| 11-12-2010 | 00:00:00

Những chuyến cứu trợ nặng nghĩa tình

Kỳ 1: Thương lắm Phú Yên!

Tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau đã đưa chân đoàn cứu trợ lũ lụt của Bình Dương đến với đồng bào vùng lũ 2 tỉnh Bình Định - Phú Yên vào những ngày cuối tháng 11 đầu tháng 12 này. Họ mang chút lửa nồng nghĩa tình của nhân dân Bình Dương góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát của bà con vùng lũ...

 Thiết thực 

Đoàn cứu trợ lần này có 8 người dưới sự chỉ huy của Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Tấn Lộc. Xe khởi hành từ 9 giờ sáng, trời Bình Dương trong veo, tịnh không một chút mây. Ấy thế mà đi đến đoạn Phan Rang (Ninh Thuận) trước mặt chúng tôi đã án những mảng mây đen sì, từ đó đến ngày về, mưa suốt, mưa đến tối tăm mặt mũi, nhìn đâu cũng là nước với nước. Chị Ngô Thị Thu Thảo, cán bộ phong trào của UBMTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên cho biết: “Mưa thế đã mấy tháng rồi! Có cảm giác như trời chẳng bao giờ hết nước. Chúng tôi sống giữa lòng thành phố Tuy Hòa nhưng lúc nào cũng có cảm giác bất an huống chi là bà con vùng sâu, vùng xa. Trời mưa là ngập, là mất mát...”.

0 giờ ngày 30-11 đến Phú Yên chỉ kịp ngả lưng đôi chút, mới 5 giờ 30 phút sáng đã dậy để lên xe đi về với đồng bào vùng núi thuộc hai huyện Sơn Hòa và Sông Hinh. Lý giải cho việc đi sớm, chị Thu Thảo cho biết: “Đường rất xấu lại cách thành phố Tuy Hòa 100km về hướng Tây nên phải tranh thủ đi sớm. Nếu không chúng ta sẽ trễ hẹn với bà con”. Quả thật, nỗi đau mất mát là quá lớn đối với người dân 2 huyện miền núi này. Toàn tỉnh Phú Yên có một thành phố, một thị xã và 7 huyện nhưng theo cán bộ địa phương, đây là 2 trong số các huyện ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt mưa lũ cuối tháng 10, đầu tháng 11-2010. Thêm vào đó, do đa số bà con là người dân tộc thiểu số nên việc khắc phục hậu quả lũ lụt và gượng dậy sau lũ là khó khăn hơn các vùng khác.

  Đông đảo người dân vùng lũ Phú Yên đến nhận quà cứu trợ của Bình Dương

Xã đầu tiên chúng tôi đến là Sơn Hà, một xã đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Hòa. Toàn xã có 2.425 ha đất nông nghiệp thì đã có hơn 500 ha bị ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ. Xã có 2.032 hộ thì đã quá nửa chìm nhiều lần trong nước lũ. Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hà Nguyễn Hữu Xanh cho biết: “Xã có 6 thôn thì gần như thôn nào cũng bị mất mát tài sản nặng nề vì mưa lũ. Chúng tôi sống nhờ cây mía và cây lúa nhưng mưa lụt quá lớn dẫn đến mất trắng. Đời sống của người dân là rất khó khăn”.

Trong cái khó ấy, thông tin đoàn cứu trợ bão lụt Bình Dương về tặng quà như một chiếc phao hy vọng cho bà con. Bởi thế nên xe của đoàn vừa tới UBND xã đã gặp hàng trăm người đợi sẵn. Những gương mặt nhăn nheo, lam lũ đứng chật cả sân. Thay mặt đoàn, ông Nguyễn Tấn Lộc trao tận tay những phần quà nghĩa tình của người Bình Dương gửi đến bà con vùng lũ. Gần nửa buổi sáng, 150 phần quà được trao tận tay bà con. Dễ nhận ra, ai ra về cũng với vẻ phấn khởi và... ngỡ ngàng. Không phấn khởi sao được khi mỗi phần quà có giá trị khá lớn với người vùng lũ, lên đến 500.000 đồng tiền mặt. Ngỡ ngàng cũng phải thôi vì nghe đoàn cứu trợ về, ai cũng mang theo bao để đựng gạo, đựng mì gói, nhưng quà cứu trợ “lạ” quá. Chẳng phải mì, không phải gạo cũng chẳng có quần áo. 500.000 đồng quá thiết thực đối với bà con để mua sắm những gì cần thiết nhất cho cuộc sống của họ trong những ngày gian khó sau lũ này. Y Hững, người ở thôn Ngân Sơn vui mừng: “Nhà mình ở giáp với mé sông Ba nên năm nào cũng ngập nặng. Năm nay đã ngập đến 7 lần rồi. Trong nhà không còn cái gì để ăn nữa. Hôm nào cũng phải đi mượn gạo độn với khoai cầm bụng. Với 500.000 đồng này mình có thể mua được 10kg gạo đắp đổi qua ngày”.

