Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Bài cuối: “Gỡ khó” cho nghề nuôi chim yến
Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng… có lợi thế tự nhiên để phát triển nghề NCY, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để phát triển ngành nghề tiềm năng này thì cần phải có quy hoạch và có các quy định cụ thể về cấp phép, quản lý.
Một nhà nuôi chim yến đang được xây dựng trên địa bàn huyện Dầu Tiếng
Tận dụng lợi thế tự nhiên
Theo khảo sát của cơ quan chức năng tỉnh, tiềm năng phát triển nghề NCY của tỉnh là rất lớn. Nhiều địa phương như huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên… có điều kiện khí hậu thuận lợi, nhiều hồ, sông, rạch là môi trường côn trùng phát triển, tạo nguồn thức ăn phong phú cho chim yến.
Thực tế cho thấy, nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi mà hoạt động NCY tại huyện Dầu Tiếng trong thời gian qua tăng rất nhanh, nhất là trong năm 2018. Theo người dân, nghề NCY chỉ “nặng” vốn đầu tư xây dựng nhà NCY ban đầu với chi phí từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Sau hơn một năm, người đầu tư NCY có thể thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Chính vì vậy, nhiều người dân ở huyện Dầu Tiếng so sánh thu nhập từ một nhà NCY trong một năm hơn tiền thu hoạch mủ của 1 ha cao su và “nhàn thân” hơn rất nhiều. Điển hình như ông Nguyễn Xuân Quyền (xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng), là một trong những hộ dân có nguồn thu nhập cao từ nghề NCY. Năm 2016, trước tình hình giá mủ cao su bấp bênh, ông Quyền tạm gác nghề trồng cao su và mạnh dạn đầu tư 4 tỷ đồng xây nhà NCY. Đến nay, ông Quyền thu lợi từ nghề NCY hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Chăn nuôi và Thú y tỉnh: “Vì chim yến là động vật hoang dã nên rất khó quy hoạch một vùng NCY cụ thể. Vì vậy, cơ quan chức năng chỉ có thể quy hoạch vùng không được NCY để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động NCY đến đời sống sinh hoạt người dân. Hiện ngành chăn nuôi tỉnh đang tham mưu Sở NN&PTNT xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh phê duyệt về việc quy định khu vực được NCY trên địa bàn tỉnh. Ngành cũng đề nghị các ban ngành, chức năng sớm ban hành một quy chuẩn kỹ thuật cụ thể hướng dẫn về NCY để tạo điều kiện thuận lợi ngành nghề NCY tỉnh phát triển. Hiện ngành chăn nuôi của tỉnh cũng đang chờ Luật Chăn nuôi năm 2018 và nghị định của Chính phủ có liên quan sớm ra đời và có hiệu lực để có đủ căn cứ pháp lý để quản lý hoạt động NCY có hiệu quả”. |
Tuy nhiên theo người dân, việc bỏ ra một khoản tiền lớn để đầu tư xây dựng nhà NCY được xem như một “canh bạc”, vì ngoài yếu tố kỹ thuật thì còn phụ thuộc vào… may mắn nữa. Ngoài ra, không phải địa phương nào cũng có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc NCY. Thực tế, việc xây nhà NCY nhưng không có chim yến đến ở hoặc có nhưng ít đã xảy ra. Chính vì vậy, các ngành chức năng cần có những giải pháp cụ thể để phát huy lợi thế tự nhiên về việc NCY tại địa phương có đều kiện phù hợp và hạn chế tình trạng nhà NCY xây tràn lan nhưng chim yến vào ở ít hoặc không có.
Nói thêm điều này, bà Nguyễn Thị Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, cho biết: “Thời gian qua, hoạt động NCY trên địa bàn xã đã góp phần tăng thu nhập cho người dân rất đáng kể. Vì vậy, UBND xã kiến nghị các ngành chức năng xem xét chuyển đổi quy hoạch ở xã Minh Tân để phù hợp với ngành nghề NCY tại địa phương. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần sớm ban hành những văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể để công tác quản lý ngành nghề NCY được thuận lợi hơn. Cơ quan thú y cũng cần quan tâm hơn công tác hướng dẫn, giám sát, phòng ngừa dịch bệnh trên chim yến”.
