| 07-07-2011 | 00:00:00

Những phận đời trôi nổi

Bến Bình Đông nằm trên kênh Tàu Hủ thuộc quận 6 và quận 8, TP.HCM, là nơi cư ngụ của những người sống trên ghe thuyền. Nơi đây, nhiều phận đời đang sống cảnh trôi nổi nghèo túng, không nhà cửa.

   Ghe đậu ở bến Bình Đông

Một buổi chiều, chúng tôi ghé kênh Tàu Hủ. Như nhiều dòng kênh bị ô nhiễm của thành phố này, nước kênh Tàu Hủ đen ngòm và bốc mùi hôi từ xa. Bất chấp điều đó, hàng trăm con người đang phải sống, ăn ngủ trên những chiếc ghe neo đậu ở kênh này. Phần lớn ghe đậu trên kênh Tàu Hủ là những chiếc ghe nhỏ, cũ nát của những người nghèo tha hương chọn kênh Tàu Hủ làm chốn mưu sinh.

Cuộc đời lênh đênh theo ghe

Đi dọc kênh, tôi ghé vào một nhóm người trên bờ phía quận 6. Bốn người đang lúi húi bên rỗ đựng củ hành để bóc vỏ. Nắng chiều gay gắt đổ lên da thịt họ. Tôi hỏi thăm một người phụ nữ luống tuổi. Chị tên Sơn Cúc, quê Trà Vinh. Gia đình chị sống trên ghe mấy mươi năm rồi. Chị làm nghề bóc hành thuê. Chồng làm nghề bốc vác. Cả ngày, gia đình chị kiếm được khoảng bảy, tám chục ngàn đồng, chỉ đủ mua gạo ăn. Nhà chị có 3 người con. Đứa lớn gửi ở quê ở với người cậu để đi học. Còn hai đứa nhỏ ở với cha mẹ trên này. Không có tiền gửi nhà trẻ, suốt ngày hai đứa ở cùng chị. Khi tôi ghé thăm, con trai chị vừa đi chơi về. Cậu bé khoảng 4 tuổi, ở trần, tóc cháy nắng vàng hoe. Còn đứa út là con gái còn nhỏ, ngồi lê la bên mẹ. Ở tuổi đó, những em bé con nhà khá giả đã được đến trường học, học xong có cha mẹ đưa đón về.

  Anh Kiệt (ở trần) và tác giả

Hỏi chuyện chị vì sao lại lên Sài Gòn, sống trên kênh rạch thế này, chị tâm sự: “Ở dưới quê không có đất làm ăn đành phải lên đây kiếm sống. Mình nghèo, không có tiền mướn nhà trọ nên phải ở trên ghe”.

Cuộc sống trên ghe thuyền thật vất vả. Việc tắm giặt phải phụ thuộc. Để có nước uống, họ phải mua. Mất khoảng 4.000 đồng cho một thùng nước khoảng 200 lít. Số nước đó, họ phải xài tiết kiệm lắm mới đủ trong vài ngày. “Cũng may, dạo này chúng tôi được dùng nước ké với công nhân làm đại lộ Đông Tây. Tắm giặt thì dùng nước đó. Còn ăn uống thì dùng nước mình mua” - chị Cúc nói. Hỏi chị Cúc có định về quê sống không, chị nói: “Cũng chưa biết chừng nào về quê được. Về quê không có việc gì mà làm ra tiền. Ngày tết, có khi gia đình tôi cũng không về được, vì không có tiền về...”.

Ngày hôm sau, chúng tôi trở lại bến Bình Đông. Đi qua một nhánh kênh thuộc khu vực phường 13, quận 8. Ở đây, có khoảng 5 - 6 chiếc ghe đang neo đậu. Bước xuống một chiếc ghe, tôi làm quen với anh Võ Tấn Kiệt. Quê anh Kiệt ở Tiền Giang. Năm nay, anh 25 tuổi đã có vợ và một đứa con gái. Gia đình bé nhỏ của anh đã sống trên ghe được 5 năm. Chiếc ghe này anh mua lại của người ta giá 4 triệu đồng. Anh Kiệt cho biết, anh trước làm nghề phụ đóng cọc cừ trong xây dựng. Rồi vì lỡ làm gãy cây xà xi măng, anh bị chủ bắt nghỉ việc. Số tiền lương còn lại bị trừ vào tiền cây xà xi măng bị gãy, coi như mất công không. Anh đã tìm việc nhiều nơi nhưng chưa nơi nào nhận. Hàng ngày, chuyện ăn uống của gia đình anh trông chờ vào số tiền dành dụm ít ỏi và tiền công vợ anh làm mướn lặt vặt.

Anh Kiệt nói: “Sống trên ghe đâu bằng sống ở trong nhà. Mình không có tiền thì đành chịu vậy thôi...”. Sống trong điều kiện như vậy, không hiểu liệu mai này con gái anh có được đi học hay không?

Thương hồ miệt vườn... trên kênh

Không chỉ những người nghèo mới sống trên ghe và neo đậu cuộc đời mình ở những con kênh nơi bến Bình Đông. Nơi đây còn có những thương hồ miệt vườn giong ghe lên Sài Gòn buôn bán. Họ buôn bán các loại trái cây của vùng sông nước miền Tây: xoài, ổi, bưởi, chuối... Cũng có người buôn đồ nhựa, máy móc...

