| 26-08-2019 | 08:20:45

Năm học 2019-2020: Linh hoạt để đáp ứng yêu cầu giảng dạy

Với sự gia tăng học sinh vào mỗi năm học mới, hàng năm ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT)) cần bổ sung thêm giáo viên (GV) phục vụ giảng dạy, đồng thời thay thế những nhà giáo đã nghỉ hưu. Năm học 2019- 2020 này, toàn ngành cần bổ sung 1.609 GV ở các cấp học.

Đội ngũ GV cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong năm học mới

Cần bổ sung thêm giáo viên

Năm học 2019-2020, dự kiến toàn tỉnh có trên 493.000 học sinh (HS) ở các cấp học, tăng thêm 34.933 HS. Từ chỗ HS tăng dẫn đến việc thiếu GV ở các cấp học do tăng thêm lớp, đồng thời bổ sung vào số thầy cô còn thiếu do nghỉ hưu. Số HS tăng tập trung tại các địa bàn đông dân cư của tỉnh. Cụ thể, ngành GD-ĐT TP.Thủ Dầu Một cần bổ sung 49 GV mầm non, 68 GV tiểu học, 39 GV THCS; Phòng GD-ĐT TX.Dĩ An cần bổ sung 359 thầy cô ở các cấp học; nhu cầu của ngành GD-ĐT TX.Thuận An là 348 GV; TX.Tân Uyên cũng cần bổ sung trên 330 GV.

Theo lãnh đạo các Phòng GD-ĐT, trong khi chờ chủ trương hợp đồng GV, ngành đã rà soát, cân đối, bố trí lại đội ngũ GV, nhân viên toàn ngành, giải quyết dứt điểm tình trạng thừa thiếu cục bộ tại các trường trên địa bàn. Về phía các trường cũng chủ động bố trí GV, bảo đảm năm học mới 2019-2020 hoạt động ổn định. Chia sẻ với chúng tôi, thầy Vương Hùng Lễ, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Quốc Phú (TX.Tân Uyên) cho hay, năm học mới trường thiếu 10 GV. Đáp ứng yêu cầu giảng dạy khi năm học mới đã bắt đầu, trường khắc phục bằng cách phân công GV dạy thừa giờ. Các thầy cô cũng vui vẻ nhận dạy thêm vài tiết mỗi tuần trong tình hình thiếu GV chung của ngành.

Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết để giải quyết tình trạng thiếu GV, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương hợp đồng những viên chức, nhân viên còn thiếu. Sở cũng rà soát, tính toán lại số lớp, số HS/lớp nhằm giảm số lớp của từng trường trên cơ sở tăng số HS trong mỗi lớp của từng khối lớp, phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị, từng địa phương.

Bảo đảm đội ngũ cho năm học mới, cuối tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương ngành GD-ĐT thực hiện hợp đồng GV trong năm học 2019-2020. Tiếp theo đó, Sở GD-ĐT hướng dẫn các Phòng GD-ĐT thực hiện hợp đồng ngắn hạn 9 tháng theo thời gian năm học đối với những vị trí còn thiếu. Theo phân cấp, UBND huyện, thị, thành phố quyết định hợp đồng đối với các đơn vị trực thuộc Phòng GD-ĐT; Sở GD-ĐT quyết định hợp đồng đối với những đơn vị trực thuộc sở.

Bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân, Trưởng phòng GD-ĐT TX.Thuận An cho hay: “Ngành rất vui mừng khi năm nay có chủ trương được hợp đồng GV. Theo tính toán, ngành có kế hoạch hợp đồng thêm 300 GV, hiện tại vẫn còn đang tiếp tục nhận hồ sơ đến ngày 25-8. Năm nay ngành không thực hiện tái hợp đồng số GV nghỉ hưu, mà tuyển số GV vừa tốt nghiệp ra trường. Ngoài ra, Phòng GD-ĐT thực hiện điều động, thuyên chuyển trên 80 trường hợp khác”. Tùy đặc điểm ở mỗi địa phương, các Phòng GD-ĐT tính toán sắp xếp đội ngũ phù hợp. Với Phòng GD-ĐT huyện Dầu Tiếng, ngành thực hiện điều động GV thừa, thiếu giữa các trường; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, luân chuyển cán bộ quản lý theo quy định.

