Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Sáng cuối tuần, có việc đi xe buýt từ TX.Thuận An về TP.Thủ Dầu Một, tôi chứng kiến một câu chuyện khá hài hước nhưng cũng đáng để các bạn trẻ lưu tâm.
Chuyến xe không đông người và khách lên xuống liên tục. Ai lên sau thấy chỗ trống thì ngồi vào. Tôi bước lên và ngồi vào chiếc ghế trống bên trái. Bên phải tôi là một chị phụ nữ người dân tộc Chăm độ khoảng 50 tuổi. Chị có nước da ngăm đen và đôi mắt lác.
Tôi ngồi vào chỗ, cứ vài phút lại thấy chị ấy xoay người qua nhìn tôi. Một lúc sau, chị xoay qua nhìn tôi và nói một câu bằng tiếng mẹ đẻ của chị. Tôi mỉm cười xã giao rồi đưa mắt cầu cứu anh lơ xe nhưng anh ta đang đứng phía trên gần chỗ bác tài.
Xe ghé vào trạm đổ xăng, chị lại xoay người qua nhìn tôi và tiếp tục trò chuyện nhưng dù hết sức lắng nghe, tôi cũng không hiểu chị nói gì. Tôi đoán chắc chị ta hỏi đường, tôi lịch sự gật đầu chào và chỉ tay về phía anh lơ xe để nhắc chị cần hỏi địa điểm lên xuống thì nên gặp người này nhưng anh lơ đã xuống xe.
Xe tiếp tục chạy, khoảng 15 phút sau, chị ra hiệu cho bác tài dừng xe. Khi xe tấp vào lề, chị tiến về phía sau lưng tôi. Tôi quay lại nhìn thì ra nảy giờ chị trò chuyện với cô con gái và đứa cháu ngoại. Tôi nổi điên khi thấy hai mẹ con cô gái đang cắm đầu trên chiếc điện thoại thông minh, để mặc chị và tôi suốt buổi nhìn nhau nói chuyện như hai kẻ mộng du.
Lâu nay, tôi vẫn nghe nhiều bậc phụ huynh than phiền vì trạng thái căng thẳng, lo âu bởi con cái bây giờ chỉ trò chuyện, chia sẻ với facebook, không quan tâm đến cha mẹ nói gì, cần gì. Thậm chí có người còn quyết liệt đòi dẹp bỏ các phương tiện công nghệ thông minh gây hại não và làm tình cảm gia đình ngày càng xa cách.
Đã đến lúc cần nhắc nhở, kêu gọi các bạn trẻ hạn chế sử dụng điện thoại thông minh và dành nhiều thời gian cho cha mẹ càng sớm càng tốt.
MINH HOÀNG