Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Trong những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH), các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và doanh nghiệp luôn gắn kết với nhau tăng cường hợp tác phát triển mô hình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng thực tế của xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhân lực qua đào tạo nghề để phục vụ cho sự phát triển thành phố thông minh Bình Dương tương lai.
Sinh viên thực hành ngành công nghệ ô tô bảo dưỡng động cơ tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp quản trị công nghệ Bình Dương
Đưa sinh viên đến doanh nghiệp
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nước ta, trên hầu hết các lĩnh vực. Đứng trước những cơ hội và thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, thời gian qua, trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương đã xác định các ngành nghề mũi nhọn để tập trung đầu tư đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp, hướng đến xây dựng thành phố thông minh - Bình Dương.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Thành Trí, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương, cho biết thực hiện phương châm “học đi đôi với hành”, khi học tại trường, học sinh - sinh viên (HSSV) ngoài việc được trang bị các kiến thức căn bản về lý thuyết, giúp các em có tư duy logic về nghề nghiệp mà mình đang theo học, nhà trường còn đặc biệt tập trung vào việc hợp tác với các doanh nghiệp để HSSV có cơ hội tham quan, thực hành, thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp phù hợp với chuyên ngành được đào tạo. Qua đó, giúp các em có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với thực tế, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Đặc biệt, nhà trường còn tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho HSSV có cơ hội được trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với ngành nghề theo học. Qua đó có thể giúp các em làm quen với môi trường sản xuất thực tế và trau dồi thêm kỹ năng tay nghề. Kết quả, đã có nhiều HSSV được các doanh nghiệp ký hợp đồng lao động ngay sau quá trình thực tập.
“Trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Sở Công thương tiếp tục làm đầu mối kết nối giữa doanh nghiệp và các cơ sở GDNN với quan điểm ưu tiên nhà doanh nghiệp là số một, các trường phải chủ động tìm doanh nghiệp để hợp tác và đề nghị các đơn vị cần phải quan tâm hơn về đạo đức nghề nghiệp, thái độ của người lao động và người sử dụng lao động. Ngoài ra, các trường phải xác định ngành nghề mũi nhọn, nghiên cứu và nhân rộng mô hình đào tạo tại doanh nghiệp, hàng năm đặt chỉ tiêu hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nghề”. (Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH) |
Với phương châm “Học việc - Việc làm - Cuộc sống - Tương lai”, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp quản trị công nghệ Bình Dương (TT) đã đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội. Để đáp ứng được yêu cầu này, TT và doanh nghiệp đang tăng cường hợp tác để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Hiện TT đang kết nối với nhiều doanh nghiệp và các tập đoàn lớn nhằm hợp tác phát triển mô hình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng. Theo đó, ngay từ những năm học đầu tiên, học viên của TT sẽ được tiếp cận, học hỏi tại môi trường làm việc thực tiễn ở các doanh nghiệp, nắm bắt xu hướng ngành nghề nhằm đáp ứng với nhu cầu nhân lực của xã hội. Cụ thể, hàng năm với từng nghề đào tạo TT đã mời những chuyên gia, diễn giả và giảng viên uy tín về chia sẻ học tập, quản trị cho học viên nhằm tạo động lực học tập hiệu quả trong mỗi học viên và học viên sẽ được đến doanh nghiệp để tham quan và tham gia trực tiếp vào quá trình làm việc của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tấn Duy, Giám đốc Trung tâm GDNN quản trị công nghệ Bình Dương, cho biết: “Bắt đầu từ năm 2013, TT đã ký cam kết giới thiệu việc làm với người học. Để bảo đảm thực hiện đúng cam kết TT đã đi đến các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành: Bình Dương, Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh để nắm bắt được nhu cầu tuyển dụng ở hiện tại và tương lai của doanh nghiệp, từ đó TT đã hợp tác giới thiệu việc làm cho rất nhiều doanh nghiệp và được doanh nghiệp đánh giá cao về tay nghề cũng như thái độ tác phong tốt của từng học viên tham gia lao động tại doanh nghiệp mà TT đã giới thiệu. Để tăng thêm cơ hội việc làm tốt cho sinh viên, TT đề cử cán bộ tích cực tham gia vào Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Dương và các hiệp hội, ngành hàng khác để tìm kiếm thêm đơn đặt hàng đào tạo và hợp tác cung ứng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong các hiệp hội. Sau 3 năm tham gia các hiệp hội, TT đã đưa ra nhiều giải pháp đào tạo đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và được doanh nghiệp tuyển dụng ngay học viên sau khi tốt nghiệp”.
