| 07-09-2021 | 08:06:56

Người “bắt” đất khó phải… nở hoa

 Ước mơ lớn trong đời ông là được một lần đến thủ đô, được vào lăng viếng Bác, tận mắt nhìn thấy hồ Gươm... nhưng thời gian cứ cuốn ông theo cây trái, ruộng vườn. Cái ngày bước qua tuổi 60, ông bất ngờ nhận tin vui từ chính quyền địa phương, được đi Hà Nội nhận bằng khen của Thủ tướng về nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Thế là nhiều đêm trằn trọc, mất ngủ, hình ảnh về thủ đô xinh đẹp chập chờn đi vào giấc mơ khi chợp mắt…

 Ông Nguyễn Văn Tỵ, ấp Suối Cát, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, bên vườn cây măng cụt xanh mướt hàng chục năm tuổi của gia đình

 Cây đặc sản trên vùng “đất chết”

Chuyến đi ấy để lại trong ông Nguyễn Văn Tỵ (ấp Suối Cát, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng) rất nhiều kỷ niệm khó quên. Đó còn là niềm tự hào mỗi khi ông trò chuyện, nhắc lại với con cháu về việc làm vườn, trồng cây măng cụt nơi mảnh đất mà nhiều người từng cho là “đất chết”. Đứng trong khu vườn măng cụt xanh mướt hàng chục năm tuổi, trĩu quả của gia đình đang vươn lên trước gió, trên gương mặt sạm đen vì rám nắng, dầm sương, bao năm tần tảo, vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, ông Tỵ nở nụ cười đầy hạnh phúc, kể: “Đất này sát sông Sài Gòn nên pha cát hơi nhiều. Ngày trước có người bảo là “đất chết” vì chẳng ai trồng trọt được gì; trồng lúa hay hoa màu cũng không cho thu nhập là bao vì năng suất rất kém. Nhưng tôi lại nghĩ khác, trong đất này có lượng phù sa, có đủ dinh dưỡng. Mình phải tìm loại cây thích hợp thì sẽ cho năng suất cao. Cô thấy đó, bây giờ vườn nhà nào cũng măng cụt, cả bến sông ngập tràn cây măng cụt. Hiện nay, trên diện tích hơn 1ha, mỗi năm tôi thu hoạch được 5 tấn măng, bình quân thu nhập trên dưới 300 triệu/năm. Thật vui mừng và tự hào hơn, khi sản phẩm măng cụt của người nông dân Thanh Tuyền nói riêng và huyện Dầu Tiếng nói chung được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Dầu Tiếng”. Măng cụt đã trở thành sản phẩm đặc sản của vùng quê Thanh Tuyền chúng tôi”.

Đúng như lời ông Tỵ, nếu cách đây 15 hay 20 năm trước, ai từng đến bến sông này, sẽ còn đó những kỷ niệm về những cánh đồng sình lầy bỏ hoang cho cỏ mọc, bà con nông dân Thanh Tuyền vẫn loay hoay, chưa tìm ra giải pháp canh tác cho mảnh đất của mình. Khi nhìn vườn măng cụt của ông Tỵ ngày một cao xanh, sum suê trái ngọt, họ giật mình nhìn lại rồi bảo nhau: “Cái ông hâm này đã đi đúng hướng”. Ngày qua ngày, có người tìm đến ông trò chuyện, học cách trồng măng mỗi lúc mỗi đông.

Tuy nhiên, thành quả nào cũng vậy, không phải tự dưng mà đến. Đó là sự đánh đổi to lớn bằng bao mồ hôi, công sức. Có ai biết được ông đã cọc cạch bao nhiêu vòng xe đạp đến hết các vườn măng từ Bình Nhâm đến Hưng Định rồi vòng qua Thạnh Lộc (quận 12, TP.Hồ Chí Minh)... “Lúc đầu không ít chủ vườn trò chuyện qua loa, nhưng sau nhiều lần lui tới, họ thấy tôi nghèo mà yêu cây nên thương, truyền đạt hết kỹ thuật trồng. Cũng có người am hiểu vùng đất sát mép sông thường pha cát, sình lầy, nên hiến kế dù họ chưa từng trồng cây măng trên vùng đất đó bao giờ”, ông Tỵ nói.

Đó là chưa kể những khó khăn về cơm áo, gạo tiền, chạy cái ăn mỗi ngày còn khó, thì lấy đâu ra tiền để mua cây giống, phân bón. Cách làm của ông cũng như bao người thuần nông khác, lấy ngắn nuôi dài. Năm đầu gom hết tiền mua được vài chục gốc măng, năm sau lại mua thêm vài chục gốc khác. “Có một chủ vườn ở Thạnh Lộc biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi, nên bán thiếu một lúc cả trăm gốc rồi trả tiền dần. Cái ơn của họ thật lớn, dù chuyện đã qua gần 20 năm, nhưng làm sao quên được tấm chân tình ấy. Ngày đó, làm thuê cuốc mướn kiếm cái ăn cho vợ con còn khó, nên cả năm sau cũng gom chưa đủ tiền để trả, họ lại cho thiếu qua năm sau nữa. Những quả măng chín mộng đầu mùa tôi đâu dám ăn, gói làm quà rồi đạp xe qua tận bên ấy tạ ơn ân nhân. Chúng tôi đã ngồi với nhau hết buổi sáng vừa uống trà ngon, thưởng thức trái cây đặc sản vùng “đất chết” Thanh Tuyền là thấy lòng hạnh phúc vô bờ”, ông Tỵ nhớ lại.