Hẹn ngày hạnh ngộ...

Kể từ đầu đợt cao điểm mưa lũ, địa bàn hai huyện Sơn Hòa - Sông Hinh liên tục có mưa lớn trên diện rộng, làm xói lở nhiều đoạn đường gây ách tắc giao thông. Trong đó tại đèo Trà Kê (xã Sơn Hội) mưa lớn làm sạt lở vách núi, đất đá tràn xuống đường trên 2.000m3 với chiều dài hơn 200m. Tuyến đường ĐT646 tại đoạn dốc Bà Bèo (xã Phước Tân) cũng bị sạt lở. Tại buôn Ma Y, xã Phước Tân, mưa lũ cũng làm cho cầu Kbon ngập sâu hơn 1m... Điều dễ nhận ra là những cơn lũ quái ác đã làm hư hỏng phần lớn đường sá và nhà dân ở hai huyện này. Đến mức nhiều điểm xe của đoàn cứu trợ còn không thể vào đến UBND xã, đành phải mượn xe của địa phương.

Ngoài xã Sơn Hà, thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) và xã Ea Trol, xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) là 3 điểm còn lại lưu dấu chân của đoàn. Hình ảnh dễ nhận ra là đi đâu cũng thấy cảnh lam lũ. Con “ma” nghèo chưa kịp đẩy đi, con “ma” đói đã ập đến. Chưa bao giờ ngọn Lang, ngọn Vá ở đây chứng kiến cảnh lầm than triền miên như thế. Già Moan, người từng sống gần cả đời người dưới ngọn Lang cho biết: “Chưa bao giờ chúng tôi khốn khó như 2 năm nay. Lũ lụt triền miên khiến cho việc kiếm lương thực khó khăn. Trai trẻ bỏ làng đi trồng bạc hà, trồng keo ngoài Bình Định rất nhiều. Trong khi đó, những người già như chúng tôi ở lại mưa lụt triền miên nên hoa màu thất thoát hết”.

4 xã ở Phú Yên. Một con số rất nhỏ so với tổng số 111 đơn vị cấp xã, phường, thị trấn của toàn tỉnh. Điều đó cho thấy dù có cố gắng cỡ nào và các gói quà cứu trợ có lớn đến đâu thì cũng không xoa dịu hết nỗi đau của người dân vùng lũ. Những phần quà chuyển tải vật chất dù rất ít nhưng tình cảm rất lớn của người Bình Dương thì bà con đều ghi nhận. Đau thương và mất mát không thể nào hàn gắn vẹn nguyên được nhưng nghĩa tình cho nhau có thể cảm được trọn vẹn. Nói như Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện Sông Hinh Nguyễn Như Đông, thay mặt nhân dân huyện nhà cảm ơn công tác cứu trợ của Bình Dương: “Chúng tôi rất lấy làm cảm kích và cảm ơn sâu sắc những hỗ trợ về mặt vật chất và tinh thần cho đồng bào huyện nhà. Món quà tuy không là bao so với mất mát do mưa lũ nhưng rất thiết thực giúp cho chúng tôi gượng dậy và khắc phục hậu quả. Xin cảm ơn nhân dân Bình Dương. Xin lấy lời “hẹn” vui của ông Nguyễn Tấn Lộc, Trưởng đoàn cứu trợ làm kết bài: “Món quà tuy không nhiều nhưng chúng tôi mong bà con đứng dậy lúc khó khăn. Hẹn ngày này năm sau hay năm sau nữa chúng ta sẽ gặp lại. Nhưng không phải trong hoàn cảnh này, vì như thế thì dân ta khổ quá! Mong hẹn gặp ở một hoàn cảnh khác ở... Bình Dương. Chúng tôi sẵn sàng đón tiếp thịnh tình chuyến ghé thăm và làm việc của các bạn! Khi đó, mong là dân mình bớt khổ hơn”. (Còn tiếp)

Trong ngày 1-12, đoàn cứu trợ bão lụt của Bình Dương đã đi cứu trợ tại 4 xã: Sơn Hà, Củng Sơn (Sơn Hòa) và Sông Hinh, Ea Trol (Sông Hinh) với tổng cộng 1.000 phần quà trị giá 500 triệu đồng. Đây là số tiền do cán bộ, nhân dân và các doanh nghiệp trong tỉnh quyên góp hỗ trợ. Khác với những lần cứu trợ trước như mì gói, quần áo hay gạo, lần này đoàn cứu trợ Bình Dương tặng tiền mặt với mỗi phần quà là số tiền 500.000 đồng. Cách làm này hết sức hiệu quả bởi có tiền, bà con vùng lũ dễ dàng xoay trở và khắc phục thiên tai bằng nhiều cách khác nhau.

LÝ KHÁNH VINH

 

Chia sẻ