| 08-05-2014 | 00:00:00

Nét riêng đờn ca tài tử Bình Dương trong đờn ca tài tử Nam bộ

ĐCTT đến Bình Dương

Theo ông Phạm Ngọc Phú, nguyên cán bộ Phòng Văn hóa- Thông tin (VH-TT) TX.Dĩ An: Từ năm 1885, nhiều nhạc quan, nhạc sĩ triều đình Huế và một số tỉnh miền Trung vào Nam dạy nhạc. Trong đó, có cụ Nguyễn Quang Đại, mở lò dạy nhạc ở Gia Định, đào tạo nhiều học trò xuất sắc cho cánh miền Đông, tiêu biểu như cụ Sáu Thới, tức Lại Văn Thới, người Gia Định; cụ Sư Dung người Bình Dương… Cụ Sư Dung là một nhà sư trụ trì ở chùa Cô Hồn (TX.Thủ Dầu Một). Trước khi theo thầy Nguyễn Quang Đại học nhạc tài tử, cụ Sư Dung đã am tường về nhạc lễ. Với vốn âm nhạc có sẵn, cộng thêm năng khiếu bẩm sinh, cụ Sư Dung học nhạc tài tử nhanh, xuất sắc.

Sau khi trở về Bình Dương, cụ Sư Dung tiếp tục truyền dạy nhạc lễ, nhạc tài tử cho học trò trong tỉnh và vùng Biên Hòa. Vì vậy, trong giới nhạc tài tử luôn nhắc đến cụ Sư Dung - người Bình Dương đầu tiên đưa nhạc tài tử về địa phương. Cụ đã đào tạo ra nhiều học trò như Út Lăng, Giáo Thinh vang danh trong giới nghệ thuật truyền thống Nam bộ.    Cách chơi đờn kìm dựng đứng đặc trưng của nghệ sĩ Bình Dương (đờn kìm ở giữa) Ảnh: THIÊN LÝ

Đồng hành cùng cụ Sư Dung có cụ Giáo Khái ở Chợ Búng (Lái Thiêu). Cụ là thầy dạy văn hóa nhưng giỏi về đờn, đã đào tạo nhiều học trò ở vùng Chợ Búng và Lái Thiêu. Ông Phú, tâm sự: “Mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm về nhạc lễ và ĐCTT tại Bình Dương, nhưng đến nay vẫn chưa xác nhận được họ tên đầy đủ, năm sinh, năm mất của các cụ. Để hiểu rõ về quá trình ĐCTT đến Bình Dương cần có công trình nghiên cứu riêng, rõ ràng. Từ đó, giúp thế hệ sau biết, tưởng nhớ, tri ân những bậc tiền bối trong làng nghệ thuật tài tử; góp phần duy trì, phát triển bộ môn nghệ thuật tài tử tại địa phương”.

Nét riêng ĐCTT Bình Dương

Đề cập về những đặc điểm riêng trong hoạt động ĐCTT ở Bình Dương, cụ Giáo Thinh (SN 1906, sinh sống tại Thủ Dầu Một) từng khẳng định với các môn đồ: “Khi gặp một nhạc sĩ đờn kìm ôm cây đờn dựng đứng và lăn ngón thì đích thị đó là nhạc sĩ người Bình Dương, hoặc đã học đờn kìm tại Bình Dương”. Đờn kìm còn có tên gọi là Nguyệt cầm. Sở dĩ có tên là kìm bởi cấu tạo đờn làm người nghệ nhân có thể dễ dàng kìm lại dưới một cánh tay trong quá trình sử dụng. Thế nhưng, ở Bình Dương, các nghệ nhân thường chơi đàn kìm dựng đứng như cách đánh đàn tỳ bà.

Ông Phạm Ngọc Phú, cho biết sở dĩ có phong cách chơi đờn kìm dựng đứng bởi liên quan đến kỹ thuật lăn ngón độc đáo trên cây đờn kìm. Trong thủ thuật đờn kìm, người nhạc sĩ phải nhấn, mổ, rung, vuốt dây đờn để tạo những âm thanh đúng cao độ mong muốn. Nhưng các nhạc sĩ đờn kìm ở Bình Dương không chỉ dùng đầu ngón tay, họ còn có kỹ thuật “lăn ngón” bằng lóng giữa và lóng cuối các ngón tay. Kỹ thuật này tạo ra những âm thanh không những đúng mà nghe còn vừa hay, vừa bay bướm. Để dễ dàng thực hiện kỹ thuật lăn ngón thì phải dựng cây đờn lên. Các nhạc sĩ đều khẳng định, phải dựng cây đờn lên khoảng 70 - 80 độ thì mới dễ lăn ngón. Các nghệ nhân, nhạc sĩ đờn kìm Bình Dương có kỹ thuật lăn ngón tài tình là Út Lăng, Mười Chọn, Tư Bộ, Út Ngự, Tư Còn, Minh Hữu, Hữu Thanh…

 Đến nay, Bình Dương có gần 60 CLB, đội, nhóm, ĐCTT và hơn 800 hội viên hoạt động thường xuyên. Bình Dương là một trong 21 tỉnh, thành có phong trào ĐCTT mạnh, phát triển rộng khắp.

Một ý kiến khác cho rằng, cách chơi này còn liên quan đến vóc người, bởi nghệ sĩ như Út Nhanh, Minh Hữu được học đờn kìm khi mới lên 9, lên 10. Tuổi nhỏ, sức yếu nên họ phải dựng đờn lên để ôm gọn vào lòng, cánh tay đưa lên đưa xuống vừa vặn, thành thói quen. Nhiều thế hệ học trò đã học theo cách đánh của thầy nên trở thành phong cách của riêng nghệ nhân đất Bình Dương. Nhạc sĩ Hồ Hoài Sơn (Ninh Thuận), cho rằng: “Nghệ sĩ Bình Dương có cách chơi đờn kìm rất độc đáo. Từ cách chơi đờn đứng, chúng tôi nghe được những âm thanh lạ phát ra đan xen với những âm thanh quen thuộc”.

