Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Sau khi làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia trở về với đôi chân không còn lành lặn, bằng ý chí của một người lính Cụ Hồ, ông Nguyễn Thế Mỹ (sinh năm 1959, thương binh 1/4) ở phường Lái Thiêu không hề chùn bước trước khó khăn. Với nghị lực phi thường, ông Mỹ đã từng bước vươn lên để khẳng định một điều “thương binh tàn nhưng không phế”.
Ở tuổi 66, thương binh Nguyễn Thế Mỹ luôn sống vui vẻ và lạc quan cùng con cháu
Chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Thế Mỹ vào dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2024). Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, nhấp ngụm trà nóng, ông Mỹ bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng không thể nào quên và cũng là những tháng ngày tự hào nhất của cuộc đời mình.
Ông kể, vào tháng 8-1980, năm đó ông 21 tuổi, cũng như bao thanh niên khác, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ và hoạt động ở chiến trường Campuchia. Đến cuối năm 1981, trong một trận đánh ông bị thương khi lao vào cứu đồng đội. Sau khi bị thương, ông được đưa về Sài Gòn để chữa trị, đến năm 1985 ông xuất ngũ và về Bình Dương sinh sống.
Nhớ lại quá trình chiến đấu, bị thương của mình, ông Mỹ bộc bạch: “Tỉnh dậy thấy mình bị cắt mất một chân, mất đi một phần thân thể và chịu thương tật suốt đời, tôi cũng hoang mang lắm. Nhưng khi nghĩ lại tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn so với những đồng đội đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Mặc dù mất đi một phần thân thể nhưng mình vẫn còn được sống nên phải sống sao cho đúng với phẩm chất của một người lính Cụ Hồ”.
Điều làm chúng tôi khá bất ngờ đó chính là trong quá trình vừa trị thương ở Sài Gòn ông Mỹ vừa tranh thủ làm thêm để kiếm tiền học nghề điện và học thêm văn hóa. Đến năm 1986, ông Mỹ thi đỗ vào Đại học Bách Khoa TP.Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, ông xin vào làm tại Công ty thí nghiệm điện Miền Nam cho đến khi về hưu. Vào năm 1992, vừa đi làm, ông Mỹ lại tự mình ôn thi và thi đậu vào Đại học Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh.
Dù mang trên mình nhiều thương tật nhưng gần 40 năm qua, ông Mỹ luôn khắc ghi lời Bác dạy, phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, vươn lên cống hiến trên nhiều lĩnh vực cho xã hội. Ông luôn gương mẫu cùng gia đình động viên bà con lối xóm thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Trải qua gần 40 năm nỗ lực vượt khó, cần cù làm việc, gia đình ông đã có cuộc sống ổn định, 2 người con của ông đều được học hành đàng hoàng và thành đạt. Hiện tại, niềm vui của người thương binh 66 tuổi này là tập luyện thể thao, chơi bóng bàn cùng với bạn bè, chăm lo cho các cháu và tham gia hoạt động xã hội tại địa phương. Thời gian rảnh, ông còn dành từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày để lên mạng tự mày mò học tiếng Pháp và tiếng Anh.
Dù tuổi đã cao, mang trong mình vết thương chiến tranh nhưng ông Mỹ vẫn luôn sống lạc quan và suy nghĩ về những điều tích cực trong cuộc sống. Ý chí và nghị lực vươn lên của ông luôn là ấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
HỒNG PHƯƠNG