Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, những năm qua trên địa bàn huyện Dầu Tiếng nói chung, xã Thanh Tuyền nói riêng xuất hiện rất nhiều tấm gương diển hình. Trong đó cái tên được nhắc đến nhiều nhất là hội viên Lê Văn Huệ ở ấp Xóm Bền, với mô hình trang trại nuôi cá cảnh mỗi năm thu nhập trung bình trên 1 tỷ đồng.
Anh Lê Văn Huệ tại trang trại cá cảnh của gia đình
Theo chỉ dẫn của ông Nguyễn Hữu Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tuyền, chúng tôi đến trại nuôi cá cảnh của gia đình anh Lê Văn Huệ. Ấn ượng đầu tiên khi gặp anh Lê Văn Huệ đó là một người đàn ông thân thiện, chất phác nhưng tư duy kinh doanh rất nhạy bén, táo bạo. Anh Huệ cho biết anh có sở thích nuôi cá cảnh từ năm 1996, khi còn đang là sinh viên ngành công nghệ thông tin. Sở thích ban đầu trở thành nguồn thu nhập đáng kể, anh quyết tâm lao vào kinh doanh cá với ước mơ làm giàu.
Ban đầu do chưa có vốn nhiều để đầu tư nên anh thuê ao, hồ ở xã An Tây, TX.Bến Cát để nuôi cá tứ vân, hồng nhung, cánh buồm... Quyết định nuôi cá cảnh ở hồ của anh hồi đó là một việc làm táo bạo, chưa ai nghĩ ra. Nhưng bằng niềm đam mê và có tính toán kỹ lưỡng nên anh đã thành công. Cá sinh trưởng, phát triển mạnh, các chủ vựa cá tìm đến để mua cá của anh ngày càng nhiều. Sau khi thành công nhờ nuôi cá nội địa, năm 2005, anh mở rộng trang trại 1.200m2 để nuôi cá dĩa. Một lần nữa anh lại gây tiếng vang lớn khi mạnh dạn thả 2.000 con cá giống xuống hồ lót bạt để nuôi. Cá anh nuôi phát triển tốt, sinh sản nhiều, được tiêu thụ mạnh ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và các vùng lân cận.
Có được số vốn kha khá, anh Huệ về xã Thanh Tuyền để mở trang trại nuôi cá. Trang trại của anh được thiết kế quy mô lớn bao gồm mô hình bể kiếng với hệ thống cấp thoát nước bằng van xả tự động cùng hệ thống phun sương tự động để vừa cung cấp oxy, lọc tạp chất... Tại cơ sở mới, ban đầu anh tập trung nuôi vài giống cá thông thường để cung cấp ra thị trường như cá bao, bông cúc, bồ câu... Nhờ giá cá rẻ bán số lượng lớn nên rất dễ tiêu thụ trên thị trường. Sau này anh xuất khẩu sang nhiều nước như Singapore, Malaysia, Đài Loan, Indonesia, Mỹ...
Anh Huệ chia sẻ: “Để tạo thương hiệu vững chắc, thu nhập cao hơn nữa thì mình phải chọn đối tượng cá độc quyền, ít người làm, khó làm và nhu cầu thị trường cao. Năm 2010 bên cạnh nuôi cá vàng, cá dĩa, tôi quyết định nuôi cá Altum - cá Ông Tiên Ai Cập. Đây là loài cá hoang dã đến từ những con sông của Colombia”. Giờ đây, anh Huệ chủ động phân phối loài cá đắt tiền này mỗi năm khoảng 5.000 con. Doanh số từ nuôi cá vàng đạt 50 triệu đồng/tháng, cá Altum 2,5 tỷ đồng/năm.
Nhận xét về anh Lê Văn Huệ, tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, ông Nguyễn Hữu Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tuyền, cho biết: “Anh Huệ giỏi nghề nuôi cá cảnh và thể hiện quyết tâm cao. Anh Huệ đã đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, được cấp bằng sáng chế. Việc anh đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội Cá cảnh tỉnh Bình Dương phần nào cho thấy uy tín, thành công của anh đối với nghề nuôi cá cảnh trên địa bàn”.
Được biết, anh Lê Văn Huệ đã được UBND tỉnh tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh Bình Dương” giai đoạn 2016-2019. Anh cũng đạt nhiều danh hiệu như “Nông dân Bình Dương xuất sắc” năm 2019, “Nghệ nhân tỉnh Bình Dương”, “Thợ giỏi tỉnh Bình Dương” năm 2017.
TIẾN HẠNH