| 18-10-2011 | 00:00:00

Người đưa đò ở “bến tri ân”

Sau khi tìm thấy mộ của anh trai và đồng đội, anh Nguyễn Sỹ Hồ trăn trở tìm cách xác định ADN để tìm ra tên tuổi chính xác cho họ. Khi kết quả xét nghiệm thành công cũng là lúc anh xác định tiếp tục hành trình đi tìm mộ liệt sĩ để kết nối họ với thân nhân.

Kỳ 2: Dùng công nghệ “đưa đò” cho những linh hồn

Kỳ 1: Câu chuyện đi tìm anh

Ngoài việc “đưa đò” ở bến tri thức của vai trò thầy giáo, anh Hồ lại thêm một lần “đưa đò” cho các linh hồn liệt sĩ. Và bạn bè anh gọi đùa đó là việc “đưa đò ở bến tri ân”.

Truy tìm tên tuổi cho anh và đồng đội

Sau khi tìm thấy phần mộ của anh trai và 6 đồng đội nhưng vẫn không xác định được tên tuổi và đâu là phần mộ của ai, anh Hồ nghĩ tới việc phải xét nghiệm ADN để xác minh. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là kinh phí để xét nghiệm ADN cho 7 liệt sĩ rất tốn kém. Tổng kinh phí xét nghiệm là 70 triệu đồng, anh chưa biết tìm đâu ra tiền. Anh viết thư thông báo cho thân nhân của 6 liệt sĩ đồng đội của anh trai anh biết tình hình trên. Nhưng họ cũng không đủ điều kiện kinh phí. Anh thấy buồn, nhưng đành gác lại việc truy tìm tên tuổi cho anh và đồng đội, chờ cơ hội. Khoảng từ những năm 1990 về sau, việc tìm mộ liệt sĩ được Nhà nước chú trọng. Nhiều cơ quan báo chí, truyền thông rất ủng hộ, hưởng ứng chủ trương đó. “Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi quyết định viết đơn gửi cho Báo Lao Động, nói rõ nguyện vọng tìm nguồn kinh phí xét nghiệm ADN, tìm lại tên tuổi cho anh tôi và đồng đội. Khi lá đơn được đăng ở mục “Kết nối thông tin tìm, báo mộ liệt sĩ” của báo, rất nhiều người đã ủng hộ. Và chúng tôi đủ kinh phí để làm xét nghiệm” - anh Hồ nhớ lại.

 

Anh Hồ đang chụp ảnh mộ liệt sĩ

 Ngày 29-8-2008, những mẫu ADN được đưa ra Viện Công nghệ Sinh học Việt Nam để xét nghiệm. Ngày 22-12-2008, tại đơn vị Quân khu IV ở Vinh - Nghệ An, Viện Công nghệ Sinh học Việt Nam đã công bố kết quả xét nghiệm ADN của 7 liệt sĩ. Họ đã được trả lại tên tuổi sau hơn 30 năm chịu cảnh vô danh. Đó là các liệt sĩ: Lê Văn Chung, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Đăng Khoa, Hà Duy Hưng, Trần Gia Long, Đặng Hồng Châu, Nguyễn Hữu Thư.

Theo anh Nguyễn Sỹ Hồ, sau kết quả trên, anh nảy ra ý tưởng Nhà nước nên lập ngân hàng gene cho các liệt sĩ. Đây sẽ là cơ sở để việc truy tìm tên tuổi, quê quán cho liệt sĩ và việc người thân tìm nhận được dễ dàng, thuận lợi, khoa học hơn.

Dùng công nghệ “đưa đò”

Hiểu được uy thế của báo chí và truyền thông, vào khoảng tháng 10-2008, anh gửi ảnh chụp danh sách liệt sĩ của Trung đoàn 271 đăng tải trên Báo Lao Động. Ba ngày sau khi báo đăng, anh được báo tin là có 15 liệt sĩ đã được người thân tìm nhận. Phấn khởi từ hiệu ứng đó, anh quyết định lập blog trên mạng Vnweblogs.com để đăng tải những thông tin về liệt sĩ và bia mộ với hy vọng giúp thân nhân họ tìm kiếm dễ dàng hơn. Blog anh lấy tên là “Người đưa đò”, tên truy cập là http://teacherho.vnweblogs.com. Ngày 1-1-2008, bài viết đầu tiên được anh đưa lên blog.

  Sơ đồ của đồng đội vẽ về các ngôi mộĐể có thêm thông tin cho blog và cung cấp cho gia đình liệt sĩ, hàng tháng, anh Hồ lại gom góp tiền bạc, tự nấu cơm đem theo và chạy xe máy tìm đến các nghĩa trang liệt sĩ của các tỉnh để thu thập thông tin, chụp ảnh về phần mộ của các liệt sĩ đưa lên blog. Không chỉ dừng ở đó, mỗi khi có thông tin từ các nghĩa trang, anh liền tìm đến những đơn vị của liệt sĩ, đối chiếu với tàng thư của đơn vị đó nhằm truy tìm chính xác tên tuổi, quê quán... của liệt sĩ đó.

