Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Trong thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã tích cực phối hợp với các sở ngành, đơn vị tổ chức nhiều hội thi về sách và văn hóa đọc, qua đó xây dựng, hình thành nên nhiều mô hình đọc sách trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động đã góp phần phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức.
Tiết mục dự thi tuyên truyền, giới thiệu sách tại hội thi “Thiếu nhi kể chuyện theo sách” tỉnh Bình Dương năm 2022 của đội TP.Thuận An với cuốn hồi ký “Người bị CIA cưa chân 6 lần”
Lan tỏa văn hóa đọc
Khuyến khích mọi người đọc sách, báo, góp phần phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh là việc làm luôn được Thư viện tỉnh quan tâm. Để thực hiện điều này, Thư viện tỉnh thường xuyên đưa sách đến phục vụ bạn đọc tại các trường học, phục vụ thanh niên công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hội thi tuyên truyền giới thiệu sách, cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”; phối hợp tổ chức Ngày hội sách tại các địa phương trong tỉnh; thành lập câu lạc bộ “Cùng bạn đọc sách”... Ngoài ra, hệ thống thư viện công cộng trong tỉnh còn tích cực tuyên truyền, giới thiệu sách mới, sách hay, hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm thông tin, kỹ năng đọc sách, chọn sách phù hợp với từng đối tượng, từng lứa tuổi để bạn đọc quan tâm hơn, thích thú hơn khi tiếp cận với sách.
Điển hình trong mùa hè năm nay, Sở VHTT&DL đã phối hợp tổ chức thành công cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” và hội thi “Thiếu nhi kể chuyện theo sách”. Tại các hội thi, dù ở cấp huyện hay cấp tỉnh đều thu hút rất nhiều thí sinh tham gia. Riêng cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” cấp tỉnh năm nay thu hút gần 6.300 thí sinh là học sinh TH, THCS, THPT, sinh viên và bạn đọc tham gia. Hội thi thiếu nhi kể chuyện theo sách cấp tỉnh năm nay cũng thu hút 200 học sinh đến từ các trường TH và THCS đại diện cho 9 đội tuyển huyện, thị, thành phố tham gia.
3 lần xem 3 đội thi tuyên truyền, giới thiệu về cuốn hồi ký “Người bị CIA cưa chân 6 lần” trong 2 cuộc thi liên quan đến văn hóa đọc gần đây, tôi đã không cầm được nước mắt vì phần thuyết minh, giới thiệu sách của các đội dự thi hết sức lôi cuốn, hấp dẫn, lay động lòng người. Không riêng gì người viết mà rất nhiều người, nhiều em nhỏ vừa xem vừa đưa tay lên lau vội dòng nước mắt. Em Phạm Hoài Anh, học sinh lớp 5 ở phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một cùng mẹ đến xem các tiết mục thuyết minh, giới thiệu sách trong hội thi “Thiếu nhi kể chuyện theo sách” liền nói với mẹ: “Về nhà mẹ nhớ mua cho con những cuốn sách này để con đọc nhé”. Câu nói của Hoài Anh vừa xuất phát từ việc em rất yêu thích đọc sách, vừa chứng tỏ những cuộc thi như thế này đã góp phần lan tỏa văn hóa đọc sách đến với nhiều người hơn.
Chung sức để phát triển hơn
Lần đầu tiên tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, cô Võ Huỳnh Như Thuyên, giáo viên trường Chính trị tỉnh là 1 trong 4 thí sinh đạt giải nhất tại cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” năm 2022. Theo nhìn nhận của cô, văn hóa đọc trong thời gian qua đã có sự lan tỏa và phát triển rất tốt. Tuy nhiên, để phát triển văn hóa đọc hơn nữa, cần phải tổ chức thêm nhiều cuộc thi như vậy để lan tỏa tinh thần đọc sách đến với tất cả mọi người, giúp mọi người yêu thích đọc sách hơn. Bởi khi thi, mọi người sẽ đầu tư đọc sách nhiều mới có được những cảm nhận tốt nhất về sách; khi đầu tư thì sẽ thu được kết quả tốt và lan tỏa được nhiều hơn.
Chia sẻ về niềm đam mê đọc sách của mình, em Vũ Gia Linh, học sinh lớp 7A14, trường THCS Lê Thị Trung (TX.Tân Uyên), cho biết từ nhỏ em rất thích nghe cha mẹ kể chuyện. Sau khi đi học, biết chữ, em rất thích đọc truyện thiếu nhi. Lớn lên, em lại thích đọc những cuốn sách về những lĩnh vực mà mình yêu thích, muốn tìm hiểu, khám phá. Những hoạt động liên quan đến phong trào đọc sách do nhà trường tổ chức em cũng tích cực tham gia. Từ sự yêu thích đọc sách đã giúp em có đủ tự tin và trở thành “Đại sứ văn hóa đọc” của tỉnh Bình Dương năm 2022 sau khi vượt qua rất nhiều thí sinh. Gia Linh chia sẻ: “Những âm thanh, hình ảnh khi mình xem ti vi có tác động trực tiếp, nhưng văn hóa đọc yêu cầu người đọc còn phải có trí tưởng tượng và sự liên tưởng. Em thấy đọc sách giúp em phát triển tư duy tốt hơn. Em cũng có thông điệp gửi đến mọi người đó là: Em làm được thì mọi người cũng làm được. Chúng ta hãy cùng cố gắng chung tay lan tỏa văn hóa đọc ngày càng phát triển hơn”.
Ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết, sách chứa đựng rất nhiều kiến thức trong cuộc sống, giúp chúng ta suy nghĩ sâu sắc hơn, trưởng thành hơn và tích lũy vốn từ vựng phong phú. Đọc sách làmột trong những phương thức tiếp cận với tri thức nhanh nhất, hiệu quảnhất. Đọc sách thường xuyên giúp chúng ta hoàn thiện nhân cách, giúp nhận ra những giá trị tốt đẹp để ứng xử trong cuộc sống, những chuẩn mực đạo đức làm người, từ đó hình thành những suy nghĩ tích cực, hướng tới những giá trị tốt đẹp. Đọc sách giúp trau dồi kiến thức, tiếp thu văn hóa thế giới và làm giàu cho bản thân. Việc đọc sách thường xuyên còn giúp kích thích não bộ, cải thiện khả tập trung, nâng cao tư duy phân tích sáng tạo và giúp chúng ta sống tích cực hơn.
Thời gian qua, Sở VHTT&DL, mà cụ thể là Thư viện tỉnh đã có sự phối hợp tốt với Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiều hoạt động góp phần phát triển văn hóa đọc. Dù đã có sự phát triển nhất định, song theo lãnh đạo Thư viện tỉnh, để lan tỏa văn hóa đọc ngày càng sâu rộng hơn, không chỉ có sự cố gắng của một ngành, một cấp cụ thể nào mà cần có sự phối hợp rộng rãi giữa các sở ngành, các cấp, đoàn thể chính trị xã hội trong việc quan tâm hơn đến phong trào đọc, nhất là đối tượng học sinh.
Dù đã có sự phát triển nhất định, song theo lãnh đạo Thư viện tỉnh, để lan tỏa văn hóa đọc ngày càng sâu rộng hơn, không chỉ có sự cố gắng của một ngành, một cấp cụ thể nào mà cần có sự phối hợp rộng rãi giữa các sở ngành, các cấp, đoàn thể chính trị xã hội trong việc quan tâm hơn đến phong trào đọc, nhất là đối tượng học sinh. |
HỒNG THUẬN