| 28-02-2012 | 00:00:00

“Người Hoa ở Bình Dương”: Lấp lánh ánh ngọc trên những kệ sách

Là một trong những bộ phận cấu thành của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, đồng bào người Hoa đã cùng các cộng đồng cư dân khác không ngừng khai hoang mở cõi, xây dựng nên một miền đất trù phú qua các thời kỳ lịch sử, xây dựng một xã hội ngày càng yên bình, ấm no và hạnh phúc. Riêng tại vùng đất Thủ Dầu Một - Bình Dương, họ đã sớm hòa nhập vào khối cộng đồng dân cư bản địa, đoàn kết, cùng nhau vượt khó, đồng cam cộng khổ để xây dựng quê hương mới, nơi đất lành mà họ đã chọn là quê hương thứ hai. Như PGS-TS Phan An đã viết: “Tìm hiểu về Người Hoa ở Bình Dương giúp ta hiểu biết về con người, vùng đất Bình Dương sâu hơn và đầy đủ hơn, thấy được những đóng góp của họ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và đặc biệt là sự tham gia của họ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay. Những tư liệu này góp phần cho sự hiểu biết lịch sử và văn hóa của cộng đồng người Hoa ở Nam bộ, làm rõ những đóng góp cụ thể của cộng đồng người Hoa trong quá trình bảo vệ và phát triển vùng đất Nam bộ từ quá khứ đến hiện đại”.

Riêng tại TX.TDM, lịch sử hình thành và phát triển các nhóm cộng đồng người Hoa gồm 4 nhóm: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Sùng Chính. Miếu Bà Thiên Hậu thánh mẫu nổi tiếng thu hút đông đảo khách thập phương trong và ngoài tỉnh đến viếng hàng năm cũng được hình thành và phát triển do người Hoa Phúc Kiến xây dựng vào năm 1867 bên bờ rạch Hương chủ Hiếu ở Phú Cường gần chợ Thủ. Năm 1945, ngôi miếu bị phá hủy trong chiến tranh, sau đó, người Hoa di dời tượng bà và đồ thờ tự về Thiên Hậu cung tại Phú Cường. Đến năm 1996, Thiên Hậu cung được xây dựng mới hoàn toàn như hiện nay. Đây là một trong nhiều chi tiết, tư liệu gần gũi thiết thực với bạn đọc gần xa được đề cập trong tập sách. Ngoài ra, nhiều tư liệu khác đáng chú ý như quá trình hình thành và phát triển nghề làm gốm, làm thuốc bắc, làm chao... của người Hoa, những ngôi miếu, ngôi chùa nổi tiếng khác được người Hoa xây dựng. Những thương hiệu nổi tiếng của người Hoa trên vùng đất Thủ. Hay các tập tục, văn hóa truyền thống khác đặc trưng của người Hoa cũng được giới thiệu trong tập sách này... Vì thế, thật không ngoa khi tác phẩm Người Hoa ở Bình Dương được ví như viên ngọc sáng lấp lánh trên những kệ sách mà những người biên soạn đã dày công nghiên cứu. Đặc biệt, chủ biên là TS Huỳnh Ngọc Đáng, người đã có hàng chục năm nghiên cứu và đã có đề tài khoa học cấp Nhà nước về đề tài này trực tiếp tham gia biên soạn hầu hết trong 4 chương cùng 2 phần mở đầu và kết luận của tập sách này.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

THIÊN TÂM

Chia sẻ