| 24-12-2022 | 07:06:37

Liên quan loạt bài “Cấp khống giấy nghỉ bệnh, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội”: Cần khắc phục các lỗ hổng

Sau khi báo Bình Dương đăng tải loạt bài “Cấp khống giấy nghỉ bệnh, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội”, các cơ quan chức năng đã có những phản hồi nhất định. Quan điểm của các cơ quan chức năng là không dung túng, mọi sai phạm sẽ được xử lý theo đúng quy định.

Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Medic Dĩ An (TP.Dĩ An) là 1 trong 9 cơ sở y tế có dấu hiệu vi phạm trong công tác khám, chữa bệnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thu hồi số tiền chi sai

Nhiều lỗ hổng trong quản lý hành nghề y dược ngoài công lập

Câu chuyện các phòng khám có dấu hiệu cấp khống giấy nghỉ bệnh đặt ra câu hỏi trong quản lý hành nghề y dược ngoài công lập. Những năm qua, y tế tư nhân đã góp phần không nhỏ vào việc chia sẻ gánh nặng quá tải với y tế công lập trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Hệ thống y tế tư nhân được Nhà nước, tỉnh đặc biệt khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập gặp nhiều khó khăn đã vô tình tạo điều kiện cho những vi phạm trong lĩnh vực này.

Hiện các cơ sở hành nghề y dược tư nhân thường vi phạm các lỗi: Hành nghề không phép, cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề, không niêm yết đầy đủ giá dịch vụ y tế, giá thuốc, hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép, biển hiệu quảng cáo không đúng với khả năng chuyên môn... Nguyên nhân chính là hiểu biết quy định của pháp luật về hành nghề y, dược ngoài công lập của chủ cơ sở còn hạn chế, coi trọng lợi nhuận; nhiều cơ sở sau thanh, kiểm tra vẫn không thay đổi, mọi việc vẫn đâu vào đấy.

Theo thống kê của ngành y tế, hiện mạng lưới y tế ngoài công lập của tỉnh có 15 bệnh viện tư nhân, 20 trạm y tế doanh nghiệp, 57 phòng khám đa khoa tư nhân, 658 phòng khám chuyên khoa và hơn 3.000 cơ sở y tế hành nghề dược và tập trung chủ yếu ở những địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã tổ chức 9 đoàn thanh tra liên ngành với 54 cá nhân, tổ chức được thanh tra. Trong đó, có 36 cơ sở có vi phạm các quy định và cơ quan chức năng đã cảnh cáo, nhắc nhở 30 cơ sở, phạt tiền 6 cơ sở với số tiền hơn 88 triệu đồng.

Đặc biệt, Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành hậu kiểm 65 cơ sở, trong đó số cơ sở có hồ sơ công bố đủ điều kiện sản xuất, buôn bán trang thiết bị y tế đạt yêu cầu là 37 cơ sở (chiếm tỷ lệ 56,9%), số cơ sở đã ngưng hoạt động là 18 cơ sở (chiếm tỷ lệ 27,7%), số cơ sở không liên lạc được do số điện thoại không đúng hoặc địa chỉ không đúng là 9 cơ sở (chiếm tỷ lệ 13,8%) và 1 cơ sở chưa hoạt động. Đoàn hậu kiểm đã trình Giám đốc Sở Y tế ra thông báo thu hồi phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố đủ điều kiện sản xuất, buôn bán trang thiết bị y tế đối với các cơ sở đã ngưng hoạt động và các cơ sở không liên lạc được do địa chỉ không đúng (thu hồi 28 cơ sở).

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết lực lượng quản lý nhà nước mỏng, thiếu là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lơi lỏng trong kiểm soát hoạt động y dược ngoài công lập. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra cũng như hậu kiểm sau cấp phép chưa thường xuyên và việc xử lý vi phạm chưa đủ tính răn đe để ngăn chặn sai phạm. Chính quyền cấp xã, phường, thị trấn và đội ngũ nhân viên y tế cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc nắm bắt thông tin thì lại thiếu sự phối hợp trong quản lý hành nghề y - dược ngoài công lập. Vấn đề hậu kiểm sau các đợt kiểm tra cũng đang là một trong những khó khăn trong công tác quản lý. Hiện nay, ngoài việc chấn chỉnh kịp thời thì rất cần việc quản lý chặt hoạt động này ngay từ khi thẩm định cấp giấy phép, thanh kiểm tra thường xuyên. Đây là những biện pháp quan trọng nhằm hạn chế tối đa sai phạm.

