Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
(BDO) Sau loạt phóng sự “Vạch trần đường dây sang chiết gas trái phép tại Bình Dương”, lãnh đạo ngành công thương, quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo đơn vị phối hợp các cơ quan chức năng để tiếp tục làm rõ các hành vi sai phạm; đồng thời, triển khai nhiều giải pháp tăng cường kiểm tra, quản lý nhà nước nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh…
Tăng cường quản lý lĩnh vực kinh doanh khí gas
Hiện trên địa bàn tỉnh có 10 trạm chiết nạp khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) vào chai, 2 trạm cấp CNG và trạm cấp CNG vào phương tiện vận tải, 27 thương nhân kinh doanh mua bán LPG. Sở Công Thương đã tiến hành thanh tra trực tiếp tại 6/8 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh khí đối với các trạm nạp LPG vào chai, trạm cấp CNG và trạm cấp CNG vào phương tiện vận tải trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch.
Qua thanh tra, ý thức của các lãnh đạo, cán bộ quản lý và người lao động làm việc trực tiếp tại cơ sở hoạt động kinh doanh khí từng bước được cải thiện và thể hiện sự quan tâm đến công tác an toàn trong hoạt động kinh doanh khí.
Cần xử lý nghiêm hành vi sang chiết, mua bán các bình gas “giả” nhãn mác, thương hiệu
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống sản xuất, buôn bán hàng giả (Ban chỉ đạo 389) tỉnh cho biết, ngay sau khi Báo Bình Dương có loạt bài điều tra “Vạch trần đường dây sang chiết gas trái phép tại Bình Dương”, Sở Công thương tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ liên quan phối hợp cùng các lực lượng chức năng để làm rõ, xử lý theo thẩm quyền.
Để lành mạnh hóa thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan trên lĩnh vực này, nhất là đảm bảo công tác phòng, chống cháy nổ và hoạt động gian lận thương mại, theo ông Nguyễn Thanh Toàn, trong thời gian tới cần phối hợp tốt hơn trong công tác trao đổi thông tin, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về đấu tranh chống buôn lậu, khích lệ người dân trở thành người tiêu dùng thông minh, không mua hàng rẻ, biết chọn lựa hàng hóa tốt có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng.
Ban Chỉ đạo 389 và các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành, đặc biệt tổ chức nhiều hơn nữa các đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm giữa các đơn vị, tạo sự răn đe đối các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh có ý thức chưa cao.
Kế đến, Ban Chỉ đạo 389, ngành thành viên, lực lượng chức năng căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình để làm tốt công tác điều tra cơ bản địa bàn, nhằm phát hiện các đối tượng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu.
Sở Công thương tỉnh cũng kiến nghị các cơ quan tham mưu Chính phủ quy định về thực hiện xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán hàng đối với lĩnh vực kinh doanh khí theo Khoản 1, Điều 90, Luật Quản lý thuế quy định, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
“Thời gian tới để làm tốt công tác quản lý, tiếp nhận, xử lý hiệu quả thông tin đường dây nóng nhằm kịp thời tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, Cục Quản lý thị trường tỉnh tổ chức quán triệt công chức nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kiên quyết xử lý và tuyệt đối “không có vùng cấm trong công tác” này.” Bà Lê Thị Ngọc Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh |
“Không có vùng cấm”
Về vấn đề này, bà Lê Thị Ngọc Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết: “Để làm lành mạnh thị trường kinh doanh gas trên địa bàn tỉnh trong thời tới cũng như để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và người làm ăn chân chính, Cục Quản lý thị trường tỉnh sẽ tham gia góp ý kiến hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở để hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan hoạt động kinh doanh gas.”
Cục Quản lý thị trường tỉnh sẽ triển khai các kế hoạch đã ban hành theo chương trình công tác năm; đồng thời chỉ đạo các phòng, đội tăng cường thường xuyên trao đổi, tiếp nhận thông tin dấu hiệu vi phạm của các cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy phép hoạt động để kịp thời tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có liên quan; chú trọng tăng cường phối hợp với các ngành chức năng theo quy chế nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, tập trung nhất là các mặt hàng, lĩnh vực xăng dầu, LPG nhằm kịp thời phát hiện, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Cơ quan chức năng sẽ tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính
“Nghiêm cấm hành vi “tiếp tay”, “ngó lơ”, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để cho các đối tượng hoạt động vi phạm pháp luật; đồng thời làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực như bao che, tiếp tay,... của các lực lượng có liên quan. Đơn vị, nào để xảy ra tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng giả, vận chuyển, mua bán, sử dụng hàng cấm phức tạp, hình thành đường dây, tổ chức hoạt động vi phạm pháp luật mà không chủ động phát hiện, xử lý kịp thời phải chịu trách nhiệm trước Ban lãnh đạo và pháp luật. Đồng thời, xem xét, xử lý trách nhiệm của lãnh đạo trực tiếp phụ trách địa bàn và công chức có liên quan”, bà Lê Thị Ngọc Thanh nhấn mạnh.
Với vai trò là cơ quan Thường trực 389 của tỉnh, Cục Quản lý thị trưởng tỉnh tiếp tục tham mưu Ban chỉ đạo 389 tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp điều tra, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các sở, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phối hợp cơ quan báo chí thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh khí. Tập trung rà soát và nắm tình hình các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh khí để phổ biến, tuyên truyền các văn bản pháp luật về hoạt động kinh doanh khí; đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra các điều kiện an toàn tại các trạm nạp khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) vào chai, các trạm cấp CNG và trạm cấp CNG vào phương tiện vận tải.” Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh |
Nhóm PV