| 11-07-2012 | 00:00:00

Môi trường khai thác khoáng sản: Luật nhiều, kẽ hở cũng nhiều!

Nghị định 74/2011/NĐ-CP cũng như các nghị định trước đó của Chính phủ quy định về thu phí BVMT đối với hoạt động KTKS mặc dù có quy định về mức thu phí đối với đất san lấp, trong khi các văn bản quy phạm pháp luật về KS không xếp đất san lấp, đất làm nền các công trình xây dựng vào danh mục KS, từ đó không quy định việc cấp giấy phép khai thác đất san lấp, gây khó khăn cho công tác quản lý về vấn đề này.

 Môi trường không khí khu vực khai thác đá tại mỏ ở phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An đang bị ô nhiễm nặng nề

Sau khi các bộ Luật KS và Luật BVMT được ban hành và có hiệu lực, UBND tỉnh cũng đã ban hành các Chỉ thị số 31/1999/CT-CT (năm 1999) và Chỉ thị số 10/2009/CT-UBND (năm 2009) về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động khai thác, chế biến và sử dụng KS trên địa bàn tỉnh. Các văn bản này đã kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý, điều hành hoạt động KS ở địa phương. Nhờ vậy, hoạt động khai thác, chế biến KS và kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) đã dần đi vào nề nếp.

Vẫn còn nhiều kẽ hở!

Bên cạnh những ưu điểm là đã tăng cường được vấn đề quản lý, nhưng MT khai thác và hậu KTKS vẫn còn nhiều bất cập. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Luật KS ra đời và đã 2 lần được Quốc hội sửa đổi bổ sung, nhưng những văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực thi luật vẫn chậm, không rõ ràng, có những quy định còn chồng chéo, không thống nhất, thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện, như: Quy định về đấu giá quyền KTKS, quy định về đóng cửa mỏ, việc xét và công nhận giám đốc điều hành mỏ...

 Đất san lấp không được xếp vào danh mục KS nên DN khai thác mà không cần xin giấy phép, gây khó khăn cho công tác quản lý

Bên cạnh việc chưa đáp ứng được cho công tác quản lý, các văn bản quy phạm pháp luật về MT chưa gắn kết, ràng buộc giữa công tác BVMT với quyền lợi khác, nên DN thường tìm cách né tránh hoặc đối phó. Đơn cử như Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg, ngày 29-5-2008 của Thủ tướng Chính phủ về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường (CT-PHMT) đối với hoạt động KTKS có nhiều nội dung chưa phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo, gây phiền hà cho các DN cũng như cơ quan quản lý. Ví dụ, vấn đề số tiền ký quỹ được xác định phụ thuộc vào thời gian khai thác mỏ theo giấy phép khai thác, trong khi dự án CT-PHMT được lập trước khi được cấp phép, nên không thể xác định được thời gian. Một quy định gây khó khăn phiền hà cho DN là phải lập riêng dự án CT-PHMT và báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc cam kết BVMT để được thẩm định phê duyệt cùng lúc, trong khi quy định này có thể được ghép một phần vào báo cáo ĐTM. Các quy định về MT và KTKS cũng chưa gắn kết về việc thẩm định, phê duyệt dự án CT-PHMT, xác nhận hoàn thành việc CT-PHMT với đề án đóng cửa mỏ (theo Luật KS). Mặc dù Quyết định 71/2009/QĐ-TTg có quy định về phương án, CT-PHMT cho từng mỏ riêng biệt, nhưng chưa có quy định chung cho toàn bộ khu vực, nên không có sự kết nối giữa các mỏ, dẫn đến việc CT-PHMT không hiệu quả, lãng phí tài nguyên và không toàn diện cho cả khu vực sau khai thác...

