| 21-08-2014 | 09:38:16

Những “bông hoa” trong lòng địch: “Bàn tay thép” tề gian, diệt ác

Ra đời năm 1966 với nhiệm vụ chính là bảo vệ nội bộ, bảo toàn lực lượng và giữ vững cơ sở cách mạng, trong những năm tháng hào hùng, Đội trinh sát vũ trang Dầu Tiếng còn trở thành nỗi khiếp đảm của Mỹ, ngụy không chỉ trên địa bàn Dầu Tiếng mà bao trùm cả một vùng rộng lớn huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh). Nhắc đến những cái tên Ba Tiếp, Ba Sê, Trần Quốc Toản… những tên đầu sỏ, ác ôn của địch phải run sợ, bởi trong hàng ngũ của chúng, rất nhiều tên đã phải đền tội dưới “bàn tay thép” Đội trinh sát vũ trang Dầu Tiếng…

Kỳ 2: “Bàn tay thép” tề gian, diệt ác
>>Xem kỳ trước


Lãnh đạo Công an huyện Dầu Tiếng cùng các cựu sĩ quan, chiến sĩ Đội trinh sát vũ trang Dầu Tiếng tìm về thăm cơ sở của ta ngay trong lòng địch

Những bản án tử rúng động

Ở thời điểm 1966-1967, trong điều kiện lực lượng quân sự Mỹ, ngụy và bộ máy chính quyền biệt kích thám báo, đảng phái phản động tại Dầu Tiếng dày đặc, lực lượng trinh sát an ninh Dầu Tiếng vẫn không ngừng tiếp xúc với công nhân cao su đột ấp, xây dựng cơ sở, rải truyền đơn, phá hệ thống điện, điện thoại và gài mìn tiêu diệt ác ôn có nợ máu với nhân dân.

Thực hiện chỉ thị của cấp trên về tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, không chỉ phối hợp các lực lượng của ta tạo nên những trận đánh oanh liệt, đội đã liên tiếp để lại những bản án tử hình thích đáng cho đầu sỏ của địch. Tổ trinh sát vũ trang do đồng chí Phạm Văn Sê chỉ huy đã tấn công đột nhập vào tận nhà và tiêu diệt tên Ký Đức - thầy ký sở chuyên cung cấp tình hình công nhân cao su đồn điền cho địch; bắt giữ tên Ký Hoàng làm tình báo CIA cho Mỹ. Ngoài ra, đội còn vào tận nhà tên Trần Dung Tiên - Bí thư của cái gọi là “Đảng cần lao nhân vị” quận Trị Tâm và con trai Trần Dung Bích, cán bộ bình định được đào tạo tại trường Sĩ quan Đà Lạt để xử về tội làm mật báo cho địch, chỉ điểm bắt bớ cơ sở cách mạng. Cũng trong đợt tổng tiến công nổi dậy này, Đội trinh sát vũ trang huyện Dầu Tiếng vào tận nhà diệt nhiều tên ác ôn khác như tên Đinh, tên Thành, Ký Huế…

Thành viên của Đội trinh sát vũ trang Dầu Tiếng giới thiệu lại những hình ảnh oanh liệt một thời

Giờ đây, ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, những cựu sĩ quan, chiến sĩ Đội an ninh vũ trang Dầu Tiếng như Phạm Văn Sê, Dương Quyết Thắng, Võ Văn Bẩn… vẫn nhớ như in từng lần mưu trí, dũng cảm luồn lách vào tận hang ổ của giặc, buộc chúng đền nợ máu cho cách mạng, cho nhân dân. Đồng chí Võ Văn Bẩn nhớ lại: “Lúc đó, chúng tôi bị địch thù hằn, dùng mọi cách mua chuộc, dụ dỗ và ám sát nhưng vẫn không nao núng. Chứng kiến cảnh chúng đè đầu, cưỡi cổ ức hiếp công nhân, cơ sở của ta khiến tim gan chúng tôi sôi sục. Vậy là trong đầu chỉ nung nấu ý chí làm sao tiêu diệt được những tên ác ôn này để trừ hại cho dân…”.

