Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
“Lá lành đùm lá rách” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ xưa tới nay. Và nó đang được thực hiện trong thời điểm khó khăn khi cả nước phải gồng mình để đối phó với dịch bệnh Covid-19. Những việc làm sẻ chia, đầy nghĩa tình của người dân Bình Dương trong những ngày qua thật trân quý biết bao.
Bà Trần Thị Kim Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh (phải) cùng bà Lê Thị Hạnh (trái), chủ hệ thống cửa hàng nông sản, thức ăn nhanh Hạnh Nguyên khui thùng Tâm để ủng hộ Ban tiếp nhận ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và bà con bị thiên tai hạn hán
Chia sẻ tình thương
Hay tin ông Trần Trọng Phương, năm nay 92 tuổi ủng hộ cho Quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh 2 triệu đồng, ai ai cũng vô cùng cảm động. Một cán bộ cách mạng lão thành tuổi cao, lẽ ra xã hội phải có trách nhiệm chăm lo cho ông, nhưng ông Phương lại có hành động vô cùng ý nghĩa.
Chúng tôi tìm đến nhà ông trong con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Văn Lũy (TP.Thủ Dầu Một). Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 là một cụ già đi đứng khó khăn, phải nhờ vào chiếc xe đẩy để làm chân. Ở tuổi ngoài 90 nhưng trông ông rất minh mẫn, toát lên gương mặt phúc hậu, hiền từ. Ở tuổi về chiều, ông mang nhiều căn bệnh của người già như huyết áp, tiểu đường, tim mạch, tuyến tiền liệt... với đồng lương hưu hơn 8 triệu đồng mỗi tháng, chỉ đủ để lo thuốc thang hàng tháng cho ông. Nhưng với bản chất của người lính, ông luôn hướng về đồng bào, lo lắng cho những mảnh đời khó khăn.
“Qua tivi tôi theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh hàng ngày. Tôi thật cảm động khi thấy những người ở tuyến đầu như y bác sĩ, công an, quân đội đã ngày đêm cật lực phòng, chống dịch bệnh. Và cũng qua theo dõi tin tức, tôi thấy có nhiều người cuộc sống rơi vào khó khăn vì bị ảnh hưởng của đại dịch. Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn, theo tôi mỗi người chỉ cần thắt lưng, buộc bụng một chút chia sẻ với người khó khăn hơn mình, sẽ giúp cho người nghèo vơi đi nỗi cực nhọc. Riêng tôi, tết vừa qua được con cháu mừng tuổi “ấm túi” nên tôi dùng số tiền ấy để hỗ trợ cho Quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh”, ông Phương bày tỏ.
Ông Trần Trọng Phương bên người vợ của mình
Thật trân quý biết bao những người có tấm lòng nhân ái. Số tiền ông ủng hộ tuy không lớn, nhưng chứa đựng trong ấy là tình cảm, sự sẻ chia đối với những người nghèo trong khó khăn hoạn nạn. Vốn là người có tấm lòng nhân ái, ngày trước khi còn công tác ở huyện Lộc Ninh (Bình Phước), hễ thấy có ai khó khăn là ông sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ, nên được mọi người yêu quý. Tại nơi ông Phương sinh sống, hàng xóm cũng dành cho ông tình cảm quý mến, kính trọng. Một gia đình là hàng xóm của ông vẫn nhớ như in, những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, gia đình ông Phương đã giúp sức, tạo cơ hội làm ăn, để họ có thêm thu nhập, nuôi 2 con ăn học. Ân tình đó mãi in sâu trong ký ức của người hàng xóm ấy.
Không nghĩ cho riêng mình, luôn hướng về đồng bào, đó chính là biểu trưng tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ. Quay ngược lại dòng thời gian, trước đây ông Phương từng tham gia kháng chiến chống Pháp, sau đó là chống Mỹ. Ông tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường như: Tây nguyên, Tây Bắc, Bình Phước... với những đóng góp ấy, ông được Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất và Huân chương Lao động hạng ba. Hòa bình lập lại, ông Phương tiếp tục cống hiến sức mình, xây dựng quê hương Sông Bé trước đây và sau đó là Bình Phước. Trước khi về hưu vào năm 1992, ông là Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh.
