Mỗi ngày đến lớp mỗi vui
N. sau niềm
vui tốt nghiệp lại lo sẽ được phân bổ về xã vùng sâu, vùng xa nào đó để dạy và
điều đó trở thành sự thật khi kết quả xét tuyển đã được công bố. N. buồn rầu,
không muốn đi dạy và có ý định chuyển sang công việc khác để làm, bỏ công 3 năm
trời học hệ cao đẳng sư phạm tiểu học... Gia đình động viên, N. “thử” nghề được
6 tháng và bắt đầu ngán ngẩm vì những cơn mưa, nắng gió đường dài hơn 20 cây số
để đến ngôi trường có vài lớp học. Nghe
mấy đứa bạn nó kể về những ngôi trường ở thành thị, nào là trường đẹp, trang bị
cơ sở vật chất đầy đủ, học sinh có sách vở, quần áo mới, ba mẹ đưa rước. Ngược
lại, mấy đứa học trò của N. học sách cũ, quần áo thì lem luốc vì phải đi học
xa, lúc trời mưa đến lớp thì ướt sũng. Một buổi sáng
đến lớp dạy, đang chạy trên đường thì bánh xe bị lủng, N. lo lắng vì không thấy
một bóng người. Đẩy xe được một đoạn, N. gặp người đàn ông trạc ngoài 50 đi xe
đạp, trên xe có đồ nghề vá xe, “Thật may quá!”. Ngồi nói chuyện với ông trong
lúc vá xong, mới được biết hoàn cảnh nhà ông nghèo và xa trường nên đứa cháu đã
9 tuổi rồi mà không biết cái chữ. Ba mẹ cháu đi làm ruộng thuê, còn ông thì cả
ngày chỉ vá xe kiếm thêm vài ngàn đồng, có bữa cũng không có đồng nào! Khi biết
N. là cô giáo ở xa đến dạy học, ông vui và có vẻ quý trọng lắm. Sau khi vá
xong, ông không lấy tiền N. nhưng N. đã vội dúi vào túi ông 10.000 đồng rồi lên
xe chạy nhanh đến lớp. Thật bất ngờ
khi đến lớp, cả lớp đều ngồi đầy đủ và trên bàn giáo viên, một bình hoa dại
được cắm tươi tắn, cả lớp đứng lên: “Chúng em kính chào cô”... 2 nỗi lo trong
một giờ đã tan biến. N. nhận ra nơi đây một điều: Mỗi ngày đến lớp mỗi ngày
vui. Như Ý