Sau đó, anh gửi thư về cho thân nhân liệt sĩ thông báo. Đồng thời, anh gửi thư đến các cơ quan liên quan như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đơn vị chủ quản của các liệt sĩ trước khi hy sinh để thông báo nhờ giúp đỡ việc tìm kiếm, xác định lại tên tuổi, quê quán. Chẳng hạn từ 4.000 ảnh chụp ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai, anh đối chiếu và tìm ra 65 liệt sĩ thuộc đơn vị E 271 (tức Trung đoàn 271). Anh đối chiếu cùng tàng thư của đơn vị E 271 để tìm ra tên tuổi, quê quán của họ và gửi thư cho người thân.

Bây giờ blog anh đã có gần 2.000 thông tin về phần mộ liệt sĩ. Hàng ngày có hàng trăm lượt truy cập. Rất nhiều trường hợp đã tìm thấy mộ của người thân nhờ blog của anh. Theo anh Hồ, tính đến ngày 1-6-2011, đã có khoảng 40 gia đình tìm được mộ của liệt sĩ từ blog Người đưa đò. Đặc biệt, ngày 7-7-2011, từ blog và từ thư thông báo của anh đã có 7 gia đình tìm được mộ.

Anh Nguyễn Sỹ Hồ tâm sự: “Có nhiều trường hợp người thân tới gặp tôi để nhờ tìm mộ liệt sĩ rất cảm động. Có lần, tôi tìm thấy liệt sĩ tên Lê Văn Huân, quê ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Khi tôi viết thư về cho con trai liệt sĩ là Lê Văn Lâm ở quê biết, anh rất xúc động và bất ngờ vì nhiều năm liền không hề biết tin tức của cha. Sau đó, anh thu xếp vào nhờ tôi dẫn đi tìm mộ cha hiện được quy tập ở Nghĩa trang huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Năm giờ chiều của một ngày năm 2009, anh Lâm tới nhà tôi. Gặp tôi, không kịp nói hết câu cảm ơn, anh đã khóc ngất. Nhìn cảnh đó, tôi cũng khóc theo anh. Nhà anh quá nghèo, tôi phải gọi điện nhờ người học trò làm ở Đài Truyền hình Bình Dương mượn xe cơ quan chở đi lên nghĩa trang”.

 

Anh Hồ bên trang blog

Nhiều năm liền, âm thầm làm việc “đưa đò” cho các linh hồn liệt sĩ ở “bến tri ân”, vui có, buồn có, có lúc còn bị cướp giựt máy ảnh, bị quản trang cấm chụp ảnh... nhưng anh Nguyễn Sỹ Hồ vẫn kiên trì theo đuổi niềm đam mê của mình. Thấy anh làm cái việc “ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng” đó vừa mệt vừa nguy hiểm, có người khuyên anh bỏ đừng làm nữa, nhưng anh vẫn nhẫn nại làm. Cũng may, anh được vợ con ủng hộ hết lòng. Mỗi khi anh đi chụp hình, thu thập thông tin về liệt sĩ, vợ anh lại dậy sớm nấu cơm và đi cùng anh. Chính điều đó đã cho anh thêm sức mạnh để tiếp tục công việc này.

Giờ đây, mong ước của anh là có một website đủ mạnh để chứa thông tin về liệt sĩ do anh tìm kiếm. Ngân hàng gene cho liệt sĩ sớm triển khai để có thể sớm tìm thấy phần mộ, tên tuổi cho các liệt sĩ. “Tôi có đọc ở đâu đó câu nói: “Sống ở đời phải biết cho”. Tôi không có tiền bạc để cho thì tôi cho niềm vui, bỏ công sức ra để cho niềm vui, niềm tin cho người khác”. Lời tâm sự đó của anh Nguyễn Sỹ Hồ dù nói ra rất nhẹ nhàng nhưng tôi hiểu để làm được điều đó thật không dễ chút nào.

Từ câu nói đó, tôi chợt nghĩ, nếu con người bớt đi những tính toan, những suy nghĩ vị kỷ chỉ biết đến quyền lợi bản thân mình thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn biết bao nhiêu...

Những ai có nhu cầu tìm liệt sĩ, xin liên hệ với anh Nguyễn Sỹ Hồ: Số nhà: 107 - tổ 10 - ấp Cổng Xanh, Tân Bình - Tân Uyên - Bình Dương,  ĐT: 0650.3684351 - 0988.847715 - Email: ho.hatinh@gmail.com. Hoặc truy cập http://teacherho.vnweblogs.com

NGUYỄN VĂN THỊNH

Chia sẻ