| 14-06-2024 | 08:10:10

Ngành ngân hàng: Triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Dù đã rất nỗ lực nhưng tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm 2024 của hệ thống ngân hàng tại Bình Dương chỉ đạt 1,33% so với thời điểm đầu năm 2024. Ngành ngân hàng đang tiếp tục mở rộng nguồn cung tín dụng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh (SXKD) và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Ngành ngân hàng đang khẩn trương triển khai các giải pháp phục vụ hoạt động tín dụng. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại BIDV - Chi nhánh Bình Dương

 Tăng trưởng chậm

Theo chia sẻ của bà Trương Thị Thúy Liên, Tổng Giám đốc Công ty Giày da Liên Phát, thời gian trước dù doanh nghiệp (DN) muốn vay với lãi suất cao các ngân hàng cũng khó giải quyết bởi cạn room tín dụng. Hiện nay tình hình khác hẳn, ngân hàng tìm người cho vay, thủ tục vay và việc giải ngân cũng dễ dàng, lãi suất vay cũng giảm hơn so với thời gian trước, chỉ còn khoảng 6%/năm, tuy nhiên DN lại ngại vay. “Chúng tôi không vay thêm, thậm chí còn đang tìm cách thanh lý bớt tài sản để giảm bớt gánh nặng nợ ngân hàng. Trong tình trạng khó khăn, DN phải tìm cách tiết giảm nhiều chi phí, trong đó có chi phí lãi vay ngân hàng”, bà Trương Thị Thúy Liên cho biết thêm.

Từ thực tế nhiều yếu tố đầu vào, chi phí SXKD cao, nhiều DN không có nhu cầu vay vốn khiến đầu ra tại các tổ chức tín dụng tăng thấp. Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc BIDV - Chi nhánh Bình Dương, cho biết: “Hiện mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng đều rất thấp, các gói kích thích cho vay đều đã tung ra ở mức lãi rất ưu đãi. Tuy vậy, 5 tháng qua tổng tín dụng hầu như không tăng trưởng so với đầu năm 2024”. Ông Linh cho rằng việc tăng tốc cho vay ngay từ thời điểm này là hết sức quan trọng, giúp ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng 14% như chỉ tiêu đề ra vào cuối năm nay.

Tại Vietcombank Bình Dương, tổng dư nợ tín dụng tăng 4,9%, các ngân hàng thương mại khác tín dụng tăng thấp, thậm chí tăng trưởng âm. Tổng dư nợ tín dụng trên toàn địa bàn tỉnh trong 5 tháng đầu năm 2024 là 331.980 tỷ đồng, tăng 1,33% so với đầu năm 2024. Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Đẩy mạnh hỗ trợ vốn

Theo lý giải của các ngân hàng thương mại, trong 5 tháng qua, kinh tế trong nước và trên thế giới gặp rất nhiều khó khăn đã tác động mạnh mẽ đến SXKD của DN. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay hiện đang rất thấp, nhiều ngân hàng cho vay mua nhà với lãi suất chỉ 5,9%/năm, cho vay DN ở mức 6-9%/năm, tùy kỳ hạn, chương trình. Ngoài ra, đối với những khách hàng có phương án SXKD khả thi, xếp hạng tín dụng tốt đều được hưởng lãi suất ưu đãi hơn so với vay thông thường. Vì vậy, lãi suất vay không còn là vấn đề đau đầu như những năm trước đây. Tuy nhiên, do nhu cầu vốn cho sản xuất của nhiều DN rất thấp khiến tổng cung tín dụng thấp.

Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Vietcombank Bình Dương, cho biết nếu so với bình quân chung của cả tỉnh, trong 5 tháng đầu năm Vietcombank Bình Dương vẫn có mức tăng trưởng khá. Tuy nhiên, trong thời điểm kinh tế khó khăn, một số khách hàng truyền thống thu gọn sản xuất, nhu cầu sử dụng vốn vay giảm, phần nào đã ảnh hưởng tới mức tăng trưởng tín dụng.

Cũng theo ông Nguyễn Thái Minh Quang, hiện tình hình kinh tế đang có những tín hiệu khởi sắc trở lại, DN ngành giày da, may mặc, gỗ đã có đơn hàng mới, nhu cầu vốn tín dụng sẽ chuyển biến tốt hơn. Vietcombank Bình Dương tiếp tục kết nối với các đơn vị có liên quan trong việc phát triển các khách hàng mới, khách hàng tiềm năng, trực tiếp hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay, nhanh chóng giải ngân vốn, thúc đẩy tăng tín dụng.

Tương tự, ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc BIDV - Chi nhánh Bình Dương, cho rằng từng DN, từng lĩnh vực sản xuất gặp nhiều khó khăn rất khác nhau. Tuy vậy, từng dự án, từng lĩnh vực cũng có những lợi thế khác nhau. Vì vậy, ngân hàng sẽ tiếp tục rà soát lại danh sách khách hàng hiện hữu để tư vấn, tìm hướng đầu tư theo hướng phát triển tốt nhất. Bên cạnh đó, ngân hàng xây dựng chương trình kế hoạch, chủ động tiếp cận khách hàng mới nhằm thúc đẩy tín dụng tăng trưởng nhanh hơn.

Thông tin từ một số tổ chức tín dụng cho biết đang khẩn trương hơn trong việc đẩy nhanh các giải pháp cho hoạt động tín dụng, nỗ lực hơn nữa để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra cho năm 2024. Một trong những giải pháp căn cơ là thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN, chủ động phối hợp với các địa phương để trao đổi, đối thoại, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong cung ứng vốn.

 Ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương, cho biết trong 6 tháng cuối năm, để nâng cao mức tăng trưởng tín dụng, Chi nhánh NHNN tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng, giải ngân vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn cho SXKD. Các ngân hàng cần đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng phù hợp từng phân khúc khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu SXKD để đẩy nhanh tiến độ giải ngân với các dự án có vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội tại địa phương.

THANH HỒNG

Chia sẻ