“Sau giải phóng, gia đình tôi đến định cư ở Thanh Tuyền, là hộ nghèo nhất mảnh đất này. Một cục đất chọi chim tôi cũng không có, thì nói gì đến việc mơ có mái ấm gia đình như bao chàng trai thời đó, vì ai dám thương mình. Sau những ngày đào thuê, cuốc mướn, tôi mua được miếng đất rẻ như cho ở bên mép sông Sài Gòn. Nhiều người lúc đó họ cho tôi là người không bình thường, thậm chí có những người rất sợ ra cái nơi heo hút này mà với họ “bóng ma, nhiều hơn bóng người”. Gom được thêm chút tiền, tôi lại mua thêm, mở rộng. Ngày đó làm gì có tiền mua phân bón cho cây, tôi phải đi lượm từng túi phân bò trên đồi, xin họ dọn ruộng rồi đốt để hốt phân tro...”, ông Tỵ tâm sự.

 Bằng hệ thống dẫn thủy sáng tạo của mình, vườn cây gia đình ông Tỵ bảo đảm việc tưới tiêu quanh năm

Sáng tạo dẫn thủy nhập điền

Dẫn chúng tôi tham quan vườn măng xanh mướt, địa thế chập chùng, ông Tỵ nói: “Tuy là ở giáp mép sông, nhưng vùng đất này khác với những nơi khác, thậm chí là khắc nghiệt, khô cằn. Thủy triều có lên cao đến đỉnh, nước cũng không thể vào được ruộng đồng, mà cây măng lại rất cần nước, nhất là lúc cây còn non, khiến tôi phải gặp bao khó nhọc, đổ bao mồ hôi vào ngày đó mới lấy được nước”.

Để trồng được cây măng, ngày ông đi làm thuê kiếm tiền, tối đến đốt lửa cuốc đất, đào mương. Đã bao đêm nơi ven sông, gió lạnh, dưới ánh trăng, ông miệt mài đắp đất làm vườn. Có những mô đất cao, ông đào bằng tay cả tháng trời mới lấy được mặt bằng, lên được luống. Cứ hì hục đào, cuốc như thế năm này qua năm khác, thửa này đến thửa khác, những mương rạch trong vườn ông cũng dần hiện ra, ngang bằng với mép sông. Rồi cả những đêm ông ngồi canh con nước đến tận sáng, khi nước đã vào đủ, ông lập tức ngăn chặn để không bị ngập vườn, chết cây. Bằng kinh nghiệm cá nhân, ông biết được thủy triều nơi khu vực mình sống lên xuống giờ nào.

Tuy nhiên, cái cách ngồi canh con nước thiếu khoa học, không hợp lý khi muốn phát triển loại cây đặc sản cho một vùng đất. Nhiều đêm ông trằn trọc, vắt tay lên trán suy nghĩ, tìm cách để đưa nước vào vườn theo ý muốn mà không cần phải canh con nước thủy triều. Bao lần ông đi đi lại lại quanh khu vườn, ra nhìn ven sông, đứng trầm ngâm, suy nghĩ, cuối cùng ông đã sáng tạo khi đào thêm những con mương phụ bên những hàng cây măng. Ông đặt thêm 4 ống vọng nước nối từ mép sông đến vườn măng, mỗi ống cao 20 phân để dẫn nước từ sông vào, cho nước từ vườn thoát ra sông. Ông chia sẻ: “Để điều tiết nước hợp lý, tôi lắp đặt hệ thống ống đáy kết hợp van khóa, tùy vào thời vụ của vườn mà mình chỉ cần đóng hoặc mở van, nước sẽ được giữ lại hay xả ra. Nhờ đưa nước vào theo ý mình, nên vườn măng luôn duy trì độ ẩm vừa đủ cho cây, khiến cây có năng suất vượt trội hơn các địa phương khác”.

Bên cạnh đó, ông tận dụng những con mương để bón phân cho cây trồng. Theo đó, mỗi đợt bón phân chỉ cần xả hết nước từ mương ra, sau đó rải phân theo các con mương, phân sẽ tự ngấm xuống lòng đất, cây sẽ hấp thu tối đa lượng phân đã bón. Cách làm này đã giúp ông tiết kiệm được hàng chục triệu đồng tiền vật tư, hàng trăm ngày công lao động. Ông đã truyền đạt cách làm này đến tất cả những hộ dân trồng măng khác ở xã Thanh Tuyền và huyện Dầu Tiếng. Nhờ vậy, người nông dân ở đây đã mang lại lợi nhuận cao từ cây măng. Cũng nhờ việc dám nghĩ, dám làm, không ngại vất vả để có thành công và giúp cho nhiều nông dân khác, tháng 10-2020, ông Tỵ vinh dự là nông dân sản xuất giỏi trong tỉnh được đi Hà Nội nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

 Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tuyền: “Ngày đó, người dân nơi đây chỉ trồng cây măng cụt để ăn trái trong gia đình. Ông Tỵ là người đầu tiên của xã Thanh Tuyền đưa cây măng cụt vào trồng trên diện tích rộng, chọn làm cây chủ lực để làm giàu, phát triển kinh tế. Học tập mô hình trồng cây măng cụt cũng như cách dẫn nước theo ý muốn vào vườn cây của ông Tỵ, giờ đây nông dân Thanh Tuyền chuyển sang trồng cây măng cụt với diện tích lớn. Mô hình măng cụt của ông Tỵ cũng là mô hình tiêu biểu thành công về trồng cây măng cụt của xã nói riêng và huyện Dầu Tiếng nói chung”.

 PHƯƠNG AN

Chia sẻ