Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Bài 1: Thôn nữ “sập bẫy” việc nhẹ, lương cao
Lướt mạng xã hội, bé H. (SN 2008, quê Đắk Lắk) thấy một thông báo tuyển lao động phổ thông tại Bình Dương với mức lương cao nên liên hệ để xin việc. Tuy nhiên, bé H. không hề biết rằng bản thân đã trở thành “con mồi” của đối tượng đi “săn” thôn nữ để bán cho cơ sở massage kích dục.
Bé L. vẫn còn ám ảnh mỗi khi nhắc lại chuyện bị lừa bán vào cơ sở massage “trá hình”
“Giăng bẫy” thôn nữ
Đến nay, bé H. vẫn còn run sợ khi nhắc lại chuyện mình bị kẻ xấu bán vào cơ sở massage “trá hình” ở TP.Thuận An. Được sự động viên của P.V, bé H., kể lại câu chuyện của mình với mong muốn để nhiều người cảnh giác trước các thủ đoạn hết sức xảo quyệt của đối tượng buôn bán người.
Theo H., sau khi nhìn thấy mẫu tin tuyển dụng lao động trên mạng xã hội, em đã liên hệ với người đăng tuyển là Dũng và được giới thiệu làm công việc bưng bê, pha chế với mức lương 8 triệu đồng/ tháng tại Bình Dương. Tin tưởng Dũng, H. rủ thêm một bạn cùng thôn đón xe khách từ huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) xuống Bình Dương nhận việc.
Khi đến Bình Dương, H. cùng bạn được đối tượng Dũng đón về một nhà nghỉ tại TX.Bến Cát. Sau đó, đối tượng này đưa hai em đến TP.Thuận An và bán cho một cơ sở massage ở phường An Phú. “Khi vào cơ sở massage, con mới biết đã bị lừa. Trong đây không có công việc bưng bê, pha chế như lời ông Dũng đã hứa hẹn mà là massage kích dục cho khách có nhu cầu. Sau khi mua con, chủ cơ sở massage tịch thu điện thoại của con và yêu cầu phải “chiều” khách, nếu không sẽ bị đánh. Quá lo sợ, con phải giả vờ làm theo yêu cầu của chủ cơ sở massage. Làm được một thời gian, chủ cơ sở massage thấy con nghe lời nên đã trả lại điện thoại. Ngay sau đó, con đã gọi điện cho gia đình kể lại sự việc và được lực lượng chức năng giải cứu”, bé H. nhớ lại.
Một người bạn của H. là bé L. (SN 2009, quê Đắk Lắk) cũng khăn gói theo H. xuống Bình Dương để nhận việc với mong muốn kiếm thu nhập phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, chuyến đi này đã khiến bé L. “tởn” đến nay. “Sau khi nghỉ học, con ở nhà nên muốn kiếm việc làm phù hợp để phụ giúp gia đình. Khi bạn H. rủ con xuống Bình Dương làm bưng bê, pha chế có lương cao nên con đi theo. Khi bị đưa vào cơ sở massage làm thì con mới vỡ lẽ là mình bị bán. Chủ cơ sở tịch thu điện thoại, giam lỏng con cùng mấy bạn trong phòng và luôn có người canh chừng. Họ đe dọa con phải kích dục cho khách đến massage, nếu đồng ý làm thì được chia từ 20.000-30.000 đồng/khách. Lúc này, con phải giả vờ làm theo yêu cầu của họ để chờ cơ hội trốn ra ngoài”, bé L. nhớ lại.
Từ thông tin mà bé H. và L. cung cấp, cơ quan chức năng đã bắt giữ Nguyễn Văn Thương (SN 1992, ngụ Bình Dương) về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi. Thương chính là đối tượng xưng tên Dũng đã đăng tuyển “việc nhẹ, lương cao” trên mạng xã hội và bán bé H., L. cùng một số thiếu nữ khác vào cơ sở massage ở TP.Thuận An.
Nguyễn Văn Thương lập trang thông tin đăng tuyển lao động, việc làm nhẹ, lương cao trên Facebook để lừa gạt những thiếu nữ nhẹ dạ
Theo một cán bộ điều tra thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, đối tượng Thương đã lập một trang tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội Facebook và mua từ khóa tìm kiếm trên internet với mục đích đưa những thông tin đăng tuyển của mình luôn xuất hiện đầu tiên khi có người tìm và không bị “trôi” theo thời gian. Đây là cách giúp Thương tiếp cận được nhiều “con mồi” tiềm năng, nhất là những thiếu nữ ở vùng quê có nhu cầu tìm việc.