Xây dựng mô hình “Trường đào tạo trong doanh nghiệp’
Xác định GDNN là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0, Sở LĐ- TB&XH đã thực hiện nhiều giải pháp để kết nối 3 nhà, gồm: Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà trường. Nhằm định hướng công tác đào tạo nghề của tỉnh trong thời gian tới đáp ứng theo nhu cầu xã hội, bảo đảm giải quyết việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp tham gia thị trường lao động đúng với chuyên ngành được học, tăng cường đào tạo có địa chỉ, xây dựng mô hình “Trường đào tạo trong doanh nghiệp”, tại Trung tâm GDNN quản trị công nghệ Bình Dương, Sở LĐ-TB&XH vừa tổ chức hội thảo đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp Bình Dương.
Tại hội thảo đại diện các trường, doanh nghiệp đã trao đổi những vấn đề quan tâm để cùng nhau tìm “chìa khóa” giải “bài toán” thiếu lao động chất lượng cao như hiện nay. Tham gia ý kiến tại hội thảo, thầy Trần Hùng Phong, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore, cho biết trong thời gian qua, trường đã mời gọi doanh nghiệp tham gia đào tạo chiếm 30% thời lượng của chương trình đào tạo. Để đạt được kết quả tốt trong việc liên kết đào tạo, nhà trường đã giới thiệu cho doanh nghiệp thấy những lợi ích khi họ chung tay với trường đào tạo nguồn nhân lực, khi đạt hiệu quả tốt đương nhiên doanh nghiệp sẽ hỗ trợ trường. “Nhà trường đào tạo để cung ứng chung cho xã hội, nếu doanh nghiệp muốn đáp ứng thì phải ký hợp đồng, nhà trường sẵn sàng xây dựng chương trình thay đổi đến 30 - 40% theo nhu cầu của doanh nghiệp cần”, thầy Phong nói.
Đại diện Ban điều hành thành phố thông minh Bình Dương, tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Giám đốc Văn phòng thành phố thông minh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC đề cập thực trạng hiện nay, hầu hết sinh viên thiếu tính chủ động sau khi ra trường, mặt khác nhiều doanh nghiệp chưa nắm được Luật GDNN vì vậy sở cần tiếp tục tuyên truyền, triển khai những chính sách pháp luật về GDNN cho các doanh nghiệp. “Việc tổ chức hội thảo kết nối ba nhà là hết sức thiết thực, nó cũng là một nội dung của Đề án thành phố thông minh Bình Dương. Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH nên tiếp tục tổ chức các hội nghị với từng hiệp hội để có những ý kiến sâu, thẳng thắn hơn, tập trung vào những nghiên cứu, con số cụ thể hơn. Đối với các trường cần tăng cường tuyên truyền quảng bá hình ảnh về đào tạo nghề để người dân thấy được tầm quan trọng, sự thành công khi học nghề, ngoài ra cần xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo ra những người đào tạo trong doanh nghiệp”, tiến sĩ Nguyễn Việt Long nói.
Theo tìm hiểu, để có được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các cơ sở GDNN có những bước đi phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề của đơn vị, đáp ứng yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực trong tình hình mới. Nhờ đó đến nay, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên, từng bước đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động; gần 26% lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ nghề.
TƯỜNG VY