Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Việc đi làm bằng xe đạp được ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An khởi xướng tại Hội nghị cán bộ công chức đầu năm 2014. Ngay sau hội nghị này, ông Nguyễn Sự là người nghiêm túc gương mẫu thực hiện.
Xe đạp, phương tiện chính trong khu phố cổ Hội An
Sau đó, tuy chưa đến ngày phải thực hiện chủ trương đi làm bằng xe đạp nhưng rất nhiều các bộ, công chức của UBND và Thành ủy Hội An cũng đã thực hiện chủ trương này nhằm hướng tới xây dựng một thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch đầu tiên của Việt Nam.
Mỗi năm có khoảng 100 triệu chiếc xe đạp được sản xuất ra trên toàn thế giới. Trong vài năm trở lại đây, số lượng xe đạp được bán ra tại Nhật Bản là 10 triệu chiếc mỗi năm. Ở Nhật Bản, xe đạp được sử dụng rộng rãi như một sự lựa chọn thay thế cho ô tô. Nhiều người sử dụng chúng để di chuyển tới các nhà ga. Ngày nay, ngày càng nhiều người Nhật đạp xe đi làm để cải thiện sức khỏe và tránh ác tắc giao thông cũng như chen chúc trên tàu điện ngầm.
Ở Trung Quốc, 60% người sử dụng xe đạp tại thành phố Thượng Hải (thành phố đông dân nhất Trung Quốc) đạp xe đi làm mỗi ngày.
Thủ đô Amsterdam là một trong những thành phố lớn thân thiện với xe đạp nhất trên thế giới. Có khoảng 400km đường dành cho xe đạp và khoảng 40% người dân thủ đô di chuyển bằng xe đạp. Trung bình mỗi ngày mỗi người dân Hà Lan đạp xe 2,5 km. Người dân Hà Lan gắn kết với xe đạp như bánh mỳ với mứt.
Ở Mỹ, mọi người sử dụng xe đạp để giảm béo và cảm thấy khỏe khoắn hơn vì đạp xe giúp tiêu hao 600 calo mỗi giờ. Vì những lý do này nên xe đạp trở nên phổ biến tại một số nước.
Trở lại với TP Hội An, nhiều bạn đọc hoan nghênh chủ trương của lãnh đạo TP Hội An: “Rất hay, tôi cho rằng đó là chủ trương vừa tiết kiệm cho bản thân, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa giảm bớt được hiệu ứng khí thải. Mong rằng rồi sẽ có nhiều người ủng hộ chủ trương này” – Một bạn đọc tên Nguyễn Công Sơn bày tỏ trên diễn đàn mạng.
“Một việc làm thật có ích, không những nó chỉ hạn chế ô nhiễm môi trường mà còn có tác dụng rèn luyện sức khỏe. Rất mong việc làm này được duy trì và nhân rộng” - Phạm Thị Thanh nói thêm.
Tuy nhiên, nhiều công chức, viên chức cũng bày tỏ băn khoăn về chủ trương này. Có người cho rằng, công chức trẻ nhà ở xa, mỗi sáng chở 2 con đến trường thì đi xe đạp là rất khó. Thời tiết cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc đi lại bằng xe đạp.
Tại Hội An, chủ trương này nhận được nhiều ý kiến hưởng ứng, nhất là với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới TP Hội An sinh thái - văn hóa - du lịch. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến quan ngại việc làm này liệu có thực tế, ở những địa phương khác liệu có áp dụng được không, nên chăng các địa phương cần khuyến khích công chức và người dân sử dụng xe đạp khi lưu thông?
Riêng ý kiến của bạn thì sao? Diễn đàn Sống đẹp rất mong được đón nhận ý kiến tham gia đóng góp của bạn đọc!
MINH HOÀNG (tổng hợp)