| 21-02-2017 | 07:40:53

Nhớ mãi mùa xuân năm ấy

Một sáng giáp Tết Đinh Hợi năm 2007, chúng tôi nhận được một bức “tâm thư” của bà con Nông trường Cờ Đỏ. Trong thư, bà con cho biết, họ từ khắp mọi miền hội tụ về đây đã lâu nhưng đến bấy giờ vẫn chưa “được nhìn thấy ánh điện”. Đêm giao thừa không được xem ti vi, các em thơ phải học bài bên ngọn đèn dầu le lói… Ước mơ điện về quê hương cháy bỏng… Rồi bà con tha thiết báo Bình Dương hãy đi thực tế tại nông trường để cùng chia sẻ về nguyện vọng rất chính đáng này…

Ông Nguyễn Văn Hùng (trái) và cựu chiến binh Hoàng Đại Lộc (phải) bên vườn chanh không hạt trĩu quả Ảnh: K.GIANG

Thế rồi, mùa xuân Đinh Hợi năm ấy đã in đậm mãi trong lòng tôi. Một mùa xuân bà con Cờ Đỏ vui lạ thường, lòng người rộn rã, hối hả mua ti vi, tủ lạnh và cả những chậu mai vàng rực trước sân nhà. Hồn nhiên và vui nhất là các em học sinh, bởi từ nay các em không còn thắp đèn dầu học bài nữa. Tôi bỗng nhận thấy, kể từ nay trên mảnh đất Cờ Đỏ không chỉ sáng lên từ dòng điện mà còn là nguồn sáng của tương lai.

Nông trường Cờ Đỏ nay thuộc ấp bà Tứ, xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng. Sau khi nhận thư của bà con, chúng tôi nhanh chóng xuống Cờ Đỏ và tiếp theo là những bài viết đầy xúc cảm được đăng trên mặt báo. Thật ngạc nhiên, sau khi báo đăng, anh Nguyễn Duy Hiếu (lúc đó là Phó Giám đốc Điện lực Bình Dương) đã mời chúng tôi lên xe anh để cùng trở lại Cờ Đỏ. Chỉ còn 25 ngày nữa là tết đến, phải làm sao để tết này bà con có điện! Đó là những trăn trở đầy trách nhiệm toát ra trên khuôn mặt của người cán bộ ngành điện rất nhiệt tâm này. Tất cả mọi việc đều được anh Hiếu bàn qua điện thoại. Từ chuẩn bị thi công đến việc triển khai cắm những cột điện đầu tiên, anh Hiếu quyết đoán nhanh chóng. Vấn đề kinh phí tạm gác lại sau. Thế rồi sự nỗ lực của những “tấm lòng”, của các cấp chính quyền đã được đền đáp. Sau hơn 20 ngày thi công, điện lưới đã về với Cờ Đỏ. Thời khắc giao thừa, toàn ấp rực sáng ánh màu. Ước mơ cháy bỏng lâu nay của bà con đã thành hiện thực, mọi người vỡ òa trong niềm vui. Từ đó báo Bình Dương đã trở thành “người bạn thân” của Cờ Đỏ. Riêng người viết bài này được lãnh đạo Báo Bình Dương cử đi học lớp đối tượng Đảng. Một mùa xuân cách đây 10 năm trước rất hạnh phúc và nồng ấm như thế!

Xuân này, tôi về thăm lại Cờ Đỏ, lòng vui như về thăm những người bạn thân. Cờ Đỏ hôm nay đang khoác lên màu áo mới. Đường vào ấp được trải nhựa phẳng lì. Cao su đang mùa thay lá xanh thẳm một màu. Những vườn cây trĩu quả, tiếng gà gáy buổi bình minh xen lẫn những âm thanh lao động sản xuất đã báo hiệu một mùa xuân no ấm đang về trên mảnh đất thanh bình này, dù cho phía trước vẫn lắm bộn bề lo toan. Tôi ghé thăm nhà cựu chiến binh Hoàng Đại Lộc - người đã trở nên thân thiết với tôi tự bao giờ. Ngày chúng tôi đọc thư và lên Cờ Đỏ, thấy nhà anh Lộc nghèo lắm. Quanh năm gia đình chỉ biết luẩn quẩn nuôi mấy con gà vì chẳng biết làm gì hơn. Muốn trồng cây ăn trái cũng không được, bởi không có điện thì không kéo được nước tưới cây. Mua máy nổ chạy bằng xăng dầu thì chi phí lại cao. Hồi ấy, ngồi tâm sự với chúng tôi, thấy anh buồn lắm. Buồn vì bất lực. Nhà nghèo, con đông mà bản thân anh không có thu nhập. Bức bách lắm! Cái nghèo cứ tưởng dai dẳng bám riết lấy anh và bà con nơi đây…

