Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đã vàđang tạo tiềm năng và lợi thế lớn để doanh nghiệp của Bình Dương và vùng phụ cận chủ động giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Với lợi thế 29 khu công nghiệp và hàng trăm doanh nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, Bình Dương trở thành một trong những trung tâm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào CNHT lớn nhất nước.
Công nghiệp hỗ trợ hút vốn FDI
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.277 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực CNHT, trong đó ngành dệt may có 442 doanh nghiệp, da giày 172 doanh nghiệp, chế biến gỗ 953, cơ khí 710 doanh nghiệp. Bình Dương đã hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may (công nghiệp sản xuất sợi, dệt vải, dây kéo, nhuộm, hoàn thiện sản phẩm dệt...), da giày (thuộc da, sản xuất đế giày, mũ giày...), cơ khí (sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm từ kim loại, sản xuất máy móc thiết bị và phụ tùng cho các ngành công nghiệp ô tô...), điện - điện tử (sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất, sản xuất thiết bị dây dẫn điện, cáp quang...).
Các chuyên gia nước ngoài tìm hiểu sản phẩm tại Hội chợ máy móc ngành gỗ Bifa Wood mac 2018 tổ chức tại Bình Dương. Ảnh: TIỂU MY
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày, cơ khí, điện - điện tử. Tỉnh cũng đã phát triển riêng một khu công nghiệp tại Bàu Bàng, rộng trên 1.000 ha ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào CNHT, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài (FDI).
Trong những năm gần đây, có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực CNHT tại tỉnh, có thể kể đến như Công ty TNHH Core Electronics chuyên sản xuất cuộn dây đồng, lõi từ, bảng mạch phục vụ cho ngành công nghiệp điện tử; Công ty TNHH Keiden Việt Nam thuộc Tập đoàn Keiden (Nhật Bản) đã đầu tư, đưa nhà máy sản xuất, gia công cơ khí, xửlý và tráng phủ bề mặt kim loại với công nghệ hiện đại, bảo đảm an toàn về môi trường vào hoạt động.
Đặc biệt, có những dự án đầu tư nước ngoài có số vốn hàng chục triệu đến cả trăm triệu USD vào lĩnh vực CNHT đã được triển khai trên địa bàn tỉnh, như dự án Công ty KungBang Việt Nam, Công ty TNHH Chain Yarn Việt Nam, Công ty Polyester Far Eastern, Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing (Vietnam)... Như vậy, tỉnh Bình Dương đã có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật để tiếp nhận các tập đoàn kinh tế lớn đến đầu tư vào lĩnh vực CNHT.
Riêng đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc, thời gian gần đây liên tục đầu tư mới và tăng vốn vào lĩnh vực CNHT tại tỉnh. Trong số này có những dự án lớn như Công ty TNHH Lumens Vina chuyên sản xuất và gia công các loại đèn LED Blue dùng trong tivi, máy tính, monitor, ứng dụng điện với vốn đầu tư 30 triệu USD; Công ty TNHH SGX sản xuất thử nghiệm và xuất khẩu giày với vốn đầu tư 12 triệu USD...
Trong số các dự án FDI mới được Bình Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư, đáng chú ý có Dự án sản xuất sợi lốp KVT- 1 của Công ty TNHH Công nghiệp Kolon Bình Dương (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp - đô thị Bàu Bàng. Dự án này có vốn đầu tư đăng ký 220 triệu USD, chuyên sản xuất sợi lốp polyester HMLS bằng sợi có độ bền cao để làm vật liệu gia cố cho lốp xe ô tô. Bên cạnh đó là dự án khu sản xuất Đài Loan, với doanh nghiệp chủ lực là Công ty DDK Việt Nam, chuyên sản xuất phụ kiện xe đạp có quy mô vốn đầu tư lên đến 250 triệu USD…
Thực hiện tốt giải pháp phát triển CNHT
Đối với ngành CNHT, trước đây tỉnh dành 300 ha tại Khu công nghiệp - đô thị Bàu Bàng để thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Trong những năm gần đây, khu công nghiệp này được mở rộng lên 1.000 ha nhằm đáp ứng nhu cầu thu hút ngành CNHT của tỉnh.
Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc Ban hành danh mục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của Bình Dương giai đoạn 2017-2021, trong đó có hạ tầng để phát triển CNHT. Hiện tỉnh đang xây dựng Danh mục chính sách ưu đãi thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong danh mục có các dự án thuộc lĩnh vực CNHT.
Tỉnh cũng đang triển khai thực hiện Đề án Định hướng phát triển cụm CNNT trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Để thực hiện hóa các mục tiêu phát triển CNHT, tỉnh đãvà đang tăng cường giải pháp về phát triển nguồn nhân lực tại chỗ. Thực tế cho thấy, việc gắn kết chương trình đào tạo nhân lực của địa phương với nhân lực các nước trong khu vực và trên thế giới theo hướng chuẩn hóa quốc tế tại các trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Đại học Việt Đức mở ra thế mạnh về nguồn nhân lực chuẩn quốc tế của tỉnh trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, trong quá trình phát triển công nghiệp của Bình Dương, cần có sự phối hợp với các địa phương xung quanh nhằm hạn chế tình trạng cục bộ, đầu tư chồng chéo, cạnh tranh không cần thiết làm triệt tiêu nội lực phát triển của các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo Sở Công thương, trong Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 có 6 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, gồm cơ khí, điện tử, hóa chất, CNHT, chế biến nông sản, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp. Quy hoạch này cũng định hướng 3 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực tỉnh ưu tiên phát triển gồm sản phẩm điện - điện tử, các sản phẩm cơ khí chính xác, các sản phẩm hóa dược.
TIỂU MY