| 02-10-2013 | 00:00:00

Minh bạch để loại trừ tham nhũng

Mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều cố gắng, quyết tâm nhưng nhìn chung tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp. Tệ tham nhũng vẫn là vấn đề bức xúc, là mối quan tâm lớn của xã hội và là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Tham nhũng tồn tại bởi nhiều lý do. Lý do phổ biến nhất, cơ bản nhất là biện pháp và thực thi chưa triệt để; cơ sở pháp lý thiếu nhất quán; biện pháp xử lý chưa phù hợp; hoạt động của các cơ quan hành pháp, tư pháp chưa thống nhất...

 Tham nhũng là việc sử dụng quyền năng do chức vụ mang lại để trục lợi. Không có quyền năng thì không thể tham nhũng. Do vậy, cái gốc của chống tham nhũng vẫn là chế ước các quyền năng. Khi quyền năng không gắn với sự chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân, đặc biệt là của người đứng đầu địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị... thì chống tham nhũng vẫn chỉ là khái niệm. Bởi trên thực tế đâu phải địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị nào cũng có được những người đủ dũng khí tố giác các hành vi tiêu cực, tham nhũng của người đứng đầu?

Thực tế cho thấy, vai trò của người đứng đầu địa phương, tổ chức, đơn vị, ngành... là hết sức quan trọng. Làm lãnh đạo phải có phẩm chất biết lắng nghe. Lắng nghe để nhìn thẳng vào sự thật, phân định được rạch ròi những mạnh - yếu, tốt - xấu đang cùng tồn tại trong một sự vật, hiện tượng mới giúp người lãnh đạo có đủ bản lĩnh, sự quyết đoán khi thực thi nhiệm vụ.

Ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, người lãnh đạo chính là tấm gương gần gũi, sát thực nhất để mỗi cá nhân ở đó nhìn vào, tìm được cái gì cần học, cần tránh. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị ở cơ sở cũng cần xác định vị trí, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình để thực sự phát huy dân chủ cơ sở, coi trọng tiếng nói phản biện của quần chúng nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh này. Tuy nhiên, thời gian qua, cái ưu báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng của các cấp, các ngành đều chỉ ra được các vụ việc vi phạm thông qua thanh tra, kiểm toán, làm thất thoát về tiền, tài sản nhưng hạn chế là hầu hết kiến nghị chỉ xử lý hành chính, trong khi số vụ tham nhũng chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự thì rất ít.

Nói như thế không có nghĩa chúng ta lùi bước trước thực trạng nguy hại này, điều quan trọng là ngoài quyết tâm, chính chúng ta phải có biện pháp công khai hóa, minh bạch hóa các quyền và nghĩa vụ của các cấp, các ngành, chức vụ - những nhân tố quan trọng tạo nên yếu tố quyền lực trong quản lý nhà nước, nơi nảy sinh các mầm mống của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Nếu một khi các công cụ có trách nhiệm phòng chống tham nhũng tỏ ra kém hiệu quả thì việc thực thi những biện pháp mang tính chất phòng ngừa như thế này có vẻ hiệu quả hơn, chí ít nó giúp “tránh đụng chạm” một cách trực tiếp, dẫn đến khả năng bị vô hiệu hóa ngay từ ban đầu.

 MAI HUY

Chia sẻ