Môi trường vẫn suy thoái

Hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển KS ở Bình Dương đã và đang gây ra nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đến môi trường không khí, đồng thời gây biến đổi cảnh quan môi trường hậu khai thác. Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Hồng Thúy, Phó phòng Tài nguyên Nước và Môi trường (Sở TN-MT) Bình Dương, cho biết: “Kết quả quan trắc tại các khu vực khai thác và chế biến đá xây dựng trên địa bàn tỉnh như Thường Tân (Tân Uyên), Tân Đông Hiệp và Bình An (TX.Dĩ An), An Bình (Phú Giáo)... cho thấy mức độ ô nhiễm bụi và tiếng ồn đã vượt mức cho phép, gây tác động đến cuộc sống của người dân xung quanh khu vực mỏ. Nước thải trong quá trình tháo khô mỏ, đặc biệt là trong khai thác đá xây dựng ở độ sâu lớn, đã làm hạ thấp mực nước ngầm và ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân trong khu vực”.

Thực tế quan sát cho thấy, cái “hậu” nặng nề nhất của vấn đề KTKS là chất lượng môi trường đất và cảnh quan bị biến dạng hoàn toàn. Những mỏ khai thác sét, cao lanh sau khai đóng cửa mỏ còn có thể tái sử dụng đất cho nông nghiệp, làm mặt bằng khu công nghiệp..., nhưng hầu hết những mỏ khai thác đá với độ sâu khai thác lớn đã làm biến đổi hoàn toàn cảnh quan môi trường hàng trăm ha đất. Tại các khu vực khai thác, thảm thực vật bị biến mất do quá trình bóc dỡ tầng đất mặt, tạo ra địa hình có độ sâu khá lớn so với bề mặt chung. Các moong sau khi khai thác đá thường có đáy lồi lõm, vách bờ moong thẳng đứng, có thể gây sạt lở nguy hiểm mà hầm đá xanh ở phường Đông Hòa (TX.Dĩ An) là một ví dụ điển hình!

Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật

Bên cạnh việc tăng cường quản lý KTKS theo luật định, hạn chế ô nhiễm MT đến mức thấp nhất, Bình Dương đã từng bước thực hiện xã hội hóa BVMT trong hoạt động KTKS. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các DN thành lập Ban Quản lý khu mỏ tại các cụm mỏ khai thác tập trung như cụm mỏ đá xây dựng Tân Đông Hiệp (TX.Dĩ An), cụm mỏ đá Thường Tân, Tân Mỹ (Tân Uyên) theo mô hình tự quản. Trong thời gian qua, các mô hình này đã phát huy vai trò trong việc BVMT, an toàn lao động. Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn khuyến khích các chủ mỏ đầu tư xây dựng các tuyến đường chuyên dùng để vận chuyển sản phẩm và đóng góp kinh phí tu sửa, nâng cấp các tuyến đường giao thông ngoài mỏ nhằm hạn chế tác động của việc khai thác và vận chuyển sản phẩm đối với môi trường. Đặc biệt, địa phương còn tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và huy động mọi người dân tham gia việc giám sát, BVMT trong khai khoáng, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhằm lập lại trật tự trong lĩnh vực này, nhưng thực tế thực thi pháp luật BVMT và KTKS ở Bình Dương vẫn còn nhiều hạn chế. Để tăng cường công tác quản lý KTKS gắn với BVMT, Bộ TN-MT cần khắc phục những tồn tại, hạn chế của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Điều quan trọng là cần đầu tư nhiều hơn cho công tác điều tra, đánh giá về KS trên địa bàn các tỉnh làm cơ sở cho việc quản lý, quy hoạch, sử dụng KS một cách khoa học. Bộ TN-MT và các bộ ngành liên quan cũng cần có hướng dẫn việc sử dụng nguồn kinh phí thu được từ phí BVMT trong KTKS để xây dựng những công trình tại địa phương có mỏ, nhằm hạn chế các tác động đối với môi trường, bảo vệ quyền lợi của người dân. Đặc biệt, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành, giữa địa phương và Trung ương trong việc thanh, kiểm tra đối với hoạt động KTKS để tăng hiệu quả công tác quản lý, tiết kiệm thời gian, tránh chồng chéo và gây phiền hà cho DN. Khi xây dựng nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này, nên bổ sung điều khoản chuyển tiếp từ xử lý vi phạm hành chính sang xử lý hình sự đối với các đối tượng KTKS không phép để răn đe.

BẢO ANH

Chia sẻ