Như chúng tôi đã từng đề cập, địch xem Dầu Tiếng là địa bàn chiến lược về mặt quân sự, là yết hầu phía bắc cửa ngõ Sài Gòn nên chúng không chỉ xây dựng lực lượng hùng hậu tại đây mà còn lên kế hoạch chống phá, kìm kẹp ta rất dữ dội. Chính vì thế, những bản án tử rúng động của Đội trinh sát vũ trang an ninh Dầu Tiếng không chỉ tề gian, diệt ác cho cách mạng và nhân dân mà còn khiến ý chí quân địch nao núng, khiếp sợ. Tính từ lúc thành lập đến khi hòa bình lập lại, Đội trinh sát vũ trang Dầu Tiếng thực hiện hàng loạt bản án tử hình, diệt hàng chục tên ác ôn trên địa bàn huyện Dầu Tiếng và huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh).

Xây niềm tin cho tương lai

Cho đến bây giờ, nhiều bậc cao niên ở Dầu Tiếng vẫn nhớ như in những ký ức hào hùng, đẹp đẽ về những chiến sĩ thuộc Đội trinh sát vũ trang Dầu Tiếng. Bởi một tên ác ôn bị loại khỏi cuộc chiến là nhân dân trên địa bàn thêm một niềm tin yêu mới về cách mạng, về cuộc sống tươi đẹp hơn trong tương lai, khi cuộc đấu tranh giành độc lập kết thúc với thắng lợi thuộc về ta.

Trong năm 1969, địch phản công dữ dội, gia tăng các hoạt động quân sự, liên tục càn quét, lùng sục, bắn phá vùng căn cứ kháng chiến. Chúng gom toàn bộ dân vào các làng công nhân cao su, khiến đời sống nhân dân vô cùng khổ sở. Ngoài ra, bọn cảnh sát còn kết hợp bình định tại thị trấn Dầu Tiếng. Chúng tổ chức mạng lưới canh gác không cho công nhân mang cơm vào lô cao su, tổ chức lực lượng khám xét, đàn áp cơ sở và những người có người thân tham gia cách mạng, dụ dỗ ra đầu hàng, chiêu hồi. Trước tình hình khó khăn ấy, đội nhận nhiệm vụ xây dựng mạng lưới cơ sở, khôi phục lại liên lạc và diệt ác ôn để nhân dân bớt khổ. Kết quả, đội tiêu diệt tên Tiệp là Trưởng đồn phòng vệ dân sự, tiêu diệt nốt tên Quý là tình báo đại chúng kiêm đội trưởng phòng vệ dân sự, tên ác ôn chuyên lùng sục, chỉ điểm cách mạng, bắt bớ nhân dân.

Để tiêu diệt tên Quý, trinh sát vũ trang giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Văn Nam theo dõi. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, đồng chí Nam báo cho đồng chí Phạm Văn Sê và Dương Quyết Thắng đột nhập vào tận nhà tên Quý bắt trói, thu tài liệu, tiêu diệt và dán bản án về tội trạng của tên ác ôn lên ngực để răn đe những tên còn lại. Điều đáng chú ý là nhà tên Quý chỉ cách lô cốt của Mỹ và ụ súng đại liên khoảng 60m. Cái chết của Quý làm cho địch hoang mang dao động, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng của ta ở vùng địch phát triển mạnh trở lại.

Chúng tôi xin phép các đồng chí Phạm Văn Sê, Nguyễn Văn Thượng cùng lãnh đạo Công an huyện Dầu Tiếng được theo về với những căn cứ cách mạng cũ, đồng thời cũng là nơi diễn ra các trận đánh xuất thần, ác liệt. Mỗi căn hầm là muôn chiến tích, mỗi mái nhà là một chiến công trừ gian, diệt ác gây nên sự khiếp đảm kinh hoàng cho giặc thù. Mảnh đất hào hùng này thật đặc biệt! Những người con Dầu Tiếng anh hùng, xuất thân từ tầng lớp công nhân, nông dân nghèo khó vùng dậy bằng sự giác ngộ sâu sắc lý tưởng cách mạng, hun đúc thêm tình yêu quê hương, xứ sở và lòng căm thù giặc. Các anh đã ngoan cường chiến đấu ngay trong lòng địch, trở thành những “bông hoa” chiến công lung linh màu sắc cho các thế hệ con cháu noi theo.

 

Kỳ 3: Anh Ba Sê quả cảm

 

 KHÁNH VINH - KIẾN GIANG

 

Chia sẻ