Các sai phạm phải được xử lý nghiêm

Nói về vụ việc cấp khống giấy nghỉ bệnh tại Phòng khám Đa khoa Trần Đức Minh (phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát), bà Đỗ Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Y tế TX.Bến Cát, cho biết: “Về góc độ quản lý nhà nước, Phòng Y tế thị xã chưa nhận được thông tin, công văn phản ánh vấn đề này của công nhân, người lao động. Qua phản ánh của báo Bình Dương, phòng đang đợi công văn của Sở Y tế gửi về. Bởi theo phân cấp quản lý nhà nước về hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn tỉnh, Phòng Y tế địa phương không có chức năng kiểm tra, xử lý các phòng khám đa khoa mà chỉ phối hợp kiểm tra làm rõ sự việc. Nếu phòng khám vi phạm các quy định của Luật Khám chữa bệnh thì sẽ phải được xử lý theo đúng quy định”.

Trong khi đó, trao đổi với P.V, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Qua thông tin phản ánh của báo Bình Dương, Sở Y tế sẽ thành lập đoàn kiểm tra xác minh sự việc, xử lý các sai phạm phát hiện tại cơ sở. Quan điểm của ngành là không bao che dung túng cho các cơ sở y tế. Tùy theo mức độ sai phạm, Sở Y tế sẽ có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật. Nếu mức độ sai phạm nghiêm trọng, Sở Y tế sẽ tiến hành rút giấy phép, đình chỉ hoạt động”.

Về 9 phòng khám có dấu hiệu cấp khống giấy nghỉ bệnh, bác sĩ Huỳnh Minh Chín cho hay 9 phòng khám này đã được Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh kết luận tại Công văn số 1325. Ngay sau khi nhận công văn, Sở Y tế đã ban hành ngay công văn chấn chỉnh công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế gửi các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Sở Y tế đề nghị các đơn vị chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quá trình khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Sở Y tế tiếp tục tiến hành triển khai rà soát. Nếu các đơn vị không chấp hành nghiêm, vi phạm sẽ bị tước giấy phép hoạt động đối với phòng khám có bác sĩ hành nghề trùng lắp và chuyển cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. “Thực tế thời gian qua Sở Y tế luôn đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh, trong đó có các phòng khám, cơ sở y tế tư nhân. Nhưng do thiếu cán bộ nên việc kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm sau cấp phép chưa đạt 100% các cơ sở để phát hiện và xử lý trường hợp vi phạm”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín nói.

Liên quan đến các vấn đề thuộc BHXH tỉnh, ông Trần Minh Hậu, Trưởng phòng Thanh tra, Kiểm tra BHXH tỉnh, cho biết: “Sau khi nhận được thông tin phản ánh trên báo Bình Dương về Phòng khám Đa khoa Trần Đức Minh cấp khống giấy chứng nhận nghỉ bệnh cho người lao động hưởng BHXH, BHXH tỉnh đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra những sai sót có liên quan và sẽ thông báo kết quả sau kiểm tra. Đoàn sẽ tiến hành làm việc ngay. Nếu có dấu hiệu sai phạm ngoài thẩm quyền của BHXH, đoàn sẽ có báo cáo đề nghị cơ quan chức năng có liên quan xử lý theo đúng quy định nhằm tránh trục lợi BHXH. Hiện BHXH tỉnh đã thu hồi toàn bộ số tiền hơn 364 triệu đồng đối với 9 phòng khám, bệnh viện đã chi sai”.

Giải pháp có thể được áp dụng nhằm chấn chỉnh và quản lý hoạt động hành nghề y - dược ngoài công lập là cần có sự phối hợp, thống nhất với chính quyền địa phương khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho tổ chức, cá nhân. Đối với loại hình ngành nghề kinh doanh có điều kiện về hành nghề y - dược thì cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thông báo danh sách các cơ sở được cấp đăng ký kinh doanh về Sở Y tế, phòng y tế các huyện, thị, thành phố để phối hợp quản lý, giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện”.
(PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

 HOÀNG LINH

Chia sẻ