Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Nguồn cung đất sét sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) không đáp ứng đủ nhu cầu; nguồn cung đất san lấp mặt bằng phục vụ xây dựng lớn... Trong khi khai thác, cung ứng đất sét làm VLXD và đất san lấp dễ làm, đem lại lợi nhuận lớn, nên nhiều tổ chức, cá nhân cùng “nhảy” vào. Từ đó, dẫn đến tình trạng loạn khai thác đất trái phép, gây ra nhiều hậu quả khó lường! Vừa khai thác, vừa cải tạo đất tại khu mỏ đất sét được cấp phép ở ấp Đồng Chinh, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo
Một trường hợp điển hình
Nhận được thông tin từ cử tri huyện Phú Giáo về việc ông Chín N., một cán bộ hưu trí từ nơi khác đến mua đất nông nghiệp gần kề mỏ đất sét của các đơn vị được cấp phép để khai thác đem bán trôi nổi trên thị trường, gây ra nhiều hệ lụy... chúng tôi đã đến ngay mỏ sét lớn nhất, nhì tỉnh tại ấp Đồng Chinh, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo để kiểm chứng. Tại đây, hiện có 3 đơn vị khai thác mỏ sét được cấp phép là Công ty Gạch ngói Đồng Nai, Công ty Gạch ngói cao cấp M&C, Công ty Gạch ngói Tuynel Đồng Chinh. Các đơn vị này khai thác đất sét nhằm phục vụ cho việc sản xuất gạch ngói của đơn vị và cung cấp sét nguyên liệu cho các đơn vị không có mỏ. Cặp sát bên khu mỏ của Công ty M&C là hầm khai thác đất sét của ông Chín N.
Qua điều tra, chúng tôi được biết ông Chín N. tự bỏ tiền mua đất nông nghiệp của dân rồi móc đất sét lên đem bán mà không cần xin phép! Bà con trong ấp Đồng Chinh, xã Phước Hòa cũng như các công ty được cấp mỏ, cho biết mấy năm nay ông Chín N. mua đất, tự ý khai thác đất sét cung cấp cho các lò gạch tư nhân, bán trôi nổi ra thị trường, vừa gây ô nhiễm môi trường (ONMT), vừa tranh giành mối lái gây mất an ninh trật tự, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh. Do khai thác không phép lại không phải xuất hóa đơn, nên ông Chín N. bán đất sét nguyên liệu với giá rẻ hơn các đơn vị được cấp phép, gây nhiều khó khăn cho các đơn vị này! Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần vào cuộc chấn chỉnh tình hình này, nhưng tạm giữ xe cuốc cứ giữ, phạt tiền cứ phạt... hầm khai thác đất sét của ông Chín N. (nay người dân đổi sang gọi là ông Chín Liều) vẫn cứ hoạt động như không có việc gì xảy ra!
Tại trụ sở UBND xã Phước Hòa khi chúng tôi đến nắm thông tin về vấn đề khai thác đất trái phép, lù lù ngay cạnh cổng ra vào là chiếc xe cuốc của hầm đất ông Chín N. đang bị chính quyền địa phương tạm giữ chờ huyện giải quyết. Ông Lê Hành Quân, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, cho biết: “Ông Chín N. đã tự ý đến mua đất nông nghiệp rồi tiến hành khai thác đất trái phép từ nhiều năm nay, gây ONMT, phá hoại cảnh quan, làm giảm diện tích đất nông nghiệp; đặc biệt là từ năm 2011, ông Chín N. còn khai thác đất xâm phạm diện tích đất của người vợ cũ và của người dân, gây xích mích làm mất an ninh trật tự tại địa phương. Mới đây, xe cuốc của ông Chín N. còn cuốc luôn vào đất của dân, làm đổ ngã cây cao su, người dân kéo lên xã khiếu kiện. Xã cũng đã nhiều lần xử phạt, nhưng do mức phạt tối đa chỉ 2 triệu đồng nên không đủ sức răn đe. Những lần sau này chúng tôi chuyển lên huyện xử lý. Có lần huyện phạt nặng và tính cả tiền bãi giữ xe, số tiền phạt tổng cộng lên đến gần 100 triệu đồng, nhưng ông Chín N. vẫn không ngán, sau đó vẫn cố tình khai thác đất trái phép. Mới đây, nhận được tin từ người dân về việc hầm ông Chín N. khai thác đất xâm phạm đất người dân, 3 công an xã đến giải quyết thì một xe tải ben của một đơn vị quân đội đến mua đất của hầm ông Chín N. “đâm” luôn vào xe gắn máy của phó công an xã. Nếu anh này không nhảy ra khỏi xe, chắc đã xảy ra án mạng...”.
