Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Kỳ 2: Theo chân CSGT xử lý “ma men” trên đường
Kỳ 1: Nhậu trên từng cây số
Để tìm hiểu thực tế công tác đấu tranh phòng chống TNGT nhất là với các “ma men”tham giao thông, phóng viên Báo Bình Dương đã đi cùng đoàn công tác của tỉnh do lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an Bình Dương làm chủ công, phối hợp cùng các ngành, đơn vị chức năng khác và đã có những ghi nhận...
1001 lý do
Thiếu tá Thượng Văn Lành, Đội phó Đội tuần tra kiểm soát giao thông, Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: “Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Đa số các trường hợp vi phạm có nồng độ cồn vượt mức cho phép khi tham gia giao thông đều không hợp tác khi đề nghị kiểm tra nồng độ cồn. Họ cho rằng mình không say xỉn hoặc viện dẫn các lý do là thiết bị kiểm tra (ống thổi) không vệ sinh cho dù chúng tôi chỉ sử dụng 1 ống thổi cho một người (rồi bỏ)... để nhằm từ chối kiểm tra nồng độ cồn.
17 giờ 35 phút một ngày cuối tháng 9, đoàn công tác dừng lại ở khu vực ngã ba quốc lộ 13 - đường dẫn vào bệnh viện Mỹ Phước (khu phố 4, thị trấn Mỹ Phước, Bến Cát) để làm nhiệm vụ. Gần như ngay lập tức, đoàn công tác phát hiện một xe Honda hiệu Wave chở 3 người loạng choạng trên đường, không đội mũ bảo hiểm. Trời vẫn chưa tối hẳn, nhưng mí mắt của người điều khiển xe mô tô BS 61R3-8383 khai tên là L.M.N (chưa rõ địa chỉ) đã gần như sụp xuống. Trên xe của L.M.N còn treo 1 túi nylon có chứa hộp xốp đựng mồi nhậu. L.M.N cho biết, anh và 2 chiến hữu vừa “lai rai” ở quán nhậu gần KCN Mỹ Phước 3, đang mua thêm “mồi” về nhà làm tiếp “tập 2” thì bị lực lượng tuần tra phát hiện. Tại hiện trường, lực lượng tuần tra đã tiến hành cho L.M.N kiểm tra nồng độ cồn qua máy đo với ống thổi riêng biệt. Dù thiếu úy CSGT Phạm Nhất Việt đã giải thích, hướng dẫn cặn kẽ cách thổi hơi vào máy qua ống nhựa để kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện, nhưng L.M.N vẫn loay hoay, không thực hiện thành công. Quan sát kỹ, chúng tôi nhận thấy ma men này thổi quá nhẹ do ém hơi hoặc chỉ thở qua mũi. Sau 2 lần kiểm tra không thành công, L.M.N tỏ vẻ khó chịu, gắt gỏng: “Thổi vậy thôi, chứ còn đòi gì nữa chú? Vui với anh em, nhậu có mấy ly, say xỉn đâu mà kiểm tra...”.
“Ma men” L..M.N đang được kiểm tra nồng độ cồn bằng máy
Đại úy Nguyễn Thành Trung, Tổ trưởng tổ công tác từ tốn hướng dẫn lại thêm 2 - 3 lần, nhưng máy vẫn không nhận được lượng khí thở cần thiết để tiến hành phân tích. Đợi đến khi tổ công tác đề nghị đưa L.M.N đến... bệnh viện để kiểm tra nồng độ cồn trong máu thì đối tượng mới chịu hợp tác. Kết quả máy kiểm tra đã thể hiện thông số nồng độ cồn của “ma men” L.M.N là 0,895mg/lít khí thở, vượt xa hơn 200% so với mức độ cho phép là dưới 0,25 mg/lít khí thở. Tổ tuần tra đã lập biên bản giữ xe và một số giấy tờ liên quan.
Tuy nhiên, đấy vẫn chưa phải là trường hợp có mức nồng độ cồn cao nhất trong buổi tuần tra kiểm soát. Anh T.Đ.Y., SN 1979, điều khiển xe mô tô BS 60N5-3436 trong trạng thái không bình thường, áo sơ mi trắng bỏ nửa trong nửa ngoài, mặt đỏ gay. Kiểm tra nhanh nồng độ cồn bằng máy cho kết quả nồng độ cồn cao kỷ lục, vượt hơn 300% so với mức độ cho phép. Anh T.Đ.Y. lý giải: “Em ngụ Triệu Hóa, Thanh Hóa, vào Bình Dương làm nghề công nhân xây dựng. Hôm nay em được nghỉ làm việc nên 2 anh em làm chung rủ nhau làm vài “ve” cho đỡ buồn. Em đâu có nhiều tiền đâu mà nhậu đến xỉn. Vậy mà không ngờ sao kết quả kiểm tra nồng độ cồn của em lại cao thế”. Tuy nhiên, sau đó anh T.Đ.Y. thú thật với người viết là “nhậu từ sáng đến giờ, nên nồng độ cồn cao là đúng; chỉ mong bác xin giúp cho em được nộp phạt tại chỗ, chứ 2 vợ chồng chỉ có chiếc xe máy để đi làm thôi ạ”...
