| 04-03-2014 | 00:00:00

Nhân rộng nhóm trẻ cộng đồng...

Để giải quyết bất cập này, gần đây (ngày 27-2), Bộ GD-ĐT đã tổ chức cuộc hội thảo “Quản lý nhóm lớp mầm non độc lập tư thục”.

 Tại hội thảo, nhiều nhà quản lý cũng đã khẳng định việc đóng cửa các cơ sở mầm non không phép trong điều kiện thực tế hiện nay là “một nhiệm vụ bất khả thi”, lý do là việc đầu tư trường, lớp của chúng ta chưa theo kịp với số trẻ đến tuổi mầm non. Ngay tại TP.Hồ Chí Minh, một địa bàn đông dân cư, tính bình quân 2 ngày ở đây lại có thêm một trường mầm non mới - nhưng vẫn không thể nào giải quyết đủ chỗ học cho trẻ, bởi tốc độ gia tăng dân số quá nhanh. Bình Dương cũng không nằm ngoài tình trạng chung, tỉnh hiện có 347 cơ sở mầm non chưa được cấp phép đang nuôi giữ gần 8.000 trẻ, trong đó có khoảng 148 nhóm có quy mô dưới 10 trẻ.

Xoay quanh vấn đề này, Bộ GD-ĐT cũng đã nhìn nhận: Nhu cầu gửi con, cháu của các bậc phụ huynh thật sự là quá lớn, do đó trong vai trò quản lý không thể đặt ra mục tiêu là phải xây dựng đầy đủ các cơ sở giáo dục hoàn thành 3 nhiệm vụ của giáo dục mầm non là nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Nhất là đối với những địa phương còn quá khó khăn, trước mắt chỉ có thể đặt ra yêu cầu nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ...

Một trong những kinh nghiệm có hiệu quả trong việc giải quyết nơi nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mầm non do bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Gia đình xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chia sẻ là từ năm 2012, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã triển khai thí điểm mô hình nhóm trẻ cộng đồng và huy động nhiều đơn vị, lực lượng trong xã hội cùng chung tay chăm lo cho trẻ mầm non như hội đã chọn 2 nhóm trẻ Hoa Mai ở thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An và nhóm trẻ Hoàng Yến ở phường Thuận Giao, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương làm thí điểm. Đây là 2 nhóm trẻ chưa được cấp phép hoạt động do còn thiếu các điều kiện về cơ sở vật chất. Sau hơn 6 tháng huy động nguồn lực đóng góp từ các tổ chức, đơn vị, đoàn thể tại địa phương, đến nay 2 nhóm trẻ này đã hoàn thiện các điều kiện và được cấp phép hoạt động. Từ chỗ chỉ có hơn 46 trẻ thời điểm trước khi được cấp phép, đến nay số trẻ nuôi giữ tại 2 điểm này đã lên hơn 160 trẻ, trong đó có 110 trẻ ở trong độ tuổi từ 3 - 36 tháng.

Được biết, Bộ GD-ĐT đã và đang đánh giá cao hiệu quả của mô hình nhà trẻ cộng đồng và khẳng định bộ sẽ bổ sung, chỉnh sửa quy định về yêu cầu quản lý đối với bậc mầm non như phân tầng quy mô các nhóm trẻ, quy định số lượng trẻ tối đa và tối thiểu cho một nhóm trẻ tư thục, nâng cao yêu cầu về trình độ tối thiểu đối với chủ các cơ sở mầm non ngoài công lập từ THCS lên THPT, bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi cho giáo viên các trường ngoài công lập… nhằm góp phần giải quyết được vấn đề cơ sở nuôi dạy trẻ mầm non, giảm bớt áp lực cho ngành GD-ĐT và các địa phương.

 VÕ HƯƠNG

Chia sẻ