Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Để thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống người dân, bên cạnh việc xây dựng vùng chuyên canh cây cao su theo hướng tập trung, phát triển các vườn cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao xã Tam Lập, huyện Phú Giáo chú trọng phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Từ đây, nhiều cá nhân nổi lên với những mô hình hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi cá sặc rằn của gia đình ông Phùng Văn Thức, ấp Đồng Tâm cho hiệu quả kinh tế cao
Nếu không có sự chỉ dẫn của cán bộ xã có lẽ chúng tôi sẽ khó khăn hơn rất nhiều để tìm đến được trang trại gà thịt của cô Nguyễn Thị Thủy, ấp Đồng Tâm. Trang trại nằm sâu và biệt lập, xung quanh bao phủ bởi vườn cây cao su. Giữa khung cảnh yên bình và vắng vẻ hiện lên một cơ ngơi khang trang. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà kiên cố, đầy đủ cơ sở vật chất, cô Thủy cho biết, gia đình có nhà ở TP.Hồ Chí Minh nhưng phần lớn thời gian ở với mảnh đất này bởi vì công việc tập trung nơi đây. Ở tuổi gần 70, cô Thủy vẫn rất nhanh nhẹn. Cô được người dân, chính quyền xã đánh giá là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi lại tích cực tham gia công tác từ thiện và các phong trào của địa phương.
Để có được thành công và cuộc sống khá giả như ngày hôm nay, cô Thủy và gia đình đã phải vượt qua bao nhiêu thăng trầm tại vùng đất khó. Trước đây, cô làm công việc luyện cán thép, sau khi nghỉ cô bắt đầu làm sản xuất gạch ở TX.Tân Uyên. Khi cơ sở gạch giải tỏa cô tìm đến mảnh đất Tam Lập bắt đầu với mô hình trang trại nuôi gà thịt, tính đến nay đã được 10 năm. “Hồi đầu với ý tưởng phát triển sản xuất kinh doanh tại vùng đất mới, mọi thứ đều mới mẻ, bản thân chưa biết xây dựng trang trại ra sao, kỹ thuật chưa nắm bắt được. Tôi bắt đầu lên kế hoạch đi tham quan các trang trại để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, tôi quyết định mua đất, tính toán thiết kế, xây dựng trang trại. Thời gian đầu do kỹ thuật kém, gà chết nhiều đến “chóng mặt”. Mình làm hợp đồng nuôi gà cho công ty, họ cấp vốn bằng gà con và cám, còn mình đầu tư trang trại’, cô Thủy trải lòng.
Theo cô Thủy, gà chết phải bù lỗ hàng trăm triệu, có lần bù lỗ lớn nhất là 400 triệu đồng. Phải 3 - 4 năm đầu chật vật, đến nay nhờ học hỏi kinh nghiệm, sự hỗ trợ của xã, sự hỗ trợ từ bác sĩ thú y của công ty, trang trại đã vượt qua được khó khăn và thành công. Hiện nay, với tất cả 4 trại khoảng 60.000 con gà, thu nhập mỗi tháng vài trăm triệu. Ngoài nuôi gà, gia đình cô Thủy còn nuôi heo rừng tổng đàn 50 - 60 con. Từ nay đến tết sẽ xuất đi được 2 đàn, thị trường khá ổn định. Cô Thủy không những đã làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên.
Rời nhà cô Thủy, chúng tôi tiếp tục tham quan mô hình nuôi cá sặc rằn của gia đình ông Phùng Văn Thức cũng ở ấp Đồng Tâm. Ông Thức là người thành công trong việc thuần hóa loài cá tự nhiên để nuôi trong môi trường ao, hồ nhân tạo. Với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, ông Thức đã lặn lội học hỏi kinh nghiệm từ bà con ở miền Tây. Sau nhiều lần thử nghiệm với nhiều loại cá, ông Thức tập trung đầu tư nuôi cá sặc bởi hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, với 10.000m2 diện tích ao cá, mỗi mùa vụ thu hoạch khoảng 20 tấn, vụ lớn nhất đạt 40 tấn, giúp gia đình thu về hàng trăm triệu đồng/năm. “Hiện nay, thị trường đầu ra rất ổn định, đến vụ thu hoạch các thương lái tự tìm đến thu mua. Gia đình có của ăn, của để hoàn toàn nhờ vào hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi cá sặc”, ông Thức tâm sự.
Có thể nhận thấy, những tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi đã góp phần không nhỏ để nông thôn phát triển bền vững. Ông Nguyễn Anh Vũ, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã Tam Lập được tách từ xã Vĩnh Hòa, với xuất phát điểm là xã thuần nông nghèo, lạc hậu. Với mục tiêu phát triển bền vững, hiệu quả kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, xã đã và đang nỗ lực các giải pháp để khuyến khích, thu hút đông đảo, người dân, doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật công nghệ vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phát triển cây trồng theo hướng tập trung, chuyên canh, đổi mới mô hình, tổ chức sản xuất chăn nuôi theo hướng trang trại, doanh nghiệp. Từ đó, góp phần làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn xã nhà”.
TIẾN HẠNH