| 03-12-2011 | 00:00:00

Những con người vượt lên số phận!

Ở số 132/4 đường Ngô Quyền, P.Lái Thiêu, TX.Thuận An có một ngôi nhà dành cho 23 đứa trẻ khuyết tật. Đứa bị mù, đứa không có mắt, đứa khiếm thính. Có đứa thì thân hình cụt ngủn, chân tay teo tóp, co quắp lại... Những đứa trẻ này chịu tận cùng của nỗi đau nhưng họ đã vượt lên số phận để sống, để hòa nhập cộng đồng bằng chính nghị lực phi thường...

Những đứa trẻ không may mắn

Lúc còn là sinh viên tôi đã gặp họ đi hát rong, đi bán rong những vật dụng do chính người khuyết tật làm ra. Cũng cơ duyên, tôi gặp lại họ tại P.Lái Thiêu, TX.Thuận An trong một ngôi nhà chung do bác sĩ Nguyễn Thị Hiền -nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TX.Thuận An cho mượn để họ làm nơi ăn ở, sinh hoạt. Và chính nơi đây, những đứa trẻ thuộc Cơ sở khuyết tật An Phúc đã vượt lên số phận, cuộc đời mình bằng những lời ca tiếng hát, bằng chính những sản phẩm do mình làm ra để gửi đến cộng đồng một thông điệp “Tình yêu thương bao la”. 

Những gương mặt tiêu biểu của người khuyết tật

Quả thật, họ đến Bình Dương là cơ duyên. Họ chọn Bình Dương để ở, để sống, để hòa nhập cộng đồng cũng là cơ duyên. Họ được bác sĩ Nguyễn Thị Hiền, anh Trần Thanh Liêm - Chủ nhiệm Tổ Nhân đạo Thiện Hòa và nhiều cơ quan chức năng, Mạnh Thường Quân giúp đỡ cũng là cơ duyên. Tuy nhiên, vượt lên trên những điều cơ duyên ấy là họ đã vượt qua được số phận mình. Gặp chúng tôi trong căn nhà này ngày 2-12, các em khuyết tật cho hay, họ đến Bình Dương từ cuối tháng 1-2011, khi ấy Cơ sở khuyết tật An Phúc gặp khó khăn về nơi ở nên tất cả đều được chuyển lên từ Q.12, TP.HCM qua Lái Thiêu, Bình Dương.  

Bác sĩ Nguyễn Thị Hiền và em Lê Văn Bình

Em Lê Thị Phương (25 tuổi, ngụ xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) - người bị gù lưng do đốt cột sống bị biến dạng, có chiều cao chưa đến 1,3m nghẹn ngào kể lại: “Em đến cơ sở từ tháng 10-2010. Lúc trước, em bị khuyết tật như thế, mất hết niềm tin trong cuộc sống. May thay, tình cờ em lượm được một tờ rơi về cơ sở liền điện thoại liên hệ và được giúp đỡ cùng ở với các bạn cho tới nay”.

Ngồi nhìn Phương chăm chú vào những thao tác linh hoạt và nhịp nhàng để kết cườm cho ra những sản phẩm hạt cườm lóng lánh, bắt mắt người xem, tôi không nghĩ em là người khuyết tật. Bởi điều đơn giản là em làm việc còn giỏi hơn nhiều người bình thường khác. Em kể, có được những sản phẩm đẹp này, chị Hà Thị Hồng Hiệp - người khuyết tật vào cơ sở lâu nhất cũng là người phụ trách dạy nghề cho các em đã tận tâm giúp đỡ, chỉ dẫn cho em có cái nghề để làm, để sống và những sản phẩm của các em đã hòa nhập vào cộng đồng.

Vượt lên nỗi đau

Nếu ai đó chỉ một lần nhìn những đứa trẻ khuyết tật tại đây, chắc chắn sẽ không tin vào mắt mình khi những con người ở tận cùng của sự đau khổ nhưng họ đã biết vượt qua nỗi đau để sống. Cụ thể khi nhìn thấy em Lê Văn Ở, 20 tuổi (quê Hòn Đất, Kiên Giang) vào nhóm được gần 10 năm nay ngồi đàn organ và hát rất hay khó ai tin em là người không có hốc mắt. Em tâm sự: “Em sinh ra đã không có mắt nên cố gắng tập chơi đàn và hát. Qua những bài hát, em mong muốn cộng đồng hãy tiếp tục chia sẻ nỗi đau với những đứa trẻ bị chất độc da cam như tụi em”.