Từ tháng 1 đến tháng 8-2023, Công an tỉnh Bình Dương đã phát hiện, bắt giữ và khởi tố 5 vụ với 29 đối tượng mua bán người, chủ yếu là mua bán vào các cơ sở massage. |
Tội phạm mua bán người gia tăng
Thiếu tá Võ Văn Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, cho biết qua công tác điều tra, xử lý tội phạm mua bán người cho thấy thủ đoạn chung của đối tượng là tạo vỏ bọc giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động… với mức lương cao trên các trang mạng xã hội để lừa những thiếu nữ ở vùng nông thôn các tỉnh miền Tây Nam bộ và Tây nguyên.
Sau khi dụ dỗ được các cô gái, đối tượng bán cho cơ sở massage, karaoke như một “món hàng”. Mua được người, chủ cơ sở massage, karaoke yêu cầu các cô gái phải ký giấy vay nợ và phải ở lại làm việc để trừ lại số tiền trên. Đáng nói là sau khi nhận vào làm việc, các cô gái có thể bị giam giữ, giám sát mọi hoạt động đi lại, không cho sử dụng điện thoại di động, thậm chí bị đe dọa, cưỡng bức lao động, cưỡng bức các hoạt động tình dục khác…
Theo Thiếu tá Võ Văn Sơn, từ sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, tình hình tội phạm mua bán người, nhất là nạn nhân dưới 16 tuổi gia tăng so với giai đoạn trước năm 2021. Nguyên nhân là do tình hình kinh tế khó khăn, khiến nhu cầu tuyển dụng lao động giảm đáng kể, trong khi nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, giảm giờ làm. Nhiều người dân tại những vùng sâu, vùng xa ở các tỉnh Tây Nam bộ, Tây nguyên chưa nhận thức rõ về tội phạm mua bán người, nhất là những thiếu nữ đã nghỉ học từ sớm, không có việc làm nên dễ trở thành “con mồi” của tội phạm mua bán người.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở karaoke, massage luôn có nhu cầu tuyển nhân viên mới để lôi kéo khách hàng, nhưng gặp khó khăn về nguồn tuyển tại địa phương nên liên kết các đối tượng môi giới “săn tìm” những cô gái trẻ vùng quê. Thậm chí một bộ phận chủ cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự xem con người như loại hàng hóa để trao đổi, có yếu tố của dấu hiệu tội phạm mua bán người.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bình Dương, cho biết một số trẻ em gái tại các tỉnh bị dụ về Bình Dương là những trường hợp các em không hiểu biết, tự lên mạng tìm việc, hỏi thăm và thậm chí là trốn cha mẹ để đi làm trong khi chưa đủ tuổi. Khi vào làm công việc không đúng như lời hứa và bị đe dọa nên tìm cách gọi về gia đình cầu cứu. Cũng theo ông Nguyễn Thanh Phương, người tìm việc cần chú ý những công ty có nhu cầu tuyển lao động sẽ công khai thông tin và không tuyển người khi chưa đủ tuổi, nếu tuyển phải có người giám hộ. (còn tiếp)
Theo số liệu của Bộ Công an, giai đoạn 2018- 2022, cả nước phát hiện 440 vụ, với 876 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người với 1.240 nạn nhân. Nếu như trong giai đoạn trước đây, từ 2012-2020, tội phạm mua bán người chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài (chiếm trên 85% số vụ) thì gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước (riêng năm 2022, số vụ mua bán trong nước chiếm trên 45% tổng số vụ). Nạn nhân của tội phạm mua bán người chiếm 73% là phụ nữ. Gần đây mua bán nam giới có xu hướng gia tăng. Mục đích phạm tội được xác định như để bóc lột tình dục, để cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hay vì mục đích vô nhân đạo khác. Các thủ đoạn phổ biến hiện nay như lợi dụng môi giới hôn nhân, lợi dụng việc môi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài và thủ đoạn khác… |
N.HẬU - Q.ANH