Cùng bị phát hiện một lượt như anh T.Đ.Y., anh L.C.C. (ngụ KP2, thị trấn Mỹ Phước) điều khiển xe BS 61N4-6476 không đến nỗi quá xỉn, nhưng kết quả phân tích nồng độ cồn của anh C. vẫn ở mức rất cao. Anh C. chép miệng: “Mình làm nghề buôn bán, phải tiếp khách là thường. Mới uống có mấy ly mà nồng độ cồn cao dữ vậy?”. Tuy nhiên, một người dân có mặt ở điểm xử lý vi phạm giao thông của tổ công tác đã bình luận: “Nhìn bộ dạng ổng với quần tây xăn lên ống cao ống thấp thì đủ hiểu là tới lắm, khỏi kiểm tra nồng độ cồn cũng biết xỉn”. Theo giải thích của đại diện tổ công tác, dù biết chắc người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, nhưng chúng tôi vẫn buộc người điều khiển phương tiện phải kiểm tra nồng độ cồn bằng máy và yêu cầu ký vào biên bản kết quả kiểm tra do máy in ra ngay tại chỗ, vì đó là cơ sở để xử lý vi phạm.
Bám chốt, đón lõng
“ma men”
Ước tính, chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút, nhưng tổ công tác đã phát hiện 4 trường hợp vi phạm, trong đó có đến 3 trường hợp sử dụng rượu bia có nồng độ cồn vượt quá mức độ cho phép khi tham gia lưu thông. Theo đại úy Nguyễn Thành Trung, Phòng CSGT Công an tỉnh: “Vào những ngày cuối tuần, nhất là vào buổi tối số lượng người tham gia giao thông có sử dụng rượu bia còn cao hơn nhiều”. Đa số các trường hợp vi phạm nói trên là vừa đi ra từ các quán nhậu, nhà hàng. Chính vì thế, tổ công tác thường chọn chốt chặn ở những giao lộ dẫn vào khu dân cư hoặc tại điểm giao thông gần nơi có nhiều quán nhậu để đón lõng các ma men sau lưu thông trên đường.
Chúng tôi không thể quên trường hợp một ma men quê Kiên Giang sau khi bị tổ tuần tra chặn lại, yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn đã giả bộ ngây ngô rồi sau đó bật ra một tràng tiếng Anh “I don’t know. I can’t speak Vietnammese (đại ý là “Tôi không biết. Tôi không thể nói tiếng Việt”) nhằm bất hợp tác với lực lượng chức năng. Tuy nhiên, khi nghe tổ công tác đọc biên bản vi phạm với một loạt lỗi nghiệm trọng, ma men đầy dáng vẻ trí thức này đành thôi đóng giả người nước ngoài, chuyển qua năn nỉ bằng tiếng... mẹ đẻ. Nhưng, lực lượng chức năng đã cương quyết lập biên bản, thu giữ phương tiện vi phạm, đồng thời áp dụng một số hình thức phạt bổ sung khác.
Theo chúng tôi được biết, các địa phương khác như Hà Nội, TP.HCM CSGT còn cử người mặc thường phục đeo bám phía trước các quán bia, nhà hàng trong giờ cao điểm, sử dụng bộ đàm báo cho tổ tuần tra kiểm soát ở các ngả đường kịp thời chặn lại để kiểm tra nồng độ cồn. Cách làm này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần kéo giảm tình hình tai nạn giao thông (TNGT). Đề cập đến vấn đề này, một lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh cho rằng Bình Dương chưa áp dụng các biện pháp triệt để như trên, mà chủ yếu vẫn là tuyên truyền, giáo dục đối với người dân, tăng cường tuần tra kiểm soát để cảnh cáo, nhắc nhở, xử lý kịp thời các vi phạm. Phải chăng, để góp phần kéo giảm đến mức thấp nhất số vụ và người chết vì TNGT do có sử dụng rượu bia, đã đến lúc Bình Dương nên áp dụng triệt để các biện pháp nghiệp vụ như các địa phương khác?
Đại úy Trung cho biết thêm: “Xử lý các trường hợp này thường rất mất thời gian và phải kiên nhẫn, cương quyết. Nhiều trường hợp, chúng tôi phải mất từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ để xử lý, bởi những đối tượng này thường không hợp tác với lực lượng khi triển khai máy kiểm tra nồng độ cồn hay yêu cầu ký tên vào biên bản, tạm giữ phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, chúng tôi cương quyết xử lý theo đúng quy định, không để người vi phạm tiếp tục điều khiển xe trong tình trạng có nồng độ cồn cao, dễ tự gây TNGT cho bản thân, đồng thời ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của những người tham giao giao thông.”
Theo quy định, đối với người điều khiển mô tô vi phạm có nồng độ cồn vượt quá từ 0,25 - 0,4mg/lít khí thở thì mức xử lý hành chính trung bình từ 200.000 - 400.000 đồng; nồng độ cồn vượt quá 0,4mg thì sẽ bị xử phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng và tạm giữ xe 10 ngày.
Đối với người điều khiển ô tô có nồng độ cồn thấp hơn 0,25 mg/lít khí thở sẽ phải chịu mức phạt thấp nhất là 1 triệu đồng, mức trung bình là 5 triệu đồng và tạm giữ xe 10 ngày.
CHÍ THANH - HUY BÌNH