Mùa xuân nay khác rồi. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, anh Lộc vui hẳn, luôn miệng khoe hết thứ này đến thứ khác. Nào là, anh đã có trại heo nho nhỏ, vườn cây sum suê và hạnh phúc nhất là con cái đã có công ăn việc làm, không nhàn rỗi lêu lổng nữa. Dẫn tôi đi thăm trại heo của mình kế bên, anh Lộc phấn khởi: “Tết này vừa xuất được một lứa đó nhà báo! Vài chục triệu thôi, nhưng đối với tôi là cả một ước mơ”. Niềm vui của anh Lộc khiến tôi cũng ấm lòng. Quả mới biết, chủ trương điện khí hóa nông thôn của tỉnh Bình Dương đã mang lại những kết quả tốt đẹp như thế nào. Có lẽ, không có tỉnh nào hội tụ “điểm sáng” như Bình Dương về hạ tầng giao thông nông thôn. Từ Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo…, đi đến đâu cũng gặp những tuyến đường nhựa thẳng tắp nối dài đến từng thôn ấp. Ai đã đến đất này đều ghi nhận điều đó.

Đường vào Cờ Đỏ hôm nay Ảnh: K.GIANG

Trò chuyện với tôi tại nhà anh Lộc còn có ông trưởng ấp Đào Ngọc Báu. Ông Báu cho biết, toàn ấp hiện có hơn 300 hộ, mấy chục năm trước, bà con đi từ Cần Thơ lên đây lao động theo Nông trường Cờ Đỏ. Về sau, mảnh “đất lành chim đậu” này đã hấp dẫn bà con ở lại và lập nghiệp cho đến nay. Điều mà ông Báu tâm huyết nhất kể từ ngày có điện là đời sống nhân dân trong ấp đã thay đổi thấy rõ. Và điều đáng mừng nhất nữa khi lớp thanh niên bây giờ cũng thay đổi hẳn, không còn đua xe, ma túy và những tệ nạn khác. Tất cả đều tươi mới và đầy hứa hẹn như mùa xuân đầy sức sống đang về. Mặc dù tôi không dám nhận, nhưng anh Lộc và ông Báu cùng nhân dân nơi đây luôn cho rằng, thành quả của Cờ Đỏ hôm nay một phần là nhờ Báo Bình Dương. Thôi đừng nói chi đến những công lao lặt vặt ấy nữa. Hiện đại hóa nông thôn, xóa đói giảm nghèo… là những chủ trương đúng đắn mà Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã và đang thực hiện rất có hiệu quả.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Cây Trường II cho biết, sự thay đổi, phát triển đi lên của Cờ Đỏ là đáng ghi nhận. Trong tương lai, khi Khu công nghiệp Cây Trường, Khu nông nghiệp Công nghệ cao nơi đây được hình thành sẽ hứa hẹn nhiều điều hơn nữa để xây dựng Cây Trường II nói riêng và khu vực phía bắc của tỉnh ngày càng phát triển giàu mạnh hơn. Chia tay với Cờ Đỏ, chúng tôi ra về mà trong lòng khấp khởi những niềm vui. Chúc Cờ Đỏ một mùa xuân mới tràn đầy niềm tin và hy vọng…

Hứa hẹn mùa trĩu quả

Cùng với cựu chiến binh Hoàng Đại Lộc, chúng tôi đến thăm trang trại trồng chanh không hạt của ông Nguyễn Văn Hùng, tại Cờ Đỏ và qua câu chuyện với ông Hùng, chúng tôi rất vui và ngạc nhiên. Dù chỉ có 4 sào trồng chanh không hạt, nhưng phương thức làm ăn của ông Hùng đã mang lại hiệu quả rất cao. Ông Hùng cho biết, đất ở đây không phèn, rất thích hợp với loại cây này, trái rất to, mỗi cây đạt đến 50kg trái và cho thu hoạch quanh năm. Thị trường đầu ra của nông sản này lại rất ổn định, vì có những doanh nghiệp ở Long An thu mua để xuất khẩu, giá mỗi kg đạt hơn 20.000 đồng. Câu chuyện của ông Hùng đã làm chúng tôi ngạc nhiên, bởi vì việc trồng cây chanh không hạt ở đây rất hiệu quả nhưng từ trước đến nay chỉ có ông Hùng làm. Ông Hùng nói: “Hiện sản lượng giao cho các công ty ở Long An vẫn còn thiếu. Nếu như những bà con ở đây cũng làm như tôi thì sẽ hình thành được một tổ hợp cùng trồng chanh không hạt để cung cấp ổn định cho thị trường”. Tôi đem sự ngạc nhiên này trao đổi với ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Cây Trường II. Ông Bình cũng rất tâm huyết khi nghe chúng tôi nêu vấn đề là làm sao để nhân rộng mô hình trồng chanh không hạt ở Cờ Đỏ. Ông cho biết, sẽ triển khai khảo sát và sớm có những định hướng về mô hình này. Hy vọng đây sẽ là một mô hình mang lại những thu nhập ổn định cho bà con nhân dân nơi đây.

 

 KIẾN GIANG

 

 

 

Chia sẻ