Bài Tây Thi Quảng, kết quả sáng tạo của cụ Út Búng (nghệ nhân đờn kìm, ở Chợ Búng (Lái Thiêu), được xếp vào một trong những nét độc đáo của ĐCTT Bình Dương. Ông Út Búng chơi rành nhiều loại nhạc cụ, nhưng ngón đờn điêu luyện nhất là trên cây đờn kìm. Với cây đờn kìm, ông sắp xếp bài Tây Thi Quảng theo điệu thức Quảng trong 6 bản Bắc từ trang nghiêm sang vui tươi, phóng khoáng. Ban đầu, nhiều người cho rằng sự cải điệu bài Tây Thi Quảng chỉ phù hợp với ca diễn cải lương, sau đó mới được giới tài tử Nam bộ công nhận hay và vui. Từ đó, nhiều người đã vận dụng theo lối này để đờn ca các bài bản hơi Bắc khác như: Phú Lục chấn, Xuân Tình chấn, Cổ Bản vắn… Nhạc sĩ - NSƯT Tư Còn, học trò cụ Út Búng là người đờn bài này xuất sắc nhất Bình Dương.

Hệ thống dây đờn Ngân Giang trên cây ghita cổ nhạc của nghệ nhân Ba Còn (Nguyễn Văn Còn, sinh năm 1924, tại làng Tân Ninh, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định, nay thuộc phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An) cũng đã cho ra đời hệ thống dây “lạ, độc” mãi đến nay vẫn còn truyền tụng. Ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, kể lại: Thuở nhỏ, Văn Còn đã yêu thích nhạc tài tử, cải lương và bộc lộ năng khiếu về đàn. Văn Còn là nhạc sĩ của nhiều đoàn cải lương. Thời gian phục vụ tại đoàn Thanh Minh-Thanh Nga là thời kỳ vàng son của nhạc sĩ Văn Còn. Từ năm 1953, ông tạm nghỉ đờn cải lương lên Trảng Bom, Long Khánh sống bằng nghề khai thác gỗ rừng. Trong những đêm nhớ sân khấu, nhớ người thân, bè bạn, ông mang cây đờn ghita ra độc tấu và trong quá trình ấy, nhạc sĩ Văn Còn đã sáng tác kiểu dây mới trên đờn ghita phím lõm.

Khi trở lại Sài Gòn, ông được mời vào đờn cho quán Lệ Liễu ở Thị Nghè. Với hệ thống dây “mới chế”, tiếng đờn ghita của ông đã nhanh chóng chinh phục giới mộ điệu. Văn Còn gọi đây là dây Bảo Chánh vì nó ra đời tại sân ga Bảo Chánh, Trảng Bom. Kiểu dây Bảo Chánh được nhạc sĩ Văn Còn đàn lần đầu tiên qua bài vọng cổ “Nắm xương tàn”. Từ đây, danh tiếng nhạc sĩ Văn Còn càng vang xa hơn. Sau đó, ông được mời đờn cho nhiều hãng đĩa hát. Năm 1926, nhạc sĩ trở về quê, sống đạm bạc ở Dĩ An bằng việc dạy đàn - ca đắp đổi qua ngày. Theo ý kiến của nhạc sĩ Văn Vỹ, ông đã đổi dây Bảo Chánh thành dây Ngân Giang. Vì hệ thống dây mới khi đờn lên nghe lâng lâng, bay bổng. Tiếng đờn sáng lên “như những áng mây bàng bạc tựa dãy ngân hà”.

Tại Bình Dương còn có một nghệ nhân kiệt xuất, người được tôn vinh là bậc thầy của làng tài tử Nam bộ, đó là nghệ nhân - nghệ sĩ Mười Phú (Võ Văn Phú, cư trú tại xã Đông Hòa, Dĩ An). Ông có hàng chục công trình nghiên cứu, biên khảo, phân tích, hướng dẫn về ĐCTT - cải lương. Ông sáng tác thành công bài Ngũ Khúc Long Phi với các điệu thức liên hoàn Bắc - Nam- Hạ - Oán độc đáo. Ngoài ra, ông còn truyền nghề cho hàng trăm học trò thành nghề, vững bước trên đường nghệ thuật, tiêu biểu về đờn có Phùng Mẫn, Nhất Dũng, Quang Dũng, Xuân Huyện… về ca có Văn Hường, Thoại Miêu, Thanh Vân, Thanh Huệ, Thanh Loan…

Có thể nói, tuy ĐCTT Bình Dương “sinh sau” nhưng đã cống hiến cho nghệ thuật tài tử nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ vang danh khắp các tỉnh Nam bộ. Họ đã tích cực góp phần vào việc kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương nói riêng, Nam bộ nói chung, như: Phương Quang, Kim Lệ Thy, Cao Thị Thắng, Thu Hồng, Thùy Dương, Kiều My, Văn Út, Minh Hữu, Mỹ Ngọc Chi… Với sự đam mê, tâm huyết dành cho loại hình nghệ thuật này cũng như trí lực của người Bình Dương, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều hơn nữa những sáng tạo, đóng góp to lớn cho ĐCTT Nam bộ mang tên đất Bình Dương.

 THIÊN LÝ   

Chia sẻ