành nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch, du kích Kiến An kiên cường bám trụ, sau Hiệp định Paris xã Kiến An hoàn toàn giải phóng.
Từ tháng 3-1973 đến tháng 2-1974, Ban An ninh tỉnh Bình Dương chuyển về rừng Kiến An lập căn cứ. Tại đây, Ban An ninh tổ chức đào tạo cán bộ, chuẩn bị lực lượng để sau này xuống đường tiếp quản Thủ Dầu Một góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất non sông liền một dải, chấm dứt thời kỳ chiến tranh, chia cắt Nam - Bắc.
Hồi sinh từ chiến khu xưa
Về lại rừng Kiến An ngày nay, chúng tôi thật sự không tin nổi nơi đây từng một thời là chiến sự ác liệt. Anh Trà Trọng Quân, Phó Chủ tịch UBND xã An Lập, cho biết xã đã đạt được tiêu chí nông thôn mới 3 năm nay và nhân dân trong xã luôn phấn đấu để có cuộc sống ngày càng no ấm hơn.
Xã An Lập, huyện Dầu Tiếng có diện tích tự nhiên hơn 6.021 ha. Xã có 7 ấp: Kiến An, Hố Cạn, Bàu Khai, Đất Đỏ, Phú Bình, Chót Đồng và Hàng Nù. Hiện toàn xã có 2.327 hộ, 7.544 nhân khẩu. Trên địa bàn xã có 14 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo điều kiện cho lao động địa phương có việc làm ngoài nghề nông truyền thống. |
An Lập hiện có cơ cấu kinh tế 36,1% nông nghiệp, 46,13% công nghiệp và 17,76% thương mại - dịch vụ. Bà con ở An Lập hiện tại ngoài cây cao su cũng đã chuyển đổi sang trồng cây ăn trái như bưởi, cam, quýt, ổi, sầu riêng, măng cụt, tre lấy măng… Chăn nuôi thì làm theo mô hình trang trại heo, gà. Những năm khó khăn vì mủ cao su bị trượt giá cũng đã dần dần được bà con khắc phục bởi thu nhập từ vườn cây ăn trái. Đời sống của nhân dân ngày một tăng lên ở vùng nông thôn này.
Chương trình xây dựng xã nông thôn mới được tuyên truyền thực hiện rộng rãi để bà con giữ vững các tiêu chí đã đạt được. Xã cũng mới nghiệm thu và đưa vào sử dụng, dặm vá các tuyến đường nông thôn có tổng chiều dài 2.269m, với tổng số tiền 800 triệu đồng. Ngày chúng tôi đến thăm, lãnh đạo ở đây cũng đang cho xây lắp hệ thống đài truyền thanh không dây để kịp thời tuyên truyền đến bà con những thông tin cần thiết.
Địa bàn xã chạy dọc theo dòng sông Thị Tính với chiều dài 16 - 17km. Trước đây, học sinh đi học rất khó khăn nhưng ngày nay xã được đầu tư xây dựng các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở rất khang trang, tạo điều kiện cho con em ở địa phương đến trường thuận lợi hơn nhiều. Đến thăm trường Tiểu học An Lập, chúng tôi thật sự ngạc nhiên với ngôi trường đạt chuẩn quốc gia 3 tầng khang trang, sạch đẹp. Trường có trang bị cả thang máy để thuận tiện cho việc di chuyển thực phẩm dùng cho bán trú. Trường có 19 lớp các khối từ lớp 1 đến lớp 5; ngăn nắp, gọn gàng sạch sẽ với các phòng chức năng đạt chuẩn làm cho ai đến thăm trường cũng phải trầm trồ khen ngợi. Đây là năm thứ 2 các em được học ở ngôi trường mới này.
Chúng tôi vào thăm các em học lớp 1, những đôi mắt tròn xoe, những mầm non tương lai của đất nước đang được hưởng một nền giáo dục với cơ sở vật chất thực sự khang trang, đầy đủ không thua gì những trường ở thành phố. Các thầy cô giáo ở trường cũng phấn khởi, cho biết họ được quan tâm chăm sóc để yên tâm dạy dỗ giáo dục con em ở đây.
Những tuyến đường trên đường đến những khu, cụm dân cư đông đúc nhộn nhịp cũng được nhựa hóa. Ông Đỗ Văn Nhỏ, một nhân chứng của lịch sử cho rằng, so với trước đây An Lập ngày nay phát triển quá nhiều. Ông Nhỏ cho biết từ năm 13 tuổi, ông đã tham gia dân quân du kích ở địa phương. Ông làm công tác giao liên rồi làm du kích ở địa phương, giúp cơ sở cách mạng. “Hồi đó, tôi thường được vào căn cứ rừng Kiến An để báo cáo cho các chú nắm tình hình bên ngoài và vận động người dân tiếp tế lương thực bộ đội chủ lực từ miền Bắc vào. Riêng nhà ba mẹ tôi hồi đó ở cả một tiểu đội. Người dân An Lập một lòng một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ và chờ đợi ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng”, ông Nhỏ tâm sự.
Từ những hố bom xưa, cây trái đã lên xanh. Cuộc sống khó khăn ngày trước dần dần được sang trang, thay đổi tốt đẹp hơn. Tiếng gầm của bom đạn ngày nào nay được thay bằng tiếng ê a học bài của các em nhỏ. Và đó là hình ảnh bình yên, là cuộc sống thanh bình mà ai cũng mong đợi!
Khu di tích lịch sử Kiến An có diện khoảng 10 ha. Được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh từ ngày 2-6- 2004. Đây là một di tích rất quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cách mạng các thế hệ trẻ. UBND tỉnh đã có chủ trương đầu tư xây dựng vào năm 2001, khởi công xây dựng vào ngày 18- 3-2013 và hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 4-2015 với kinh phí trên 20 tỷ đồng. Hiện tại, di tích này đang được chuẩn bị các bước để tiến hành xây dựng giai đoạn 2 với các hạng mục quan trọng nhằm tái hiện cảnh cán bộ, chiến sĩ đã làm việc, chiến đấu ở đây. |
QUỲNH NHƯ