Tôi gặp anh Lê Anh Thương, một chủ ghe trẻ tuổi. Thương quê Cần Đước, Long An, theo ghe cùng cha đi buôn bán từ nhỏ. So với cuộc sống của những người lao động thì cuộc sống của anh có vẻ khá giả hơn. Chỉ cần nhìn chiếc ghe to dềnh dàng và vững chãi cũng đủ hiểu. Dù vậy, cuộc sống lênh đênh trên sông nước vẫn không thể bằng một mái nhà yên ấm. Nơi đó có gia đình, bà con, làng xóm với bao tình nghĩa ấm áp. “Người ta sống đâu chỉ cần kinh tế, còn chuyện vui chơi, tình cảm. Đi vầy nhiều lúc nhớ nhà lắm chứ. Nhưng mưu sinh mà, riết rồi cũng quen” - anh Thương tâm sự.  Hỏi anh thu nhập một ngày của ghe mình là bao nhiêu, anh cười không đáp.

Chạy qua cầu Nhị Thiên Đường, tôi tiếp chuyện với anh Nguyễn Quang Liêm, 43 tuổi, một thương hồ khác. Anh Liêm quê Vĩnh Long, hơn 10 năm rồi anh làm nghề buôn bán các loại trái cây từ miệt vườn lên Sài Gòn. Ở quê nhà anh cũng có ruộng vườn. Những khi không làm ruộng, anh đi buôn và đưa gia đình theo. Anh Liêm nói: “Vợ chồng tôi có 5 đứa con, 4 đứa con gái, 1 đứa con trai. Tôi ráng làm nuôi cho chúng ăn học đàng hoàng để mong mấy đứa con khỏi phải làm nghề buôn trái cây vất vả. Làm nghề này cũng có tiền nhưng cực, mai này tôi già rồi, sợ không làm nổi nữa, chắc phải về quê...”. Niềm tự hào của anh Liêm là cô con gái đang theo học đại học Cần Thơ, ngành sư phạm.

Chuyện những người trên bờ

Cứ ngỡ cuộc sống của những người trên ghe mới long đong, phập phù. Thế nhưng cuộc sống của những người cạnh bờ kênh cũng phập phù không kém. Cách mấy bước chân ở chỗ chị Sơn Cúc làm là một ngôi nhà kỳ lạ. Đúng hơn là một túp lều dài chừng 1,2m, bề rộng chừng 80cm, được dựng trên phần đất của đại lộ Đông Tây. Túp lều được che chắn bằng đủ thứ tạm bợ, ni-lông, vải bạt cũ. Đó là nhà của vợ chồng bà Trần Thị Như Loan. Bà Loan cho biết, nhà bà có chiếc xe lam mua từ trước giải phóng. Nó là cái cần câu cơm của gia đình bà. Hàng ngày, chồng bà chạy xe lam. Được đồng nào chỉ đủ mua gạo. Cuộc sống đó không giàu có, dư dật nhưng cũng có tiền rau cháo. Bây giờ, khi Nhà nước cấm xe ba bánh, cuộc sống của gia đình bà rơi vào khó khăn. Bà Loan tâm sự: “Hồi trước, gia đình tôi sống cũng tạm ổn. Nhưng gần đây, Nhà nước cấm chạy xe lam, xe ba gác... nhà tôi không biết làm gì để sống? Nhà nước cũng cho phép mua lại loại xe mới, nhưng chúng tôi không có đủ tiền. Vay ngân hàng thì lấy gì thế chấp?”. Bây giờ, chiếc xe cà tàng cũng sắp hư. Nhà cửa thì không có, họ dựng túp lều tạm để tránh mưa gió. Tối đến, hai vợ chồng phải ngủ dưới mái hiên nhà người ta, vì túp lều quá chật.

  Chị Sơn Cúc (bìa phải) đang bóc hành

Trong buổi chiều đó, cạnh túp lều của bà Loan tôi gặp một cảnh đời éo le khác. Đó là ông Nguyễn Chứng Nhân. Ông Nhân quê Nam Định, vào Sài Gòn làm nghề bốc vác. Nhưng mấy tháng nay ông bị gãy chân, không làm gì được. Buổi chiều đó, khi tôi gặp ông, ông đang lúi húi nấu cơm. Thức ăn thật đạm bạc: cơm, một tô canh rau đắng nấu với dầu ăn. Ông Nhân thổ lộ: “Con người có ai muốn nghèo đâu cháu? Trời bắt tội nghèo thì phải chịu thôi. Giờ chú chỉ mong gom được ít tiền để về quê”.

Chiều dần tắt nắng, chị Cúc dẫn hai đứa nhỏ đến chỗ vòi nước để tắm. Hai đứa trẻ vô tư cười giỡn với nước. Chúng không biết được nỗi lo của cha mẹ. Nhìn trên bờ, những chiếc xe xúc, xe ủi đang được tập hợp để làm đại lộ Đông Tây. Mai này, khi đại lộ này hoàn thành, những người như bà Loan, chị Cúc sẽ đi về đâu?

 Chủ ghe Lê Anh Thương

Trời bất chợt nổi gió, chuyển mưa lớn. Những chiếc ghe tròng trành, lắc lư. Nhìn chúng, bất giác tôi nghĩ đến những người sống trên đó, cuộc đời họ cũng bập bềnh như vậy.

Nguyễn Văn Thịnh

 

 

Chia sẻ