Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Thời gian qua, ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) luôn gắn việc điều hành, kinh doanh của công ty với mục tiêu bảo vệ môi trường, cung cấp nước sạch cho mảnh đất ông sinh ra và lớn lên. Với định hướng đó, ông đã cùng đồng sự kiến tạo một Biwase lớn mạnh không ngừng.
Xử lý rác thải sinh hoạt ở Biwase. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Vững mạnh sau cổ phần hóa
Chấp hành chủ trương chung của Chính phủ về việc sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, Biwase đã phối hợp với Tổng Công ty Becamex IDC - đơn vị được UBND tỉnh giao làm chủ sở hữu vốn Nhà nước tại công ty - tiến hành xác định lại giá trị doanh nghiệp. Theo đó, tổng giá trị vốn thực tế của doanh nghiệp tại thời điểm 31-12-2014 là 4.170 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 1.892 tỷ đồng.
Để hấp dẫn nhà đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh doanh vốn, bộ máy điều hành công ty quyết định chọn ghi vốn điều lệ là 1.500 tỷ đồng. Như vậy, Biwase đã trả lại vốn Nhà nước 392 tỷ đồng; tỷ lệ thoái vốn lần đầu 49%, Nhà nước còn nắm giữ 51%; số lượng cổ phần đăng ký mua gấp 3,5 lần số lượng cổ phần chào bán với tổng số 283 nhà đầu tư đăng ký mua; giá đấu thầu thành công bình quân là 14.227 đồng/cổ phần, tổng giá trị thu về cho Nhà nước trên 846 tỷ đồng. Đến nay, Nhà nước đã thoái vốn thêm 2 lần 10% và 16%, vốn Nhà nước còn tại công ty là 25%.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ tính đến ngày 30-6- 2019, Biwase có tài sản ngắn hạn hơn 1.481 tỷ đồng, tài sản dài hạn lên đến 12.296 tỷ đồng. Đến nay, đội ngũ cán bộ, công nhân viên toàn công ty lên đến hơn 1.500 người, thu nhập bình quân từ 12 - 13 triệu đồng/tháng, cao hơn trước khi cổ phần hóa. |
Sau cổ phần hóa, ngoài việc còn bỡ ngỡ với môi trường kinh doanh mới, công ty còn gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, bên cạnh rà soát đội ngũ, tăng năng suất lao động, Biwase còn tìm mọi cách để phát huy tối đa nguồn vốn, nhất là vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Để làm tốt việc này, Biwase quyết liệt trong đấu thầu, không có tình trạng nể nang, thậm chí là rất khắt khe trong việc lựa chọn. Vì vậy, Biwase luôn chọn được nhà thầu tốt, có năng lực thực hiện cao, không bị chậm tiến độ.
Nhờ làm tốt khâu đấu thầu, Biwase chọn được nhà thầu uy tín, có nguồn vốn tốt và tiến độ thực hiện các gói thầu bảo đảm. Ông Thiền khẳng định: “Các dự án ODA của Biwase luôn được hoàn thành trước thời hạn từ 1 - 2 năm, đưa vào sử dụng, vận hành sớm và tạo ra lợi nhuận nhanh. Nhờ đó, không chỉ bên tài trợ vốn ODA hài lòng mà các ngân hàng thương mại trong nước cũng rất tin tưởng, tự tìm đến chúng tôi để cho vay. Vì thế, nguồn lực tài chính của Biwase đến nay luôn được bảo đảm” .
Điển hình cho việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA sau cổ phần hóa của Biwase có thể kể đến Dự án xử lý rác thải sinh hoạt thành phân Compost do Chính phủ Phần Lan tài trợ 8 triệu Euro, cộng với vốn đối ứng của công ty thực hiện. Nhờ lựa chọn nhà thầu có năng lực thực hiện nhanh, bảo đảm tiến độ, chỉ sau một thời gian rất ngắn, Biwase đã xử lý rác thành công, cho ra thị trường phân bón Con Voi. Hiện nay, phân bón Con Voi đã tự tin có mặt trên thị trường, được nhiều nông dân tin tưởng sử dụng bón cây ăn trái, vườn cây cao su.
Cũng từ đây, Biwase đã được chuyển giao công nghệ thành công, lắp ráp và vận hành nhà máy xử lý rác thứ 2 có công suất 420 tấn/ngày. Chính phủ Phần Lan đã đánh giá rất cao Biwase và chuyển vốn ODA cho công ty thành nợ không lãi suất trả dần.
