| 07-06-2012 | 00:00:00

Lao động trẻ em: Đến hè lại... tăng!

Vào hè, khi đa số các em được các bậc cha mẹ lo “hè này đi chơi ở đâu, học thêm môn gì”, thì vẫn còn đó không ít trẻ em phải chạy đôn chạy đáo tìm việc để mưu sinh! Với những trẻ em nghèo, trẻ vào đời sớm thì mùa hè đồng nghĩa với mùa làm thêm, mùa để kiếm tiền phụ giúp gia đình, góp phần trang trải những chi phí cho năm học tiếp theo. Công việc thời vụ mà các em làm trong dịp hè chủ yếu vẫn là bán vé số. Một số em thì theo cha mẹ làm các công việc nặng nhọc hơn như làm than tổ ong, phơi gạch, phụ hồ... Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể, tuy nhiên qua quan sát cũng dễ dàng nhận thấy lao động trẻ em cứ đến hè lại... tăng!

Vất vả chuyện trẻ mưu sinh!

Vào hè, mới hơn 8 giờ sáng mà cái nắng đã chói chang. Xấp vé số trên tay, cái áo thun cũ kỹ, chiếc giỏ xách quàng một bên vai và cái nón vải trên đầu... Dũng (học sinh trường Nguyễn Thị Minh Khai, TX.TDM) rảo bước quanh các quán cà phê Hoàng Cung, Gió và Nước, Misol... để tìm khách. Do bảo vệ các quán không cho vào bên trong nên em chỉ còn cách lảng vãng bên ngoài chờ khách ra.  

Dũng đang mời khách mua vé số

Dũng kể, năm nào đến hè em cũng đi bán vé số để kiếm tiền phụ giúp mẹ. Tuy phải vất vả vào đời sớm hơn so với các bạn cùng trang lứa, nhưng Dũng vẫn không thấy buồn, mà còn có phần vui hơn khi hè đến vì có thời gian đi bán vé số phụ giúp mẹ. Hai mẹ con em thuê nhà trọ tại phường Phú Thọ, TX.TDM. Mẹ Dũng cũng bán vé số, nhưng “địa bàn” của mẹ là khu đô thị Chánh Nghĩa, còn Dũng thì mấy quán cà phê sang trọng bên Phú Thọ. Nói như Dũng là để hai mẹ con khỏi “tranh khách” nhau. Ngày thường, mẹ đi bán vé số, con đi học. Hè đến, Dũng thành “đồng nghiệp” của mẹ. Trưa, mẹ lại tất tả về phòng trọ nấu cơm rồi chờ Dũng về cùng ăn. Với Dũng, mặc dù chỉ kiếm được những đồng tiền lẻ như thế này nhưng em cảm thấy rất vui vì có thể giúp mẹ bớt vất vả. Từ ngày ba mất, Dũng luôn nhắc mình phải ngoan để mẹ yên lòng. Đang chuyện trò với tôi, nhưng vừa nhác thấy một vị khách từ quán cà phê Hoàng Cung bước ra chuẩn bị lên xe hơi, em chạy ào tới đưa xấp vé số chào mời. Anh bảo vệ nói nhỏ với tôi: “Mối ruột của nó đó, ngày nào ổng cũng mua cho nó vài ba tấm vé số nên nó luôn canh me chờ ổng”.

Hàng cây bên đường gần Co.op Mart là nơi nghỉ trưa của mấy em nhỏ bán vé số quê ở miền Bắc, miền Trung trong dịp hè này. Khi được hỏi, đa số các em cho biết được gửi ở lại quê với ông bà nội ngoại để đi học, nhưng cứ hè đến là xuôi Nam cùng ba mẹ kiếm việc làm thêm. Công việc nhẹ nhàng, có thể kiếm tiền nhanh nhất vẫn là bán vé số. Tân - một cậu bé quê Nghệ An đang học lớp 5, nói giọng buồn buồn: “Chắc em bỏ học luôn quá! Vào đây thấy mẹ khổ cực như vậy, nên em muốn...”. Câu nói của em bị tắt giữa chừng bởi bắt gặp ánh mắt khắt khe của mẹ! Có lẽ ánh mắt của mẹ cậu bé đã ngầm nói với cậu rằng: “Khổ cách mấy cũng không được bỏ học...”.

Không chỉ bán vé số, rất nhiều trẻ em từ nơi khác đến Bình Dương cùng ba mẹ còn làm nhiều nghề khác nhau như làm than tổ ong, phơi gạch, sàn cát xây dựng... Vợ chồng anh Châu Sương (dân tộc Khơme) đến từ Bình Phước, cho biết họ đem theo con cái vừa để an tâm, vừa làm được thêm đồng nào hay đồng nấy. Với họ, kiếm cơm đã khó nói chi chuyện học hành!

Cần lắm sự lắng nghe, giúp đỡ

Khó có số liệu thống kê cụ thể số trẻ em lang thang kiếm sống, lao động khi chưa đủ tuổi... là câu trả lời tôi nhận được từ cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH). Mà đúng thế thật khi Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị cũng không thể kiểm soát hết số trẻ em ở nơi khác đến lao động kiếm sống cùng cha mẹ. Họ chỉ biết, cứ đến hè là số lao động trẻ em tăng lên, bởi các em đi làm là để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ hoặc dành dụm ít tiền trang trải cho năm học mới.

