Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, không khó để chứng kiến nhiều dãy trọ còn trống nhiều phòng trọ, thế nhưng nhà trọ của chị Bùi Thị Ánh Tuyết, ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng được mệnh danh là nơi ai đến rồi cũng không thể rời đi, bởi tấm lòng nhân ái của chị chủ nhà trọ này.
Chị Bùi Thị Ánh Tuyết đến thăm, tặng gạo cho gia đình anh Phạm Quốc Việt
Người má có “nhiều con”
Tôi đến xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng vào một chiều tháng 7, theo lời giới thiệu của Bí thư Đoàn Thanh niên xã Trừ Văn Thố Trần Đức Minh. Cơn mưa như trút nước đón chúng tôi, dừng lại nơi tiệm tạp hóa bên đường, tôi và Minh chạy vội vào nhà. Đón chúng tôi là người phụ nữ trạc ngoài 50 tuổi, chị Bùi Thị Ánh Tuyết mà Minh đã giới thiệu. Với nụ cười luôn nở trên môi, chị cho tôi cảm giác thân thiện ở lần đầu gặp gỡ… Trong sân nhà có 2 bé gái tầm độ 8-9 tuổi với mái tóc vàng loe hoe, nước da đen nhẻm, cứ chị Tuyết đi đâu là tụi nhỏ đi theo đến đó. Có lẽ thấy tôi tò mò về 2 đứa bé, chị Tuyết giới thiệu: “Mấy đứa nhỏ này là con nuôi của chị hết á, là con em của các gia đình ở trọ, gắn bó với chị cũng ngót nghét chục năm rồi nên tụi nhỏ gọi chị là má Ánh” .
Tụi nhỏ cầm trên tay những thanh bánh xốp từ tiệm tạp hóa của má Ánh rồi ăn ngon lành, dạn dĩ như một hành động quen thuộc mà không sợ má Ánh rầy la. Cô bé Phạm Ngọc Kiều (9 tuổi) hồn nhiên nói: “Con thương má Ánh lắm, má Ánh cho tụi con được ăn bánh thoải mái luôn mà hỏng có tính tiền”. Có lẽ bọn trẻ còn quá nhỏ nên chưa thể hiểu hết và diễn đạt được trọn vẹn, rành mạch những gì mà má Ánh chăm lo cho mình. Không chỉ thương theo kiểu cho mẫu bánh, cục kẹo, những đứa trẻ này đã được “má Ánh” chăm lo từ chỗ ở đến con chữ, miếng ăn.
Dãy trọ của chị Tuyết hiện có 80 phòng, nhiều gia đình xa quê đến Bình Dương lập nghiệp, trong đó có nhiều trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chạy cơm từng bữa còn khó khăn thì nói gì đến chuyện học hành. Chính vì thế để các con không bị thiệt thòi, trong năm qua, chị Tuyết đã mời cô giáo về tổ chức lớp học xóa mù chữ cho các con, lớp học kéo dài một năm cho đến khi các con biết đọc, biết viết… Chị còn giúp ông bà hay ba mẹ của mấy đứa con nuôi được ở trọ miễn phí…
Dãy trọ đầy ắp tình người
Để tìm hiểu thêm về những hoàn cảnh được chị Tuyết giúp đỡ, tôi theo chân chị đến thăm gia đình bé Kiều. Cách nhà chị vài trăm mét, dãy nhà trọ nằm trong con hẻm sau nhà. Phía trước dãy trọ là khoảng sân rộng được chị tận dụng trồng giàn mướp ngay hàng rào, những quả mướp non được cơn mưa chiều tưới mát, rung rinh trong làn gió như đón chào khách đến thăm. Bước sâu vào các dãy nhà trọ, khi tận mắt chứng kiến nơi sinh sống của 80 hộ lao động xa quê, tôi mới khẳng định lời nói đây là khu nhà trọ đến rồi ở mãi không đi quả là không ngoa.
Dừng lại ở phòng trọ của gia đình bé Kiều, chị Tuyết giới thiệu đây là một trong những gia đình khó khăn nhất dãy trọ. Nghe có khách đến, anh Phạm Quốc Việt (32 tuổi) cha bé Kiều, lê đôi chân khó nhọc từ trong phòng bước ra với vẻ mặt đau đớn. Chị Tuyết nhanh chóng hỏi: “Chú nghe sao rồi? Thuốc thang gì chưa?”. Anh Việt ngại ngùng đáp: “Trong nhà mấy bữa nay đã không còn đồng nào nên em cũng ráng chịu đau không mua thuốc thang gì”…
Chị Tuyết kể với chúng tôi: “Mấy hôm trước trong lúc bán vé số, Việt bị va quẹt xe. Nên hổm rày nó không đi bán vé số được”. Không nhiều lời hoa mỹ, chị Tuyết điện cho con trai chở xuống bao gạo, rồi múc đồ ăn trên nhà mang xuống phòng anh Việt. 5 phút sau, gạo được chở tới, thịt rim tôm thơm phức cũng được con trai chị Tuyết mang đến tận nơi... “Rồi giờ nghe sao để tí nữa tao đi mua thuốc luôn nè, hổm rày tưởng người ta đền tiền thuốc thang rồi chứ”, chị Tuyết nóng ruột hỏi anh Việt. Anh Việt nói: “Thôi, thấy hoàn cảnh người ta cũng khó khăn như mình nên em cũng để họ đi…”.