Không quên trách nhiệm với môi trường
Ông Thiền với vai trò chủ tịch hội đồng quản trị công ty, chia sẻ có thời điểm ông khá lo đó là làm sao vừa bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân vừa bảo đảm môi trường bền vững cho tỉnh. “Có những ấp nằm xa trung tâm ở huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên… khi cấp nước đến đó công ty không có lợi nhuận, nhưng vì cuộc sống của bà con nơi đây, tôi và anh em cộng sự ngồi bàn với nhau và quyết định vẫn cấp nước sạch cho người dân sinh hoạt, doanh nghiêp sản xuất, kinh doanh”, ông Thiền nói.
Trong những năm qua, Biwase không chỉ phát triển kinh doanh, phát triển doanh nghiệp xứng tầm với kỳ vọng của lãnh đạo địa phương mà còn liên tục có nhiều hoạt động cộng đồng, ý nghĩa. Ngoài ra, với kiến thức hiện có, Biwase sẵn sàng hợp tác phát triển, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải và đào tạo, huấn luyện con người vận hành hiệu quả công nghệ, thiết bị mới về môi trường cho các địa phương trong cả nước.
Trong nhiều câu chuyện kinh doanh khác ở Biwase, chúng tôi cũng được biết việc doanh nghiệp này miễn phí nước sạch cho hộ nghèo hay giảm tiền nước cho các hộ khó khăn. Có thể nói, trách nhiệm của Biwase hiện nay rất lớn: Ngoài việc phải liên tục đầu tư nhà máy nước, thu gom xử lý nước thải sinh hoạt cho toàn tỉnh, công ty còn phải tiếp nhận 3.500 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày. Theo ông Thiền, từ ngày còn chưa cổ phần hóa công ty đã phải chịu áp lực rất lớn bởi Bình Dương là tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa rất nhanh. Vì thế, công ty phải liên tục đầu tư mới công trình cấp nước cũng như máy móc, thiết bị xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, nguy hại… đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh.
Ông Thiền tâm tình: “Xin chia sẻ, các địa phương khác đừng vì chuyện lỗ lãi đơn thuần trong kinh doanh xử lý chất thải mà chậm trễ trong vấn đề bảo vệ môi trường sống của mọi người, bởi chỉ cần chậm trễ một thời gian ngắn, hậu quả về môi trường là rất lớn và dai dẳng về sau. Chúng ta phải bắt tay ngay vào việc xử lý chất thải, bảo vệ môi trường hàng tháng, hàng năm, đừng nên để tồn lưu chất thải gây ô nhiễm về môi trường dài hạn về sau”.
Tăng trưởng bền vững Sau 7 năm kể từ lần bình chọn đầu tiên và chỉ sau hơn 2 năm cổ phần hóa, lần đầu tiên Biwase vươn lên lọt vào tốp 50 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán tốt nhất Việt Nam. Đây là một bước tiến ngoạn mục của Biwase, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp cùng ngành nghề vướng nhiều khó khăn, thậm chí thua lỗ. Biwase là doanh nghiệp Nhà nước có uy tín với giá trị vốn hóa cao, quản trị hiệu quả nên được các đối tác tin tưởng. Cộng với khả năng quản trị, xoay sở rất khôn khéo của Ban quản trị, Biwase không chỉ thoát khỏi khó khăn tạm thời sau cổ phần hóa mà còn nhanh chóng tăng tốc phát triển. Cổ phiếu Biwase với mã chứng khoán là BWE đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE). Sau khi cổ phần hóa, cổ tức chi trả cho nhà đầu tư tăng đều hàng năm: Năm đầu tiên (2017) chi trả cổ tức 7%, năm tiếp theo (2018) là 9%. Ngay cả việc chi trả cổ tức, Biwase cũng chỉ chi trả khoảng 50% lợi nhuận. Số còn lại được đưa vào quỹ trích lập dự phòng để tái đầu tư và phòng ngừa rủi ro “Trên sàn giao dịch chứng khoán, công ty được nhà đầu tư rất quan tâm, trung bình mỗi ngày giao dịch từ 100.000 ÷ 300.000 cổ phiếu. Chúng tôi tin tưởng công ty còn tiếp tục tăng trưởng trong tương lai. Các sản phẩm của công ty cũng tăng đều, doanh số tăng trung bình mỗi năm là 24%, trong đó sản lượng nước sạch tăng 26,4%/năm; sản lượng thu gom xử lý rác tăng 27%/năm; nước thải tăng 51,11%/năm”, ông Thiền cho biết. |
KHÁNH VINH