| 28-10-2024 | 15:15:37

Kỷ niệm 70 năm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc 'Quê Thanh: nghĩa Bắc - tình Nam'

Tối 27-10, tại TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954 – 2024) và khánh thành Khu lưu niệm với chủ đề “Quê Thanh: nghĩa Bắc – Tình Nam”.

Các đại biểu ấn nút khánh thành Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa 

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; các đồng chí Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa, đại biểu các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành bạn; đại biểu đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc; cùng cấp ủy, chính quyền và đông đảo nhân dân địa phương.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định sự kiện thể hiện tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. 70 năm đã trôi qua, nghĩa tình của nhân dân miền Bắc, trong đó có nhân dân tỉnh Thanh Hóa dành cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết, thêm lần nữa khẳng định chân lý “Bắc - Nam một nhà”, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”; là bài học kinh nghiệm quý báu về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc…

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, trong chiến tranh chúng ta đã nhường cơm sẻ áo, trong hòa bình chúng ta phải chung sức đồng lòng phát huy tối đa sức mạnh của mỗi địa phương, tương trợ lẫn nhau vì một Việt Nam hòa bình độc lập, dân chủ, giàu mạnh. Các địa phương, trong đó có Thanh Hóa tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, thân nhân cán bộ chiến sĩ Việt Nam tập kết ra miền Bắc; nhất là những gia đình có công lao nuôi dưỡng đồng bào chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của sự kiện 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Tình cảm thắm thiết như anh em ruột thịt, Nam Bắc một nhà của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân miền Bắc nói chung, trong đó có nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần, cổ vũ, động viên các thế hệ học sinh, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam không ngừng nỗ lực, phấn đấu học tập, lao động, sản xuất, đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. 

Nhiều đồng bào miền Nam sau khi học tập, rèn luyện đã nhập ngũ, trở lại quê hương, kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng đội chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều thế hệ con em học sinh của đồng bào miền Nam được Đảng, Nhà nước đào tạo, trong đó nhiều người đã trở thành những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các địa phương, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, các nhà giáo, bác sĩ, nhà khoa học, các doanh nhân thành đạt, các văn nghệ sĩ tên tuổi,... đã và đang mang hết công sức, cống hiến cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học, các chuyên gia và nhân dân cả nước tiếp tục sưu tầm, bổ sung tư liệu vào khu lưu niệm để nơi đây thật sự trở thành một “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước…

Trình bày diễn văn tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa khẳng định: Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, không chỉ là dịp để chúng ta gặp nhau, ôn lại những kỷ niệm xúc động, nghĩa tình trên đất Bắc, mà còn là dịp để chúng ta tự hào về một giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc, nhắc nhớ chúng ta về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tình cảm “Bắc - Nam một nhà”, không thể nào chia cắt.

Ngay sau Hiệp định Geneva được ký kết, với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định bố trí một bộ phận cán bộ, đảng viên ở lại để lãnh đạo cuộc chiến đấu ở miền Nam và chuyển hàng vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc...

Chỉ trong 9 tháng (từ tháng 9-1954 đến tháng 5-1955), tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đón tiếp 47.346 cán bộ, bộ đội, 1.869 thương bệnh binh, 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ miền Nam tập kết; và là địa phương đón số lượng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam nhiều nhất cả nước.

Với mong muốn xây dựng công trình lưu giữ những hình ảnh, hiện vật về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, biểu tượng sáng ngời của chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định đầu tư dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn.

Sau gần hai năm khởi công xây dựng, các hạng mục công trình khu A đã hoàn thành, nổi bật là Cụm tượng đài Con tàu tập kết và bức phù điêu hình cánh cung. Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử, nhân văn sâu sắc, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thế hệ người Việt Nam, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi đến Sầm Sơn.

Đồng bào, chiến sĩ tỉnh Thanh Hóa xem Chương trình nghệ thuât đặc biệt 'Quê Thanh: nghĩa Bắc - tình Nam' được dàn dựng công phu với hơn 400 nghệ sĩ chuyên nghiệp Trung ương và địa phương cùng tham gia biểu diễn 

Chương trình nghệ thuật đặc biệt Quê Thanh Nghĩa Bắc - Tình Nam được dàn dựng công phu gồm 3 chương. Chương 1 có tựa đề "Ký ức không bao giờ phai" với 3 lớp diễn: Vượt khó, vươn tầm cách mạng; Cuộc chuyển quân huyền thoại và nghĩa Bắc, tình Nam. Chương 2 có tựa đề "Huyền thoại thời hoa lửa", Chương 3 có tựa đề "Nhịp sống trào dâng sắc mới".

Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ Nhân dân: Thái Bảo, Quốc Hưng; Nghệ sĩ ưu tú: Tân Nhàn, Lương Huy; các ca sĩ Trọng Tấn, Ngọc Anh cùng gần 400 nghệ sĩ, diễn viên chuyên và không chuyên của trung ương và tỉnh Thanh Hoá.

Đây là chương trình ý nghĩa, không chỉ là dịp để các nhân chứng lịch sử ôn lại những kỷ niệm xúc động, nghĩa tình trên đất Bắc, mà còn là dịp để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hoá tự hào về một giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc, nhắc nhớ các thế hệ hôm nay và mai sau về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tình cảm "Bắc - Nam một nhà".

Cuối năm 1954, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam nhận được chủ trương tập kết ra Bắc để học tập, sản xuất, chuẩn bị lực lượng cho miền Nam trong cuộc chiến đấu lâu dài, và đó cũng là nguồn cán bộ cho đất nước sau khi đã thống nhất hai miền Nam - Bắc. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa là địa phương đầu tiên được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ giao nhiệm vụ đón tiếp, chăm sóc hơn 1.800 thương binh cùng hơn 50 nghìn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Theo chinhphu.vn

Chia sẻ