Trút bầu tâm sự, anh Việt kể: “Không có má Ánh của tụi nhỏ chắc nhà em cũng tiêu đời rồi! Quê em ở An Giang, 16 năm trước em đến Bình Dương, xin được chân công nhân ở công ty mua bán mủ cao su. Nhưng mấy năm trở lại đây em thường xuyên đau nhức xương khớp, đi khám mới phát hiện mình bị viêm khớp, đau thần kinh tọa. Cũng không có điều kiện chạy chữa đến nơi, sức lao động cũng giảm, em không thể tiếp tục làm công nhân. Có lẽ vì ngán cảnh khó khăn, đau ốm triền miên mà vợ em cũng bỏ đi để lại 2 đứa con cho em nuôi dưỡng. Thương tình, chính má Ánh nhận vé số về cho em đi bán mà không phải ra trực tiếp đại lý vé số. Nhưng mà sức khỏe yếu, thu nhập bấp bênh chỉ chạy cơm qua ngày, nhiều lần không đủ tiền trả tiền trọ nên má Ánh cũng cho nhà em ở miễn phí đã gần 5 năm rồi”.
Được biết, không riêng anh Việt, trong dãy trọ chị Tuyết còn giúp cho 4 trường hợp được ở miễn phí trong suốt 5 năm qua. Như trường hợp bà cụ neo đơn Lương Thị Hoàng. Ngoài được ở miễn phí, hàng ngày con trai chị Tuyết là anh Lê Tấn Nhựt còn đưa, rước bà mỗi ngày ra chợ bán vé số. Ngoài ra, trong dãy trọ, những hộ người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn đều được chị Tuyết cho miễn phí tiền điện, nước. Trong đợt dịch Covid-19 mấy năm trước, trong 3 tháng chị đã cho 7 gia đình ở miễn phí, còn lại chỉ tính 50% tiền phòng cho các phòng còn lại.
Tiếng lành đồn xa, bà con ở trọ cứ tìm đến đây ở kín cả dãy trọ. Những đứa nhỏ trong nhà trọ cứ gọi chị 2 tiếng “Má Ánh” thân thương.“Từng trong cảnh khó khăn nên chị hiểu rõ, khi mình gặp khó khăn nhất mà có bàn tay nâng đỡ, giúp mình vực dậy nó quý biết nhường nào. Nhớ ngày đó, ông xã mất sớm, chị một mình nuôi mấy đứa con, sáng 4 giờ đi chợ mua hàng về bán sạp tạp hóa nhỏ, rồi bán thêm cua cá, chiều đến lại bán cháo vịt đến tối. Quần quật lo làm ăn cốt chỉ vượt qua cái khổ. Trời thương cho sức khỏe để mình làm ăn, khi có dư dả một chút chị muốn giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn”.
Khi tôi hỏi về dự định tương lai, liệu rằng chị sẽ giúp cho những hoàn cảnh này trong bao lâu, chỉ chậc lưỡi: “Thôi thì chắc tới đâu hay tới đó. Thú thật rằng chị cũng chẳng phải giàu có, dư dả gì, khi xây 2 dãy nhà trọ chị cũng vay mượn ngân hàng tỷ đồng. Trong tương lai, chị dự định khi trả hết nợ ngân hàng sẽ dành riêng 1 dãy nhà trọ cho những người già, neo đơn được ở miễn phí. Mình sẽ giúp đỡ những người già, người mất khả năng lao động, khuyến khích các bạn trẻ phải cố gắng lao động chân chính để đứng lên trên đôi chân của mình…”.
Câu chuyện về “má Ánh” là minh chứng cho sức sống của lòng nhân ái, cho thấy rằng, trong cuộc sống này, vẫn còn rất nhiều người sẵn sàng dang rộng vòng tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Lòng nhân ái chính là sợi dây kết nối con người, là ngọn lửa sưởi ấm những trái tim và là động lực để chúng ta cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn…
VƯƠNG PHẠM