Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Ngày 25-10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam thông báo tăng nhiều loại lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5,0%/năm lên 6,0%/ năm. Đây là lần thứ hai NHNN tăng lãi suất điều hành trong năm 2022, nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.
Tăng lãi suất huy động
Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đến trưa ngày 26-10 đã cập nhật biểu lãi suất huy động mới sau động thái nâng một loạt lãi suất điều hành của NHNN. Không ít nhà băng đã nâng lãi suất huy động mức cao nhất hiện đã lên trên 9%/năm.
Ngân hàng Bản Việt điều chỉnh lãi suất tiền gửi ở một số kỳ hạn, theo đó mức điều chỉnh tăng từ 0,5 - 1,2% theo từng kỳ hạn gửi. Đây là lần điều chỉnh thứ hai của Bản Việt kể từ ngày 23-9. Sacombank tăng mạnh lãi suất các kỳ hạn ngắn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng lên 5,6 - 6%/năm từ mức 4,1 - 4,6%/ năm niêm yết hồi đầu tháng, tương đương mức tăng 1,4 - 1,5%/năm. Trong đó, kỳ hạn 5 tháng lãnh lãi cuối kỳ tăng lên kịch trần 6%/năm, còn kỳ hạn 4 tháng lãi suất cũng tăng lên mức 5,9%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 - 11 tháng cũng tăng từ mức 5,8 - 6,3%/năm lên 7 - 7,25%/năm. VP Bank cũng thông báo điều chỉnh lãi suất huy động từ ngày 26-10. Theo đó, tất cả các khoản tiền gửi trên 300 triệu đồng có kỳ hạn dưới 6 tháng theo hình thức gửi trực tuyến đều được áp dụng mức lãi suất kịch trần 6%/năm; các khoản tiền gửi dưới 300 triệu đồng sẽ được nhận lãi suất từ 5,8 - 6%/năm, tùy từng kỳ hạn.
Tăng lãi suất điều hành nhằm góp phần bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Vietcombank chi nhánh Bình Dương. Ảnh: THANH HỒNG
Tương tự, Techcombank đã tăng lãi suất huy động tại quầy đối với khách hàng mới theo sản phẩm Tiền gửi Phát lộc lên mức tối đa cho phép là 6%/năm cho tất cả các kỳ hạn gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Các sản phẩm tiết kiệm thông thường được hưởng lãi suất 5,9%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng. Như vậy, so với hồi đầu tháng, lãi suất huy động của Techcombank tại các kỳ hạn dưới 6 tháng đã tăng thêm 2 - 2,3%/năm.
Ở chiều ngược lại, nhiều ngân hàng lớn khác chưa có động thái mới sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành. Các ngân hàng lớn như Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank, MB, ACB, SHB… đều đang áp dụng biểu lãi suất trước ngày 25-10, tức lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng tối đa chỉ 5%/năm. Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Vietcombank Bình Dương, cho biết đến chiều ngày 26-10, VCB vẫn đang áp dụng biểu lãi suất cũ (trước 25-10) và chưa nhận được thông báo điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm từ hội sở.
Doanh nghiệp lo lắng
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động liên tục nhích lên, mức lãi 8 - 9%/năm hiện không còn là chuyện hiếm thì việc lãi suất cho vay tăng là điều khó tránh khỏi. Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Phước Dũ Long, cho biết lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh đã tăng lên 12%/năm, tăng thêm 3 - 4% so với hồi quý I, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) lo lắng đà tăng này vẫn chưa dừng lại. Và nếu lãi suất tiếp tục tăng, DN sẽ rất khó cạnh tranh. “Sau khi trừ tiền lãi vay và các khoản chi phí khác, lợi nhuận không được bao nhiêu, thậm chí còn âm. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế dự báo khó khăn hơn trong năm sau do sức ép lạm phát, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, thị trường tiêu thụ khó khăn… nên hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ vô cùng nan giải”, ông Vương Siêu Tín nói.
Nhiều ngân hàng ở Bình Dương áp dụng đa dạng các phương thức thu hút tiền gửi dân cư. Trong ảnh: Khách hàng làm thủ tục gửi tiết kiệm tại BIDV chi nhánh Bình Dương
Theo ông Cao Văn Đồng, Giám đốc Công ty TNHH Kettle Interiors ASIA (TX.Tân Uyên), bên cạnh yếu tố thị trường tiêu thụ, tỷ giá, lãi suất tăng sẽ là gánh nặng đối với DN thời gian tới. Bởi hiện tại, tỷ giá đang biến động mạnh, nên những DN xuất khẩu được lợi nhưng các DN nhập khẩu mà không có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu sẽ phải nhập hàng hóa với chi phí đắt hơn. Cũng theo ông Cao Văn Đồng, vấn đề quan trọng hiện nay là việc quản trị thanh khoản của DN cấp thiết hơn bao giờ hết. Dù vay VND hay USD, DN cũng phải tính toán xem rằng khi lãi suất tăng lên 1%/năm thì DN có chịu được hay không. “DN phải tập trung tối ưu hóa nguồn vốn để đỡ phải đi vay vì lãi suất tăng và ngân hàng cũng hạn chế cho vay; phải kiểm soát rủi ro để lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho năm 2023”, ông Cao Văn Đồng cho hay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thái Minh Quang cho biết nhu cầu tín dụng vào cuối năm thường rất cao. Hơn nữa thị trường đang có diễn biến lãi suất tiếp tục có xu hướng tăng nên việc đẩy mạnh huy động vốn bằng nâng lãi suất huy động là điều dễ hiểu.
THANH HỒNG