Loạn khai thác đất trái phép!
Bà Hồng Thúy, Phó phòng Tài nguyên nước và Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), cho biết hiện tại nguồn đất sét hợp pháp tại địa phương không đủ cung ứng cho các nhà máy sản xuất gạch ngói của tỉnh. Toàn tỉnh hiện chỉ có 10 điểm mỏ đang khai thác, 2 điểm mỏ đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản. Diện tích thăm dò và đặc biệt là diện tích được cấp phép khai thác sét gạch ngói rất nhỏ (chỉ bằng 20,35% diện tích quy hoạch), do chủ trương hạn chế cấp giấy phép của UBND tỉnh. Các đơn vị được cấp phép khai thác mỏ đã khai thác vượt công suất cấp phép nhưng vẫn thiếu. Bên cạnh đó, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở lớn, đòi hỏi một lượng đất san lấp lớn. Do thấy cái lợi trước mắt nên một số cá nhân, đơn vị đã nhắm mắt làm liều mới xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép tràn lan. Ngoài ấp Đồng Chinh (xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo), hiện tượng khai thác trái phép đất san lấp, nguyên liệu sét làm gạch ngói còn xảy ra tại nhiều địa bàn, như: Tân Hiệp, Tân Mỹ (huyện Tân Uyên); Thanh An, Thanh Tuyền, Định Hiệp (huyện Dầu Tiếng); Hòa Lợi, Chánh Phú Hòa (huyện Bến Cát)... Khu vực do ông Chín N. khai thác trái phép
Trước tình hình “loạn” khai thác đất trái phép, các ngành chức năng đã vào cuộc. Hàng năm, Sở Công Thương, Sở Xây dựng phối hợp với Sở TN-MT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản định kỳ hoặc đột xuất, để kịp thời có biện pháp xử lý những vi phạm. Cụ thể, từ năm 2009 đến năm 2011, các đoàn kiểm tra của UBND tỉnh và Sở TN-MT đã phát hiện 61 điểm khai thác trái phép cát, đất san lấp, sét, sỏi đỏ laterit... Qua kiểm tra, các đoàn đã tiến hành giải tỏa hoạt động khai thác trái phép và kiến nghị UBND tỉnh xử lý kiên quyết nhiều trường hợp nhằm chấn chỉnh triệt để như tịch thu khối lượng khoáng sản đã khai thác, truy thu thuế và phí các loại, buộc các đối tượng khai thác hoặc chủ đất phải phục hồi hiện trạng như ban đầu. Những trường hợp không chấp hành, đoàn kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo thu hồi đất. Mặc dù mức xử phạt nặng, chế tài rất cao, nhưng do khai thác đất trái phép lãi lớn nên nhiều cá nhân, đơn vị sai phạm sau khi nộp phạt lại lén lút tiếp tục khai thác đất trái phép ngay tại nơi trước đây đã vi phạm hoặc tiến hành mua đất nơi khác để khai thác, nhằm thu lợi bất chính!
Vẫn còn nhiều kẻ hở!
Theo Sở TN-MT, sở dĩ các trường hợp khai thác đất trái phép vẫn tồn tại và còn đất sống là do ngành chức năng đang gặp nhiều khó khăn bởi kẻ hở của văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Nghị định 74/2011/NĐ-CP cũng như các nghị định trước đó quy định về thu phí BVMT đối với hoạt động khai thác khoáng sản, có quy định về mức thu phí đối với đất san lấp. Trong khi các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản không xếp đất san lấp, đất làm nền các công trình xây dựng vào danh mục khoáng sản, làm VLXD thông thường, cũng không quy định việc cấp phép khai thác đất san lấp. Điều này vô tình gây khó khăn cho công tác quản lý của ngành chức năng. Người dân cho rằng khai thác đất san lấp không cần phải xin cấp phép! Và, một khi chính quyền không cấp phép thì rất khó quản lý, trong khi thực tế nguồn đất san lấp lại rất cần trong giai đoạn phát triển nhanh cơ sở hạ tầng như hiện nay.
Mặc dù ngành chức năng và các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc chấn chỉnh, nhưng việc quản lý khai thác đất trái phép vẫn chưa nghiêm, chưa sát... từ đó gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Do khai thác không phép nên các đối tượng vi phạm thường làm theo kiểu “mì ăn liền”, không quan tâm đến vấn đề BVMT, tái tạo mặt bằng sau khai thác làm biến đổi cảnh quan, gây hư hại đường sá trong quá trình vận chuyển đất, mua bán chụp giật gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự!
N.TRỰC