Góp một phần nhỏ cho cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh
Trong những ngày 13 đến 15-4, trước cửa nhà hàng Hạnh Nguyên (số nhà 15, đường Ngô Gia Tự, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) vào buổi sáng xuất hiện điểm bán đồ ăn, thức uống. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, nơi đây chỉ bán cho khách mang về và giao hàng trực tiếp tại nhà. Nhà hàng dùng toàn bộ số tiền bán được trong 3 ngày này để ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Dù nơi đây chỉ bán nông sản, thực phẩm, thức ăn nhanh... nhưng khách hàng của Hạnh Nguyên đều rất sẵn lòng, không phân biệt độ tuổi, giai cấp, quốc tịch, những cháu bé, người lao động nghèo, người ngoại quốc... sử dụng dịch vụ mua đồ ăn thức uống cho bữa sáng của mình tại Hạnh Nguyên. Khi trả tiền cho thức ăn, những khách hàng này sẵn sàng bỏ thêm tiền vào thùng vì biết toàn bộ doanh thu bán đồ ăn, thức uống trong 3 ngày (từ 13 đến 15-4) Hạnh Nguyên sẽ mang đi ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh, nhân viên Hạnh Nguyên cũng không trực tiếp thu tiền của khách hàng mà để khách hàng trực tiếp gửi tình cảm, tấm lòng của mình vào thùng Tâm được đặt ở vị trí riêng biệt. Thùng Tâm có ý nghĩa “Chung tay chống dịch - Đẩy lùi thiên tai”, mà Hạnh Nguyên đặt tên cho nhằm góp phần chia sẻ khó khăn với những người bị ảnh hưởng, mất việc làm do dịch bệnh Covid-19 và bà con nông dân bị mất mùa bởi hạn hán, xâm nhập mặn ở miền Tây.
Dù hoạt động chỉ trong 3 ngày nhưng giá trị đạt được bởi sự lan tỏa, chung tay của mọi người, từ nhân viên đang làm việc tại chuỗi Hạnh Nguyên đến khách hàng gồm nhiều tầng lớp trong xã hội, ngay cả các cán bộ công nhân viên làm việc tại các công ty trong Khu công nghiệp VSIP không có điều kiện tới mua hàng trực tiếp thì cũng đã đặt hàng qua điện thoại để nhân viên Hạnh Nguyên trực tiếp đi giao hàng.
Đúng là trong lúc khó khăn lại càng thấy được nhiều hình ảnh ấm áp. “Khi nghe Hạnh Nguyên có thực hiện việc làm ý nghĩa nhân văn này, tôi và một số bà con là lao động nghèo cũng đã đến mua đồ ăn sáng để bỏ ít tiền vào thùng Tâm. Tôi muốn chia sẻ một phần nhỏ từ tấm lòng trong công tác phòng, chống dịch bệnh”, bác Tư làm nghề thợ hồ cho biết. Cảm động hơn, trong những ngày bán thức ăn để thực hiện công việc thiện nguyện, có cả những em nhỏ dành số tiền mừng tuổi ít ỏi trong dịp tết vừa qua để góp vào thùng Tâm. Những hành động đó không gì khác là trách nhiệm, là tình cảm, là sự sẻ chia với cộng đồng.
Sau 3 ngày thực hiện việc nghĩa này, chiều 15-4, bà Lê Thị Hạnh, chủ hệ thống cửa hàng nông sản, thức ăn nhanh Hạnh Nguyên cùng nhân viên đã mang thùng Tâm đến Ban tiếp nhận ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và bà con bị thiên tai hạn hán tỉnh cùng khui thùng để đóng góp số tiền quyên góp được. Toàn bộ số tiền hơn 9 triệu đồng đã được bàn giao cho Ban tiếp nhận. “Tôi hy vọng số tiền đóng góp của Hạnh Nguyên dù không lớn, song sẽ góp một phần nhỏ cùng Nhà nước thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covi-19”, bà Hạnh cho biết.
“Bầu ơi thương lấy bí cùng...”, giữa bối cảnh đồng bào trong nước đối phó dịch bệnh Covid-19 còn không ít khó khăn, muôn tấm lòng vàng đang hướng về chia sẻ tới người dân, khu vực chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh do Covid-19 thật đáng trân trọng. “Tương thân tương ái” - đó là vẻ đẹp đậm rõ thể hiện qua sự chung tay cùng Nhà nước sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, để cuộc sống trở lại thường nhật.
Tiếp nhận tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp này, bà Trần Thị Kim Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chân thành tri ân những đơn vị, cá nhân đã ủng hộ, hỗ trợ để góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 luôn trong thế chủ động. Bà Lan cũng tiếp tục kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp bằng tình cảm và trách nhiệm của mình tiếp tục chung sức, đồng lòng và tích cực tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên tinh thần “Ai có tiền góp tiền, ai có hiện vật góp hiện vật, ai có ý tưởng góp ý tưởng”, như lời Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi. |
ÁNH SÁNG