| 12-08-2011 | 00:00:00

Người dân chờ đợi đến bao giờ?

Cụm y tế gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT). Nghe qua có vẻ phi lý. Nhưng đây là nỗi bức xúc của cử tri khu phố 5 phường Phú Cường, TX.TDM. Vấn đề đã đề đạt lên các cấp HĐND đã 3 năm nay, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

  Hẻm 70, “con đường ướt mưa” ở khu phố 5, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một

“Con đường ướt mưa”

Chúng tôi đã đến gặp các hộ dân khu phố này để tìm hiểu thực hư. Ông Trần Minh Hùng, Trưởng khu phố 5, cho biết: “Đã 3 năm nay, nước thải ở phía cụm y tế đổ xuống làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, nguồn nước sinh hoạt của 60 hộ dân trong khu phố. Hầm nước thải của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (TTCSSKSS) cách hộ dân gần nhất chỉ một vài mét. Lần tiếp xúc nào với HĐND phường, thị, tỉnh, cử tri khu phố đều nêu ý kiến. Nhưng ngành y tế chỉ xử lý tạm thời bằng cách xây tường làm hàng rào, có đoạn tường đổ bê tông. Nhưng vào lúc trời mưa, nước tràn xuống nhà dân rất nhiều. Ngay khi trời nắng, nước thải từ hầm chứa bên TTCSSKSS vẫn rò rỉ chảy qua nhà dân”.

Bà Nguyễn Thị Thoa, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu phố 5, cho biết: “Bà con ở đây rất bức xúc”. Ông Hùng dẫn chúng tôi đi thực tế, chỉ cho chúng tôi xem một dòng nước bẩn đang rỉ rả chảy suốt tuyến con hẻm 70, dù hôm ấy trời không mưa. Con hẻm được bê tông hóa thông thoáng, song do nước chảy thường xuyên nên ướt át, bẩn thỉu, đóng rong rêu xanh, trơn trợt. Anh Nguyễn Văn Lộc, số nhà 70/27, nhà ở sát tường rào, cho biết: “Nước bên y tế rịn qua quanh năm, nên sân nhà tôi luôn ẩm ướt, hôi thối”. Ông Nguyễn Trí Dũng số nhà 70/10 ngay giữa hẻm, nơi dòng nước bẩn chảy ngang cho biết: “Nhà tôi trên cao không bị ngập, nhưng con hẻm đường đi chung thì trở thành mương nước thải của TTCSSKSS. Khi mưa lớn lại càng khổ, nước thoát ra cống chính ngoài đường không kịp, gây ngập lụt”.

  Bà Phạm Thị Huê đang thắp nhang tại am thờ chồng ngay bức vách ngăn giữa hầm nước thải của TTCSSKSS và nhà bà

Bức xúc nhất là hộ bà Phạm Thị Huê, số nhà 72/23, hộ ở gần hầm nước thải nhất (cách 1-2m): “Tuy bên trung tâm đã xây hàng rào. Rồi khi chúng tôi có ý kiến, họ cho thợ hồ qua bên nhà chúng tôi gia cố lại hàng rào, nhưng nước thải vẫn rịn qua. Mà cái am tôi thờ tro cốt của chồng tôi lại làm ngay trên bức tường đó...”. Bà Huê cho biết, chồng bà mất hơn 10 năm, được chôn cất ở Phan Thiết, Bình Thuận. Bà đưa hài cốt ông về và làm am cho ông ở gần vợ con được hơn năm nay. Do nhà ở phố, lại ở cuối hẻm, đâu có nhiều đất, bà phải xây cái am cho ông cặp vách tường, quay mặt vào nhà bà, để ông “nhìn” thấy vợ con. Nhưng thấy nước dơ ngày ngày rịn qua tường gần chỗ am của ông, bà đau lòng lắm...”.

Dự án triển khai chậm, không đồng bộ

Dược sĩ Ngô Tùng Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng ban Quản lý dự án (BQLDA) của sở này cho biết: “UBND tỉnh phê duyệt chủ trương giao cho Sở Y tế làm chủ đầu tư 6 dự án tại khu quy hoạch cụm y tế từ mấy năm nay (năm 2009-2010). Các dự án gồm: Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và sân vườn (CSHTKT&SV) khu cụm y tế; xây dựng mở rộng Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP), dự án TTCSSKSS, hệ thống xử lý nước thải (HTXLNT), hệ thống điện dự phòng khu cụm y tế và dự án Trung tâm phòng chống HIV/AISD”. Ông cũng cho biết nguyên nhân của việc nước mưa, nước thải gây ÔNMT: “Trong khu cụm y tế có 3 dự án có liên quan đến việc xử lý chất thải (XLCT) gây ÔNMT trong khu vực. Đó là dự án CSHTKT&SV và HTXLNT khu cụm y tế, đang chờ thẩm định phê duyệt dự án, dự kiến đấu thầu, khởi công xây dựng vào quý 1-2012. Song còn dự án mở rộng TTCSSKSS, bà con cử tri khiếu kiện gây ÔNMT, thì trước mắt dự án này vẫn chưa thể triển khai cùng lúc với 2 dự án trên. Việc nước tràn sang dân gây ÔNMT là do khu đất phía sau trung tâm hiện rất thấp, nên nước mưa của cả cụm y tế đều tập trung về đây một lượng lớn và tràn sang nhà dân. Để khắc phục, Sở Y tế đã chấp thuận cho trung tâm xây dựng bờ kè và hàng rào tiếp giáp với nhà dân nhằm hạn chế lượng nước mưa chảy qua nhà dân. Còn về nước thải chảy xuống hầm tự thấm”.

Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc TTCSSKSS cho biết nguyên nhân của việc triển khai dự án chậm trễ rằng: “Theo BQLDA của sở, gói thầu thiết bị vật tư y tế (TBVTYT) phải làm đồng thời với gói thầu mở rộng trung tâm giai đoạn 2. Mà do BQLDA báo chậm, chúng tôi chưa làm kịp gói thầu TBVTYT...”.

Về việc xử lý nước thải, bác sĩ Thủy cho biết: “Trung tâm đã xây 2 hầm: một là hầm nước thải y tế, một là hầm nước giặt giũ, nước thải. Chúng tôi đã hợp đồng với Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường, thu gom chất thải y tế nguy hại, rác thải sinh hoạt, kèm theo nước thải y tế nguy hại. Còn nước thải giặt giũ cũng đã được khử nhiễm bằng Cloramin B và cho chảy xuống hầm tự thấm. Còn mưa lớn thì dù đã làm rào chắn bằng bê tông, rồi bằng gạch xây, nước vẫn ngấm qua tường rào”.

“May mà không đổ tường”!

Ngày 6-7-2011, Sở Tài nguyên và Môi trường đã góp ý chuyên ngành công nghệ XLNT của Bệnh viện Y học dân tộc (BVYHDT) và khu cụm y tế: “Do BVYHDT và khu cụm y tế nằm trong khu vực đô thị, đông dân nên cần xác định cụ thể diện tích bố trí, vị trí xây dựng HTXLNT, từ đó đánh giá khoảng cách từ HTXLNT đến khu vực xung quanh, bảo đảm tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng. Làm rõ phương án thu gom nước thải từ các khu cụm y tế về trạm XLNT tập trung”.

  Nước thải do thân nhân sản phụ giặt giũ chảy xuống sân sau, rồi xuống hầm tự thấm

Nhưng do các dự án vẫn chưa triển khai xây dựng, chưa có HTXLNT, nên nước mưa, nước thải của TTCSSKSS và của cả Sở Y tế hiện đang chảy “tự nhiên” xuống hầm của TTCSSKSS. Và từ đây nước cũng tự nhiên rò rỉ qua tường rào qua nhà dân. Tại cuộc họp giải quyết việc nước mưa, nước thải của cụm y tế gây ÔNMT, ngày 13-7-2011, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị đã chỉ đạo: “Các dự án trong cụm y tế đều đã được UBND tỉnh phê duyệt cách đây trên dưới 2 năm, nhưng do tiến độ thực hiện các dự án quá chậm, cơ sở vật chất các đơn vị vừa xuống cấp, lại vừa gây ÔNMT. Liên quan đến khiếu kiện của dân, để giải quyết dứt điểm ÔNMT trong khu vực, về lâu về dài, vẫn là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Trước hết, cần xem lại trách nhiệm thuộc về ai. Cho dù tư vấn chậm, trách nhiệm chính vẫn là chủ dự án, trước hết là Giám đốc sở, BQLDA. Các ngành chức năng cần tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trong cụm y tế. Còn về việc giải quyết ÔNMT, trên thực tế TTCSSKSS vừa nhận lượng nước mưa của chính đơn vị mình trên diện tích 2.000m2, còn nhận luôn cả lượng nước mưa của cả Sở Y tế trên diện tích 3.000m2. May mà đã không đổ tường! Trước mắt Sở Y tế cần xây bờ kè hoặc hầm chứa nước mưa, nước thải của đơn vị mình, không để chảy qua TTCS SKSS. Còn TTCSSKSS thì xây hầm chứa và trạm bơm. Đồng thời gia cố bờ tường, hạn chế nước chảy qua nhà dân đến mức thấp nhất. Người dân trong khu vực cũng cần phối hợp, dẫn nước mưa chảy ra cống, không để ngập gây ảnh hưởng đời sống sinh hoạt, mỹ quan đô thị”.

TTCSSKSS đã “lỡ chuyến đò” trong việc triển khai dự án mở rộng trung tâm, do gói thầu TBVTYT triển khai chậm. Kéo theo hệ lụy ÔNMT đô thị kéo dài, ảnh hưởng dân sinh xã hội. Dĩ nhiên trong thời gian chờ đợi, trước mắt, lãnh đạo Sở Y tế, TTCSSKSS sẽ phải cấp bách thực hiện các biện pháp, dù là biện pháp tình thế, để xử lý nước mưa, nước thải theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Nhưng phải chờ đến bao giờ? Mong lãnh đạo Sở Y tế và TTCSSKSS sớm trả lời câu hỏi này của dân ở đây, sự bức xúc do ÔNMT của dân là điều chính đáng.

BẢO ANH

 

Chia sẻ