Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Hiện nay, sốt xuất huyết (SXH) vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin phòng bệnh và là một trong những nguyên nhân hàng đầu nhập viện và tử vong ở trẻ em. Để chủ động phòng bệnh cũng như để trẻ mắc bệnh SXH được điều trị kịp thời, chúng tôi xin giới thiệu những hướng dẫn của bác sĩ Nguyễn Tông Toàn (khoa Nhi, BVĐK tỉnh) giúp các bậc phụ huynh hiểu biết về bệnh, nhận biết những dấu hiệu của bệnh SXH
Những dấu hiệu nhận biết trẻ bị SXH
Khi trẻ có các dấu hiệu sau, các bậc phụ huynh nên nghĩ đến trẻ bị SXH: Sốt cao (39 - 41 độ C) đột ngột và liên tục từ 2 - 7 ngày nhưng sử dụng các loại thuốc hạ nhiệt thông thường vẫn không dứt; có dấu hiệu xuất huyết dưới da: điểm, đốm, mảng xuất huyết; tới giai đoạn nặng (vào sốc) có thể có những biểu hiện đau bụng, nôn ói, tay chân lạnh.
Chú ý: tốt nhất khi trẻ bị sốt liên tục 2 ngày nên đưa trẻ đến cơ sở khám chữa bệnh.
Những dấu hiệu nặng, nguy hiểm của bệnh
Hết sốt nhưng đừ, mệt, quấy khóc, lạnh tím tay chân, vã mồ hôi...; ói nhiều; đau bụng; chảy máu mũi nhiều, chảy máu chân răng, tiêu ra máu, tiểu máu hay ra máu âm đạo...
Khi trẻ có một trong những dấu hiệu trên cần cho trẻ nhập viện cấp cứu ngay.
Các biện pháp phòng bệnh SXH
Bảo vệ trẻ không bị muỗi chích: ngủ mùng; không chơi ở góc tối; đuổi muỗi bằng nhang muỗi, thuốc xịt muỗi, thoa kem chống muỗi...; mặc quần áo dài tay; diệt muỗi, lăng quăng: phun thuốc diệt muỗi, dọn dẹp những chỗ muỗi thích đậu, nghỉ: dây treo quần áo, xó tối,...; diệt lăng quăng: đậy nắp các vật dụng chứa nước, súc rửa lu hồ thường xuyên, dọn dẹp chỗ đọng nước quanh và trong nhà.
ĐỨC LÊ (thực hiện)