| 28-10-2022 | 08:24:45

Ngành gỗ vượt khó, giữ vững thị trường

Vượt lên những khó khăn thách thức, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sản phẩm từ gỗ tìm mọi phương án, nỗ lực giữ được thị trường, duy trì hoạt động, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế địa phương.

 Sản xuất tại Công ty gỗ Nhật Nam (TX.Bến Cát)

 Nhận diện thực tế

Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), mặc dù kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng trở lại trong những tháng gần đây nhưng ảnh hưởng của lạm phát, những bất ổn về kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ và sản phẩm gỗ nói riêng. Về nguyên liệu, hiện nay nguồn cung trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 75% tổng nhu cầu chế biến, bao gồm khai thác rừng trồng và khai thác cây trồng phân tán, gỗ cao su.

Tất cả những yếu tố cả nội tại lẫn từ bên ngoài, đã đặt ra cho ngành gỗ và DN thách thức lớn, vừa giải quyết các vấn đề chất lượng, đáp ứng đơn hàng đang có, vừa phải gia tăng năng suất, chất xám... để giữ và tìm kiếm khách hàng mới. Hơn hết là DN ngành gỗ phải linh hoạt để đón đầu những thay đổi trong tương lai, hòa nhịp xu thế phát triển bền vững, mà nổi bật là nguyên liệu và công nghệ.

Một yếu tố thuận lợi là thời gian qua ngành chế biến gỗ đã nhận được sự ủng hộ, đồng hành rất lớn từ cơ quan quản lý nhà nước từ việc áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ vay vốn để các DN đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa. Tuy nhiên, để ngành nghề này thực sự phát triển, ngoài chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, DN cần nỗ lực hơn nữa để tăng giá trị sản phẩm, nâng cao chất lượng, phát triển thêm nhiều sản phẩm mới từ gỗ... trong thời gian tới.

Với sự lên ngôi của xu hướng tự động hóa sản xuất, giảm số lượng lao động trực tiếp, thay thế bằng công nghệ máy móc, DN gỗ tại Bình Dương ngày càng định hướng được dòng sản phẩm sản xuất theo hướng chuyên môn hóa. Thời gian qua, BIFA cũng liên tục tổ chức các hội thảo chia sẻ kiến thức trong lĩnh vực chuyển đổi công nghệ - xu hướng tự động hóa trong sản xuất, giải pháp thông minh cho ngành công nghiệp gỗ trong kỷ nguyên số và nguyên liệu gỗ cùng ứng dụng thực tế trong thiết kế nội thất. Ông Nguyễn Phúc, Phó Chủ tịch BIFA, cho rằng với kinh nghiệm làm việc với hàng trăm DN sản xuất tại Việt Nam nói chung và ngành gỗ nói riêng, chuyển đổi số đang là hoạt động cấp bách được khuyến khích và ưu tiên hàng đầu. Trong 2 năm dịch bệnh Covid-19, chuyển đổi số giúp các DN gỗ giảm 10% chi phí, tăng trưởng từ 10 - 20% doanh thu và tăng hơn 20% năng suất lao động. Các DN cho rằng chuyển đổi số là xu hướng ảnh hưởng mạnh mẽ tới năng lực cạnh tranh cốt lõi của DN trong thời gian tới.

Xuất khẩu viên nén khởi sắc

Trong 9 tháng năm 2022, số lượng DN gỗ xuất khẩu viên nén tăng mạnh. Nhu cầu về mặt hàng viên nén trên thế giới đang tăng, đặc biệt tại thị trường EU. Ngành viên nén cũng đang đứng trước cơ hội lớn trong việc mở rộng sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Liêm đánh giá, hiện còn một số yếu tố có thể tác động trực tiếp đến tính bền vững của ngành. Điều này đòi hỏi các DN trong ngành và các cơ chế chính sách hiện hành cần có sự điều chỉnh.

Cụ thể, nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào có vai trò quan trọng nhất đối với sự lớn mạnh của ngành. Nguồn nguyên liệu hiện tại của ngành chủ yếu là các phế phụ phẩm từ các cơ sở chế biến gỗ. Tuy nhiên, nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào đang phải cạnh tranh khốc liệt với nguyên liệu của ngành dăm. Nhiều DN viên nén, đặc biệt là các DN có các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết từ trước và không có khả năng thay đổi giá xuất khẩu không cạnh tranh được với các DN gỗ dăm về nguyên liệu. Điều này dẫn tới một số DN viên nén phải hạn chế sản xuất.

Trong bối cảnh thiếu nguyên liệu đầu vào, mở rộng mạng lưới thu mua nguyên liệu là giải pháp ngắn hạn của DN nhằm duy trì các hoạt động sản xuất, đáp ứng các đơn hàng đã ký kết từ trước. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn một số rủi ro trong việc kiểm soát chuỗi cung, bao gồm cả việc kiểm soát rủi ro của nguồn nguyên liệu đầu vào có liên quan tới các hoạt động gây tổn hại tới rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua Chính phủ có những động thái xem xét về việc áp dụng thuế xuất khẩu viên nén (hiện đang ở mức 0%). Các yếu tố này đang tác động trực tiếp tới thực trạng sản xuất, kinh doanh của các bên tham gia chuỗi cung viên nén hiện nay.

Xu hướng tiêu thụ viên nén tại các thị trường lớn trên thế giới cho thấy trong tương lai các thị trường này sẽ đòi hỏi nguồn viên nén sử dụng gỗ nguyên liệu đầu vào có chứng chỉ bền vững. BIFA cũng khuyến nghị, các DN cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường và chuẩn bị cho việc đáp ứng các đòi hỏi này của thị trường.

 TIỂU MY

Chia sẻ