Nâng cao chất lượng đội ngũ

Cùng với hợp đồng ngắn hạn GV bổ sung vào đội ngũ còn thiếu, ngành GD-ĐT nói chung còn thực hiện bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ, GV đang tham gia công tác, giảng dạy. Đó là lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh và nâng cao nghiệp vụ sư phạm cho GV ở các cấp học; các lớp bồi dưỡng thường xuyên hè cho GV THCS, THPT ở tất cả các bộ môn...

Ngoài các lớp bồi dưỡng thường xuyên của Sở GD-ĐT, từng Phòng GD-ĐT cũng có kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng, nội dung phù hợp theo từng cấp học. Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT TX.Dĩ An, ngành luôn quan tâm và tập trung bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho GV để nâng cao chất lượng đội ngũ GV và cán bộ quản lý giáo dục các cấp học. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý, chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục hiện nay.

Với TP.Thủ Dầu Một, theo ông Trần Trọng Khánh, Phó trưởng phòng GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu của năm học mới, ngành tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và GV, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, gắn với việc đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ, chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Về công tác bồi dưỡng thường xuyên, phòng phối hợp với trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên đề cho các cấp học phù hợp với thực tế và nhu cầu của đội ngũ. Dịp hè này, ngành tổ chức nhiều chuyên đề rất thiết thực. Những lớp bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, như: Phương pháp dạy học theo chủ đề; hướng dẫn rút kinh nghiệm giảng dạy bảng tương tác thông minh; dạy học theo định hướng phát triển năng lực... Ngoài ra, ngành còn có những lớp tập huấn nâng giáo dục các kỹ năng cho HS như: Cách tư vấn cho HS về giáo dục giới tính, hướng dẫn HS kỹ năng tự bảo vệ.

Với ngành GD-ĐT TX.Thuận An, ngành cũng mời giảng viên trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh bồi dưỡng các chuyên đề nâng cao chất lượng giảng dạy ở các bộ môn cho GV. Bên cạnh đó, các lãnh đạo, chuyên viên Phòng GD-ĐT có năng lực cũng cùng tham gia chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy cho các đồng nghiệp. Đối với TX.Tân Uyên, công tác này luôn được Phòng GD-ĐT quan tâm thực hiện hàng năm với nhiều chuyên đề phù hợp. Đến nay, ngành đã tổ chức lớp bồi dưỡng về đổi mới chương trình sách giáo khoa cho GV; tập huấn chuyên đề “phòng chống bạo lực, kiềm chế cảm xúc của GV”... nhờ thường xuyên được bồi dưỡng, năng lực quản lý của hiệu trưởng và kỹ năng giảng dạy của GV đã được nâng lên.

Theo Bà Nguyễn Hồng Sáng, trên cơ sở đánh giá những mặt mạnh, yếu của từng trường trong năm học vừa qua, sở có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, GV; điều tiết GV các trường lân cận để bảo đảm chất lượng đội ngũ.

“Cùng với tuyển mới GV, Sở GD-ĐT cũng rà soát biên chế của từng đơn vị, từng cấp học, thực hiện việc điều động GV từ đơn vị này sang đơn vị khác và bố trí công việc phù hợp vị trí việc làm, hạn chế tối đa tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các đơn vị trong cùng môn học, cấp học. Bên cạnh đó ngành cũng xem xét, từng bước giải quyết cho những thầy cô không trực tiếp giảng dạy nhưng được đào tạo sư phạm chuyển ra dạy lớp đúng chuyên môn. Để không ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy, ngành còn tính toán và dự kiến các phương án về phân công GV dạy thêm giờ, dạy thỉnh giảng”.
(Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT)

HỒNG THÁI

 

Chia sẻ