Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Người dân đặt vấn đề, với tốc độ đô thị hóa như hiện nay thì mô hình trạm trung chuyển rác có còn phù hợp?
Trạm trung chuyển rác gây ô nhiễm
Theo tìm hiểu của P.V, nhằm bảo đảm về môi trường sống của người dân, thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi mô hình xã hội hóa thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn và đem lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể như TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát… các tổ thu gom rác thải dân lập (TGRTDL) đã trực tiếp vận chuyển rác đến điểm xử lý.
Tuy nhiên, ở TX.Dĩ An, TX.Thuận An vẫn giữ nguyên “mô hình cũ” trên lĩnh vực thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt. Hàng ngày, rác thải sinh hoạt được tổ TGRTDL tập kết tại trạm trung chuyển, sau đó đơn vị trực tiếp quản lý trạm trung chuyển thuê một đơn vị khác cho xe chở rác đến nơi tiêu hủy. Việc làm này ảnh hưởng đến môi trường sống trong khu dân cư khiến người dân bức xúc, trong khi đó phần lớn các tổ TGRTDL đang hoạt động trên địa bàn TX.Dĩ An, TX.Thuận An hiện đã đủ điều kiện và phương tiện chuyên dụng thu gom, vận chuyển rác từ các hộ dân đến Công ty Xử lý rác Nam Bình Dương (thuộc phường Chánh Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một) để tránh việc gây ô nhiễm môi trường tại trạm trung chuyển.
Hiện các tổ TGRTDL trên địa bàn TX.Thuận An và TX.Dĩ An đã có đủ phương tiện để thu gom, vận chuyển rác đến nơi xử lý
Ông Trịnh Ngọc Tú (ngụ KP.Tân Hiệp, phường Tân Bình, TX.Dĩ An), một người dân có nhà gần trạm trung chuyển rác phường Tân Bình, cho rằng: “Lâu nay môi trường sống của người dân có nhà cạnh trạm trung chuyển rác Tân Bình bị xâm hại. Rất nhiều lần chúng tôi đề nghị di dời trạm, chuyển đổi mô hình mới để môi trường sống của bà con nơi đây được bảo đảm”.
Tương tự, ông Trần Văn Lượng (ngụ KP.Hòa Lân 2, phường Thuận Giao, TX.Thuận An), cho biết: “Thời gian qua, người dân có nhà gần điểm trung chuyển rác phải sống trong bầu không khí bị ô nhiễm. Thông qua những buổi tiếp xúc cử tri, chúng tôi liên tục phản ánh về việc này, đồng thời đề nghị ngành chức năng di dời trạm trung chuyển rác tại KP.Hòa Lân 2 đi nơi khác”.
Trong khi đó, một chủ cơ sở thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn TX.Dĩ An cho rằng: “Hiện nay phần đa các tổ TGRTDL hoạt động trên địa bàn TX.Dĩ An đã đầu tư mua sắm được xe chuyên dụng thu gom, vận chuyển rác phục vụ tốt cho người dân. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành chức năng liên quan rà soát, ban hành cơ chế hoạt động cho tổ TGRTDL với mục đích xóa bỏ các trạm trung chuyển rác để không gây ô nhiễm môi trường cho người dân”.
Từng bước xóa bỏ trạm trung chuyển rác
Đem những bức xúc của người dân có nhà cạnh trạm trung chuyển rác tọa lạc tại KP.Hòa Lân 2, phường Thuận Giao trao đổi với ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TX.Thuận An, ông Tâm khẳng định với P.V sẽ dẹp trạm trung chuyển rác này trong tương lai gần.
“Trên địa bàn TX.Thuận hiện chỉ có một điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt tại KP.Hòa Lân 2, phường Thuận Giao. Nói thật là điểm trung chuyển rác này không còn phù hợp so với thực tế hiện nay. Lúc mới hình thành trạm trung chuyển này thì số lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn TX.Thuận An tập kết về đây không nhiều so với hiện nay. Thời điểm đó nhà dân xung quanh rất thưa thớt. Nay tại khu vực này nhà cửa liền kề, bãi rác ảnh hưởng đến bầu không khí sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, để dẹp hẳn trạm trung chuyển rác tại KP.Hòa Lân 2 thì liên quan đến nhiều vấn đề. Nếu dẹp hẳn trạm thì tổ TGRTDL trên địa bàn sẽ đảm nhiệm “trọn gói” hai việc quan trọng với các khoản kinh phí như: Tiền thu gom, tiền vận chuyển. Như vậy, TX.Thuận cần có thời gian để chuẩn bị cho việc triển khai kế hoạch. Từng bước thực hiện theo đúng quy trình”, ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TX.Thuận An cho biết.
Trong khi đó trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt tại KP.Tân Hiệp, phường Tân Bình, TX.Dĩ An trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 450 - 460 tấn rác thải. Khi các tổ TGRTDL tập kết về đây, đơn vị trực tiếp quản lý trạm trung chuyển này là Xí nghiệp Công trình công cộng TX.Dĩ An phải thuê 12 xe ép rác chuyên dụng vận chuyển rác đến Công ty Xử lý rác thải Nam Bình Dương để xử lý.
Ông Nguyễn Chánh Bình, Phó Giám đốc Xí nghiệp Công trình công cộng TX.Dĩ An, cho biết: “Chỉ tính riêng kinh phí vận chuyển rác từ trạm trung chuyển Tân Bình đến Công ty Xử lý rác thải Nam Bình Dương là 197.000 đồng/tấn. Số tiền này ngân sách địa phương phải trả. Trong khi đó, mỗi ngày trạm trung chuyển rác Tân Bình tiếp nhận và vận chuyển đi xử lý từ 450 - 460 tấn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, TX.Dĩ An chưa có kế hoạch chuyển đổi mô hình thu gom, vận chuyển xử lý như các địa phương khác mà P.V đã đề cập vì mỗi địa phương đều có những đặc điểm khác nhau. Tuy nhiên với tốc độ phát triển về kinh tế - xã hội của TX.Dĩ An, tin rằng, đến một lúc nào đó phải chuyển đổi mô hình theo kiểu tinh gọn. Nếu đi theo hướng tinh gọn thì đòi hỏi các tổ TGRTDL đang hoạt động trên địa bàn TX.Dĩ An phải tiếp tục mua sắm xe ép rác chuyên dụng để phục vụ người dân. Nếu tổ TGRTDL nào không đáp ứng được nhu cầu sẽ bị loại trừ”.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TX.Thuận An, nhấn mạnh: “Tới đây, chúng tôi khuyến khích các TTGRTDL trên địa bàn đầu tư kinh phí, tiếp tục mua xe chuyên dụng có trọng tải lớn để đảm nhiệm việc thu gom, vận chuyển rác thải từ nhà dân đến điểm xử lý theo quy định. Mặt khác, chúng tôi cũng phải bàn đến việc hỗ trợ kinh phí vận chuyển rác cho các TTGRTDL để có thêm điều kiện phục vụ người dân được tốt hơn trong thời gian tới. Khi mọi kế hoạch đã được triển khai đồng bộ theo lộ trình, trạm trung chuyển rác tại KP.Hòa Lân 2 sẽ được dẹp bỏ. Theo đó chúng tôi sẽ sử dụng quỹ đất này vào việc xây dựng công viên công cộng, phục vụ dân sinh”. |
THANH QUANG - QUANG TÁM