Tuy khó thống kê số lượng trẻ em vào đời sớm, nhưng các cấp, các ngành vẫn làm công tác điều tra, khảo sát nhằm có hướng giúp đỡ kịp thời. Ở 3 thị xã là Dĩ An, Thuận An và TDM số trẻ em lang thang luôn biến động và tăng nhiều trong mùa hè. Các em đến cùng người thân và lao động theo thời vụ. Bởi thế, việc ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang cơ nhỡ, kiếm sống thời gian qua vẫn là tập trung vào công tác truyền thông, vận động nhằm thay đổi hành vi, tạo sự quan tâm của gia đình, các cấp, các ngành để giúp các em sớm ổn định và hòa nhập với môi trường mới. Hè cũng là dịp các cấp, ngành tổ chức những nhóm truyền thông, hội thảo, hội thi... nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em lang thang, trẻ em sớm vào đời.

Những lớp học tình thương được mở ra cũng giúp cho các em có điều kiện ôn bài vở khi ban ngày phải bận chuyện mưu sinh. Phòng LĐ-TB&XH TX.TDM cho biết, cán bộ của phòng hàng năm đều phối hợp với Hội Khuyến học, Thị đoàn, UBND phường, xã mở các lớp học tình thương cho trẻ ở nơi khác đến theo ba mẹ mưu sinh. Thị xã còn có 14 trung tâm học tập cộng đồng nhằm giúp đỡ kịp thời cho các em.

Thuận An là thị xã có nhiều khu công nghiệp, lao động ngoài tỉnh đông. Số trẻ em từ những nơi khác theo gia đình đến làm ăn sinh sống trên địa bàn thị xã ngày càng nhiều. Nhiều em trong số đó không hề được đến trường học hè mà phải lang thang bán vé số, bán báo dạo, lượm ve chai hay làm những công việc nặng nhọc khác kiếm sống và phụ giúp gia

đình. Hiện, Phòng LĐ-TB&XH TX.Thuận An lập hồ sơ đưa vào quản lý, theo dõi 991 em. Thời gian qua, cán bộ phòng cùng các tổ chức đoàn thể cũng đã giới thiệu cho 37 em lang thang kiếm sống vào làm  ở các cơ sở sản xuất bông vải và 16 em vào cắt chỉ ở các cơ sở may gia công. Nhiều em được tạo điều kiện để vừa đi làm kiếm sống, vừa theo học tại các lớp tình thương vào buổi tối.

Cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương thì các tổ chức từ thiện xã hội, tôn giáo thời gian qua cũng đã vào cuộc để giúp đỡ các em có điều kiện học tập, sinh hoạt hè. Nhiều lớp học tình thương của các cơ sở thờ tự được mở ra như là một vòng tay rộng mở đón chào các em lang thang cơ nhỡ. Sư cô Thích nữ Từ Thảo, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trụ trì chùa Bồ Đề (TX.Thuận An) cho biết; ngoài việc lo cho trẻ mồ côi ở chùa, cô còn tổ chức các lớp học tình thương (từ lớp 1 đến lớp 3) cho hơn 60 em ở bên ngoài vào học. Lớp một học từ 16 đến 18 giờ hàng ngày và các lớp 2 - 3 học từ 18 đến 20 giờ hàng ngày. Không chỉ lo việc học, các em còn đến ăn cơm, vui chơi, sinh hoạt cùng những thanh niên tình nguyện tại đây. Tuy nhiên, cô cho biết: “Cũng có những chuyện buồn lòng đến từ phía... ba mẹ các em! Hóa ra, có nhiều vị phụ huynh không hề quan tâm đến chuyện học, đến tương lai của con mình mà họ chỉ muốn con đi làm kiếm sống, sớm chừng nào hay chừng đó!”.

Đừng vội vàng ép con thành... lao động trẻ em! Hãy lắng nghe hơn nữa, yêu thương hơn nữa để các em chỉ làm đúng việc vừa sức mình, chỉ phụ thêm phần nào thu nhập. Bởi, lứa tuổi các em, mong sao, học và chơi vẫn là chính!

 Giống hoàn cảnh con cái vợ chồng anh Châu Sương là lo cái ăn còn không đủ nên chuyện học hành đành phó thác cho chùa, nên tại sân chùa Bồ Đề (TX.Thuận An) đêm đến luôn có 5 - 6 em tuổi từ 6 đến 13 tụ tập học tập. Một em quê ở Hậu Giang cho biết đang học lớp 4 thì bỏ ngang lên đây kiếm việc làm thêm phụ giúp ba mẹ. Hỏi em hiện đang làm gì, em nói: “Tụi em đa số đều bán vé số. Ngày đi bán còn tối tập trung về chùa để học”. Trong nhóm trẻ đến từ miền Tây này còn có một cô bé rất xinh, mắt to tròn tên Bích Tuyền hơn 10 tuổi nhưng đang học lớp 3. Khi tôi bảo Tuyền học chậm, thì Tuyền cười tươi cho biết: “Con còn hơn con Kim Hiền nè cô. Nó 10 tuổi mà mới vô học lớp một!”.

QUỲNH NHƯ

 
Chia sẻ