Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Ngày 7-5-1954, quân đội Pháp đại bại ở Điện Biên Phủ. Đúng 16 giờ 30 phút, ngày 8-5-1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương khai mạc. Tham dự hội nghị có 9 đoàn đại biểu: 3 đoàn của các nước xã hội chủ nghĩa: Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; 3 đoàn phương Tây: Pháp, Anh, Mỹ và 3 quốc gia liên kết trên bán đảo Đông Dương.
Từ ngày 10 đến 20-7-1954 là giai đoạn cuối cùng của cuộc đàm phán. Các đoàn làm việc rất khẩn trương để giải quyết những vấn đề then chốt. Vấn đề đình chiến ở Lào và Campuchia, đoàn Việt Nam đấu tranh quyết liệt nhưng chỉ giành được khu tập kết cho Phathet Lào ở hai tỉnh mà không đạt được việc điều chỉnh cho Khơ-me Itsarak vùng đóng quân.
Vấn đề giới tuyến phân vùng và thời hạn tuyển cử, đoàn Việt Nam kiên trì vĩ tuyến 16 và tổng tuyển cử sớm. Ngày 19-7-1954, 3 đoàn Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc thống nhất đưa cho đoàn Pháp phương án cuối cùng giới tuyến đi qua đường 9-10km. Phương án này được đoàn Việt Nam gợi ý từ tháng 6, nhưng phía Pháp vẫn đòi vĩ tuyến 18. Tại cuộc họp đêm 20-7-1954, 5 trưởng đoàn Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam vào phút chót mới thỏa thuận lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến phân vùng và thời hạn tổng tuyển cử ấn định là 2 năm.
Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp rất căng thẳng, nhưng với thiện chí của phái đoàn ta, ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Đông Dương được ký kết.
Hiệp định đình chỉ chiến sự và Tuyên bố cuối cùng của hội nghị tạo thành khung pháp lý của Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương. Các nước tham gia Hội nghị tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.
Theo hiệp định đã ký kết, nước Việt Nam bị chia cắt giả tạo thành hai miền qua vĩ tuyến 17, mặc dù sự thận trọng của các bên tham gia hội nghị nhấn mạnh rằng “Dù bất cứ trường hợp nào, không thể coi đó là biên giới chính trị hay lãnh thổ”. Sự chia cắt đó chỉ là tạm thời. Hai miền phải thống nhất trước tháng 7-1956 bằng tổng tuyển cử “tự do và dân chủ”. Nước Pháp phải rút quân khỏi miền Bắc và Việt Minh rút khỏi miền Nam trong thời hạn 300 ngày; thường dân có quyền lựa chọn muốn ở miền Bắc hay miền Nam, trong thời gian đó, họ được tự do đi lại. Nghiêm cấm quân đội nước ngoài xâm nhập lãnh thổ Việt Nam. Một Ủy ban Giám sát quốc tế gồm có Ba Lan, Ấn Độ và Canada sẽ giám sát việc thi hành các điều khoản của hiệp định.
Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược bắt đầu từ ngày 23-9-1945, kết thúc ngày 20-7-1954. Về sự kiện lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “... Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới”.
C.T (tổng hợp)