Hiện nay, lãnh đạo UBND xã Định An cũng đang “trăn trở” về hoạt động NCY tự phát trên địa bàn và đang mong chờ cơ quan chức năng sớm có giải pháp phù hợp để hạn chế những hệ lụy sau này. Bà Hoàng Thị Thư, Chủ tịch UBND xã Định An băn khoăn: “Hiện nay, địa phương đang theo dõi, nắm bắt hoạt động NCY trên địa bàn để xem có tiềm năng phát triển hay không. Tuy nhiên, địa phương cũng trăn trở việc người dân đầu tư một số tiền lớn để xây nhà NCY nhưng nếu chim yến không đến ở hoặc ít thì người dân sẽ gặp bất lợi. Vì vậy, địa phương cũng muốn cơ quan chức năng quy hoạch vùng NCY để hạn chế những hệ lụy phát sinh, tránh tính trạng xây nhà NCY tràn lan nhưng không đạt hiệu quả cao”.
Cần có quy định cụ thể
Trước nhiều vấn đề phát sinh từ hoạt động NCY, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chủ trì tổ chức một hội nghị để đánh giá thực trạng công tác quản lý và phát triển NCY trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị, đại diện các địa phương đã chỉ ra những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý hoạt động NCY tại địa bàn. Đồng thời, các cơ quan chức năng có liên quan cũng đã đề xuất một số giải pháp để khắc phục những khó khăn, bất cập, tạo điều kiện thuận lợi đề ngành nghề NCY phát triển.
Cụ thể, các địa phương cần tiến hành khảo sát hiện trạng, thống kê các nhà NCY trên địa bàn để từ đó đề xuất với UBND tỉnh vùng quy hoạch NCY tại địa phương. Trong đó, vùng quy hoạch NCY mới phải phù hợp với đặc điểm sinh trưởng, phát triển của chim yến và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng phát triển NCY hoặc được sự đồng ý bằng văn bản của UBND cấp huyện, thị, thành phố. Công tác quy hoạch vùng NCY phải được công khai và gắn với cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm từ chim yến, đáp ứng nhu cầu thị trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Đặc biệt phải có lộ trình di dời các nhà NCY trước đây không phù hợp với quy định mới và để phù hợp với quy hoạch của địa phương. Thêm nữa, cần có các văn bản hướng dẫn xây dựng nhà NCY đúng kỹ thuật, nuôi chim yến bảo đảm an toàn sinh học; đồng thời, quy định về tần suất và thời gian phát âm thanh dẫn dụ chim yến không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh… làm căn cứ để xử lý vi phạm. Cần xác định cụ thể cơ quan chức năng hoặc cấp có thẩm quyền thực hiện công tác quản lý, hướng dẫn và tiếp nhận các vụ việc liên quan đến hoạt động NCY. Chính quyền địa phương cơ sở và các cơ quan chức năng liên quan cần giám sát chặt chẽ các hộ dân xây dựng nhà ở phải làm đúng thiết kế, mục đích sử dụng và khi xây dựng phải tuân thủ đúng pháp luật về xây dựng và môi trường. Ngoài ra, cũng phải lưu ý tới nhóm giải pháp về thị trường, phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm, gắn kết các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữ vai trò định hướng đặt hàng, tiêu chuẩn nguyên liệu, hỗ trợ sản xuất, nhằm phát huy thế mạnh liên kết làm tiền đề thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh và hiệu quả ngành nghề NCY.
Ông Võ Trung Nghĩa, Trưởng phòng Kinh tế huyện Dầu Tiếng kiến nghị, Sở NN&PTNT sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể quy trình xây dựng nhà NCY. Đồng thời, cơ quan chức năng cần quy hoạch vùng NCY phù hợp với đặc điểm của địa phương. Chính quyền cơ sở cũng cần sâu sát trong công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động xây dựng tại địa phương.
Luật Chăn nuôi năm 2018 được Quốc hội thông qua ngày 19-11-2018 và có hiệu lực từ 1-1-2020 đã đề ra những quy định cụ thể về quản lý NCY, trong đó quy định chi tiết về quản lý NCY; về kỹ thuật chăn nuôi cũng như chỉ ra các tồn tại, hạn chế của nghề NCY hiện nay. Đồng thời, các ban, ngành chức năng đang tham mưu dự thảo cho Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thi hành một số điều trong Luật Chăn nuôi năm 2018, trong đó có một điều về xây dựng nhà NCY. Hiện nay, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo Quy định tạm thời quản lý NCY trên địa bàn tỉnh và chuyển về cho các huyện, thị, thành phố góp ý xây dựng. Có thể nói, việc Luật Chăn nuôi 2018 có hiệu lực và UBND tỉnh ban hành Quy định tạm thời quản lý NCY sẽ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý ngành nghề NCY trên địa bàn tỉnh. |
NGUYỄN HẬU