Để trở thành Đội trưởng đội văn nghệ của nhóm, Ở đã học và cố gắng vươn lên số phận. Và điều tuyệt diệu đã đến khi đội của Ở đã đi lưu diễn khắp các tỉnh, thành trong cả nước để chia sẻ nỗi đau, để cộng đồng nhìn thấy tận mắt những con người thật của di chứng chất độc da cam và đồng cảm. Ngày 2-12 vừa qua, tại hội trường UBND tỉnh Bình Dương, Ở vừa đàn vừa hát bài “Tình cha” đã gây xúc động đến gần 200 đại biểu dự khán. Em nhớ lại: “Những ngày đầu học đánh đàn là những ngày gian khó nhất trong đời em. Có nhiều khi em định bỏ cuộc nhưng nghĩ đến gánh nặng cho gia đình và xã hội, em đã cố gắng không ngừng. Sau đó, em gặp được chú Trần Hữu Quang - Giám đốc Cơ sở khuyết tật An Phúc tiếp tục dìu dắt, nên em bỏ qua mặc cảm và vươn lên, dần dần em tự tin bước hòa nhập cộng đồng”.

Một trường hợp khác nữa khá đặc biệt ở cơ sở này là 3 anh em Lê Văn Bình, Lê Văn Thuận và Lê Thị Phước. Nhìn 3 anh em nhà họ Lê có thân hình co quắt lại, chân tay teo tóp như “người xiếc”, ai cũng động lòng thương cảm. Anh Nguyễn Minh Thắng - một người khuyết tật cùng cảnh ngộ kể, 3 anh em Bình sinh ra trong một gia đình có 7 người con, trong đó có 3 người bị chất độc da cam. Từ khi đến với nhóm, được các chú, các bác tận tình giúp đỡ, họ đã vượt qua được nỗi đau. Với thân hình co quắp nhưng Bình chơi đàn rất giỏi chẳng kém người bình thường bao nhiêu. Khi tôi nhìn Bình chơi đàn, tôi nghĩ Bình và các con người khuyết tật ở đây thật tuyệt vời. Họ đã biết cách vượt lên trên mọi nỗi đau của cuộc sống.

Còn nhiều lắm những con người, những số phận. Đó là Nguyễn Minh Thắng, bị sốt bại liệt, 2 chân teo tóp nhưng anh đã không ngừng học tập vươn lên, giờ sắp trở thành nhà quản lý tương lai. Đó là Hồ Văn Đủ (23 tuổi, Kiên Giang) - mặc dù không nhìn thấy, nhưng em chơi đàn trên cả điều tuyệt diệu. Đó là Nguyễn Thị Hoài Phương (14 tuổi, Nghệ An) bị thiểu năng về trí tuệ, đầu óc không bình thường nhưng sau khi đến hòa nhập với nhóm đã kết cườm rất giỏi. Và cuối cùng là người chị cả Hà Thị Hồng Hiệp -người lùn ngủn, hai chân hình vòng cung do bị ảnh hưởng chất độc da cam. Chị đã được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mổ 6 lần miễn phí nhưng chân vẫn còn cong. Người chị cả này đã sống và vươn lên số phận, đã giúp đỡ cho 22 đứa trẻ còn lại của nhóm. Nhiều đứa trẻ cho hay, chị là “linh hồn” của họ, là một tấm gương tuyệt diệu nhất trên đời, là “bà tiên” đã cho họ niềm vui, sự tự tin trong cuộc sống.

 Những đứa trẻ khuyết tật ở P.Lái Thiêu tôi gặp là vậy, họ đã vươn lên trên sự đau khổ, đã sống và hòa nhập cộng đồng. Cái khó hiện nay của họ là chỗ ở, một trung tâm đàng hoàng hơn. Do vậy, họ mong muốn được cộng đồng tiếp tục chia sẻ, giúp đỡ có nơi ở ổn định, mong được cộng đồng ủng hộ những sản phẩm do chính họ tạo ra. Mỗi sản phẩm hạt cườm của họ là một thông điệp “Tình yêu thương bao la”.

HỒ VĂN

Chia sẻ